Hàn Quốc: Tết vẫn là gánh nặng với chị em

GD&TĐ - Trong tiếng Hàn, Tết Nguyên đán được gọi là Seollal. Seollal cũng là dịp đoàn viên, vui chơi, nhưng với phụ nữ thì chưa hẳn.

Seollal là dịp đoàn viên của người Hàn Quốc.
Seollal là dịp đoàn viên của người Hàn Quốc.

Theo kết quả khảo sát từ công ty Saramin, có đến 70,9% chị em Hàn Quốc đã có chồng và 59% chưa chồng trầm cảm vì Seollal. 

“Oshin” ngày Tết

Hàn Quốc là đất nước Đông Á, có nền văn hóa đậm chất Nho giáo. Như nhiều quốc gia trong khu vực, họ cũng đón Tết Âm lịch.

Seollal của Hàn Quốc bắt đầu từ ngày cuối cùng của năm cũ, kéo dài sang 2 ngày tiếp theo của năm mới. Từ đầu tháng 12 âm lịch, các cư dân ở đây đã lo sửa soạn đón Tết. Họ thức trọn đêm giao thừa, cố gắng khiến cả đám trẻ con ham ăn ham ngủ cũng thức chung. “Ngày xưa, các cụ dọa trẻ con nếu ngủ qua đêm giao thừa, thì sẽ bạc hết lông mày”, Yang Joong Joo của đài SBS Korean cho biết.

Sáng mùng 1/1 âm lịch, người Hàn Quốc đi chúc Tết thân nhân, họ hàng. Nơi đầu tiên họ đến là nhà cha mẹ. Với phụ nữ Hàn Quốc đã lập gia đình, họ cần theo chồng con tới chúc Tết cha mẹ chồng trước. Tuy nhiên, việc chúc Tết không phải chỉ có chúc bằng lời.

Theo lệ của người Hàn Quốc, phụ nữ đã kết hôn có trách nhiệm chăm lo cho chồng và tất cả các thành viên trong nhà chồng.

Seollal là dịp 3 thế hệ đoàn viên, các con, cháu dâu phải xuống bếp, nấu nướng thức ăn phục vụ cúng tân niên, thiết đãi mọi người. 

Gần như suốt cả ngày mùng 1 Tết, các chị em Hàn Quốc có chồng không rời nổi căn bếp. “Hồi nhỏ, tôi không để ý việc mẹ tôi phải làm nhiều và cực hơn Oshin trong mỗi dịp lễ Tết ở nhà ông bà nội. Nhưng bây giờ, khi đã thành con dâu và phải trải qua những ngày Tết tương tự, tôi thấy thật bất công”, Shin Min-jeong (35 tuổi) bày tỏ. 

Trước Seollal năm 2019, công ty Saramin, Hàn Quốc từng thực hiện một cuộc khảo sát trên 3.507 người. Kết quả: 70,9% phụ nữ đã kết hôn cảm thấy bị căng thẳng vì Tết nhất sắp tới. Ngay cả với các chị em chưa chồng, số người “nghĩ tới Tết mà nặng hết cả đầu” cũng 50,9%.

Trong số 70,9% phụ nữ đã kết hôn “sợ Tết đến”, có 31,7% ngán ngẩm Seollal vì phải nấu nướng và dọn dẹp. Họ thậm chí ngán đến nỗi… đổ bệnh. Theo báo cáo từ Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc, tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 30 - 40 bị nhiễm trùng bàng quang tăng 20% trong các Seollal. 

Họ có thể không rời nổi căn bếp, vì phải nấu quá nhiều món ăn.
Họ có thể không rời nổi căn bếp, vì phải nấu quá nhiều món ăn.

Lo bị mắng

Các chị em Hàn Quốc chưa chồng không phải lo xuống bếp, vì đã có mẹ và chị em dâu đảm trách hết. Dù vậy, họ cũng không thoát khỏi stress ngày Tết. “Tôi đã bị mẹ la rầy vì chuyện tự ý chuyển việc đến chán hết cả tai rồi. Tôi thật sự không muốn phải nghe thêm từ cô dì chú bác nữa”, Kim Ji-won (29 tuổi) than vãn. 

Như đã đề cập, Seollal là dịp đoàn viên. Các chị em Hàn Quốc chưa chồng tất yếu phải gặp toàn bộ anh em, họ hàng trong nhà. Trong dịp tụ tập cả năm mới có một lần này, họ trở thành đối tượng được chú ý nhất. Văn hóa Hàn Quốc quan niệm, chuyện quan trọng nhất với đàn bà con gái là sớm chồng. Các chị em “còn son” không tránh khỏi “được” bảo ban, mối mai nhiệt tình.

Sau chuyện “phải lấy chồng, sinh con” là nghề nghiệp. Người Hàn Quốc trọng vị trí công – viên chức, chỉ khen ngợi và khuyến khích các con cháu theo “nghề nhà nước”. Ji-won đang yên ổn làm công chức lại bỏ ngang, theo đuổi sở thích. Cô biến thành tâm điểm chỉ trích, bị hết người này đến người kia giáo huấn. 

Choi Ye-ji (25 tuổi) vừa mới tốt nghiệp đại học. “Tôi vẫn chưa xin được việc làm”, cô cho biết. “Tôi sợ về quê ăn Tết lắm, vì biết chắc thế nào cũng bị mọi người vây lấy mà hỏi han”. 

Ly hôn tăng 138,8%

Phụ nữ độc thân thì không thể tránh bị “cả họ giáo huấn”.
 Phụ nữ độc thân thì không thể tránh bị “cả họ giáo huấn”.

Ngay cả đàn ông Hàn Quốc cũng khổ vì Seollal. Họ bị ném vào tình thế khó xử nhất, “bên mẹ bên vợ, bên nào nặng hơn”. Kết quả là 53,6% sợ Tết, chỉ mong Seollal đừng đến và đã đến thì sớm qua. Nam giới Hàn Quốc chưa vợ thì chung nỗi khổ với nữ giới chưa chồng, bị hỏi chuyện và nghe khuyên răn mệt nghỉ. Kết quả là 52,4% các anh căng thẳng vì Seollal. 

Cũng theo kết quả khảo sát của công ty Saramin, 59,1% người tham gia muốn được đón Tết một mình. 34,1% cho biết, nghĩ đến Seollal còn mệt hơn nghĩ đến công việc. 

Bên cạnh “khổ cực trong Tết”, chị em phụ nữ Hàn Quốc có chồng còn “khổ cực trước Tết”. Họ phải lo chi tiêu, mua sắm đủ thứ, đặc biệt là quà cáp cho 2 bên nội ngoại. Sau khi đã xong xuôi Tết nhất bên nhà chồng, họ vẫn phải chờ cha mẹ chồng cho phép, mới được đi thăm và mừng xuân cha mẹ ruột. 

Ngày nay, Hàn Quốc có khá nhiều cha mẹ chồng thay đổi lối nghĩ, chuyển sang yêu chiều con dâu hơn.

Vào dịp lễ Tết, Kim So-hae (42 tuổi) được mẹ chồng bảo “cứ ngồi chơi, để đấy mẹ làm”. Nhưng nhìn cảnh bà một mình lụi cụi nấu ăn dưới bếp, So-hae không đành lòng. “Tôi biết mẹ thật lòng muốn thiết đãi và để tôi nghỉ ngơi, nhưng vẫn bứt rứt không chịu nổi”. 

Trước Seollal năm ngoái, trang web Incruit ở Hàn Quốc cũng thực hiện một cuộc khảo sát riêng biệt. Họ báo cáo, trên 60% phụ nữ Hàn Quốc có chồng cảm thấy áp lực khi đến chúc Tết nhà chồng. Nhiều người bị áp lực đến nỗi… đâm đơn li dị. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Tòa án Quốc gia (National Court Administration) Hàn Quốc, tỷ lệ li hôn cận Seollal leo thang chóng mặt, tăng cao 138,8%. 

Theo Koreaherald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ