Tỷ lệ trẻ vị thành niên tái phạm pháp là 12%, cao gấp 2,7 lần người trưởng thành (4,5%). Thực tiễn này khiến toàn xã hội ái ngại, nhưng hệ thống giáo dục và pháp luật vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu.
Thực tế đáng ngại
“Cháu nghe nói, nếu chưa đủ 14 tuổi thì dù có phạm tội giết người cũng không bị bỏ tù. Thật vậy phải không? Quá tuyệt!”, trích lời thoại của nhân vật 13 tuổi sau khi thực hiện hành vi sát hại một học sinh tiểu học trong Công lý Vị thành niên (Juvenile Justice), bộ phim ăn khách hồi đầu năm 2022 của Netflix, lấy bối cảnh Hàn Quốc. Mặc dù “phim chỉ là phim”, nhưng tác phẩm này đã phản ánh một thực trạng đáng sợ trong đất nước kim chi: Trẻ vị thành niên Hàn Quốc phạm pháp.
Tháng 7/2018, một học sinh nữ cấp II ở Hàn Quốc đã tự tử vì bị 2 học sinh nam cưỡng bức. Cả 2 học sinh nam này đều mới 13 tuổi, không bị kết án và trừng phạt vì chưa đến độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự (Hàn Quốc quy định, phải từ 14 tuổi trở lên).
Tháng 1/2020, mạng xã hội Hàn Quốc thất kinh vì một video mới đăng tải. Nó ghi hình cảnh nhóm học sinh THCS hành hung và lăng mạ một cụ ông 70 tuổi. Vì dưới 14 tuổi, các em này cũng thoát tội.
Tháng 3/2022, Hàn Quốc công khai thực trạng vấn đề tội phạm vị thành niên. Chỉ từ năm 2017 – 2021, cả nước có tổng cộng 35.390 trường hợp. Trong đó có 9 vụ giết người, 47 vụ cướp bóc, 1.913 vụ phạm tội tình dục và 10.199 vụ bạo lực.
So với năm 2017, tổng số trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi phạm pháp tăng 34,8%. “Trẻ vị thành niên đang ngày càng bạo lực và tàn nhẫn hơn”, Hạ nghị sĩ Kim Hoi-jae phản ánh. Ông đề xuất hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống, đồng thời tăng mức độ hình phạt lên.
Cân nhắc hạ độ tuổi
Tổng thống Yoon Suk-yeol nghiêm túc xem xét hạ độ tuổi miễn trừ pháp lý xuống 12. |
Đạo luật vị thành niên ở Hàn Quốc được ban hành vào năm 1958, xác định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 12 trở lên. Tuy nhiên, độ tuổi tối thiểu để áp dụng hình phạt hình sự đã luôn là 14, trong suốt 64 năm nay.
“Phần lớn các vụ móc túi đều do trẻ 14 tuổi thực hiện. Tôi cho rằng, nên đặt độ tuổi miễn trừ pháp lý là 13, để hạn chế sự gia tăng của tội phạm vị thành niên”, Paik Nam-sik, thành viên Quốc hội Hàn Quốc từng đề xuất năm 1953, trước khi đạo luật vị thành niên được ban hành.
Sau nhiều thập niên, vào tháng 9/2003, Tòa án Hiến pháp (Constitutional Court) Hàn Quốc phán quyết “dưới 14 là hợp hiến” và từ chối hạ độ tuổi miễn trừ trách nhiệm pháp lý, vì như thế sẽ quá thấp so với các quốc gia khác.
Trước thực trạng gia tăng tội phạm vị thành niên, Tổng thống Yoon Suk-yeol (1962) mới đắc cử của Hàn Quốc cân nhắc hạ độ tuổi miễn trừ pháp lý xuống 12. Ông xúc tiến lên kế hoạch và trưng cầu ý dân.
Hạ nghị sĩ Hoi-jae lại muốn hạ độ tuổi miễn trừ pháp lý xuống 10. Ông cũng đề xuất hình thức trừng phạt cao nhất là giam giữ.
Vẫn còn tranh cãi
Các phiên tòa xét xử vụ việc vị thành niên phạm tội ở Hàn Quốc gia tăng qua các năm. |
Kỳ thực, không có tiêu chuẩn quốc tế nào về độ tuổi miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, độ tuổi này là 7 và tại Luxembourg là 18. Pháp luật Mỹ xác định, độ tuổi tối thiểu là 11, nhưng mỗi bang lại áp dụng một tuổi khác, dao động từ 6 – 12.
Tại một số quốc gia, ví dụ New Zealand, người ta không truy xét độ tuổi mà thẩm tra tính chất, mức độ phạm pháp. Nếu là ngộ sát hoặc giết người, ngay cả trẻ 10 tuổi cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong khi Hàn Quốc cân nhắc hạ độ tuổi, Vương quốc Anh lại đang thảo luận nâng độ tuổi miễn trừ pháp lý lên. Hiện, tuổi vị thành niên ở đây được xác lập là 10, khác với tất cả các quốc gia trong Liên minh châu Âu.
Đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa ra quyết sách cuối cùng. Nhiều người cho rằng, hạ độ tuổi và nâng mức độ hình phạt không phải giải pháp hiệu quả. Thêm vào đó, nếu quyết định hạ độ tuổi được ban hành, pháp luật Hàn Quốc cũng phải thiết lập hệ thống hình phạt mới tương ứng.
Hình thức phạt vị thành niên phạm tội, nếu được xác lập, sẽ chỉ bao gồm phạt hành chính (nộp tiền) và phạt tù treo. “Tôi lo rằng, cả 2 kiểu phạt này đều không có tác dụng”, Luật sư Kim Su-hyeon (Seoul) lo ngại.