Hàn Quốc: Giới trẻ chọn hôn nhân không con cái

GD&TĐ - 1/5 các cặp vợ chồng Hàn Quốc kết hôn vào năm 2015 vẫn chưa có con. Trên 50% phụ nữ thuộc độ tuổi 20 cho biết, không có kế hoạch sinh con và nguyên nhân không phải vì e ngại Covid-19.

Hàn Quốc: Giới trẻ chọn hôn nhân không con cái

Gia tăng mạnh 

Đầu năm 2022, Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea - SK) báo cáo tình hình dân số năm 2021. Kết quả cho thấy, tổng số ca sinh là 275.815, còn tử vong là 307.764. Dân số Hàn Quốc chỉ còn 51,3 triệu người, thấp hơn năm 2020 là 57.300 người.

Tháng 4/2022, SK báo cáo tình hình hôn nhân và sinh đẻ toàn quốc. Họ cho thấy, số lượng phụ nữ tuổi từ 15 – 49, kết hôn vào năm 2020 chưa có con là 881 nghìn người. So với năm 2015, tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn nhưng chưa có con tăng 13,2%, tương ứng với khoảng 103 nghìn người.

Trung bình, cứ trong 7 phụ nữ Hàn Quốc đã kết hôn thì có 1 người chưa có con. Ở độ tuổi 30 – 49, tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn chưa sinh con chiếm 20,3%. Ở độ tuổi 15 – 29, tỷ lệ này chiếm đến 47,1%.

Những gia đình không có kế hoạch sinh đẻ, chiếm 52,8% (tương ứng với 465 nghìn người). So với năm 2015, tỷ lệ này là 37,2%, tăng 15,6%.

Trong số những chị em đã có con, tỷ suất sinh ở độ tuổi 15 – 29 thấp nhất (0,72). Vào năm 2015, chỉ 29,1% thanh niên Hàn Quốc suy nghĩ đến việc lựa chọn hôn nhân không con cái. Đến năm 2020, con số này vọt lên hẳn 52,4%.

Căn nguyên kinh tế

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc liên tiếp giảm sâu.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc liên tiếp giảm sâu.

Từ năm 2019, khi tỷ suất sinh tụt xuống dưới 1 (chỉ đạt 0,92), chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chính sách nhằm gia tăng dân số. Họ tặng cho thai phụ 1 triệu won (tương đương 18 triệu đồng) và hỗ trợ cặp đôi mới sinh con 6 triệu won (khoảng 108 triệu đồng).

Bất chấp sự khuyến khích, tỷ suất sinh Hàn Quốc tiếp tục giảm. Năm 2021, họ chỉ đạt 0,81. “Ngày nay, các chị em Hàn Quốc không muốn sinh con vì xin việc và nuôi dạy trẻ quá khó khăn”, Giáo sư Kim Seong-kon (Đại học Quốc gia Seoul) giải thích nguyên do.

Trên thị trường lao động Hàn Quốc, phụ nữ mang thai phải đối mặt với nhiều bất lợi lớn. Các chị em có con nhỏ cũng khó tìm được cơ sở trông trẻ đáng tin cậy mà chi phí rẻ. Thực tế này bắt buộc họ phải cân nhắc việc có hay không có con.

Trường hợp của Choi Mi-yeon (32 tuổi) là một ví dụ. Cô tốt nghiệp ngành thương mại quốc tế. Ngay buổi phỏng vấn xin việc đầu tiên, cô đã choáng váng vì câu hỏi ngoài dự liệu: “Chị có dự định kết hôn hay không?”. Một vài nhà tuyển dụng còn thẳng thừng nêu lý do, không muốn phải trả lương cho phụ nữ nghỉ thai sản.

“Tôi không dám chắc nên hay không nên sinh con, vì có khả năng bị đẩy toàn bộ trách nhiệm nội trợ và nuôi dạy con cái lên người”, Mi-yeon chia sẻ.

Ngày nay, nam giới Hàn Quốc đang dần thay đổi quan niệm “nuôi con là chuyện của đàn bà”, sẵn sàng làm “ông bố bỉm sữa”. Tuy nhiên, “chính phủ đã quên mất một điều là chi phí nhà ở và giáo dục quá cao”, Yoo Nara (37 tuổi, cư dân Seoul) phàn nàn.

Hàn Quốc xếp đầu danh sách những quốc gia nuôi con tốn kém nhất thế giới. Trung bình, các bậc cha mẹ có con nhỏ bội chi 198 nghìn won/tháng (tương đương 3,57 triệu đồng). Bình quân, tổng chi phí nuôi dạy 1 trẻ em từ sơ sinh đến tuổi 18 cao gấp 7,8 lần GDP đầu người.

“Có con là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhưng, sau khi cân nhắc các khó khăn kinh tế, tôi chỉ còn cách lựa chọn điều ngược lại. Tôi yêu trẻ, nhưng có con lại biến thành sự xa xỉ ngoài tầm tay mất rồi”, Nara buồn bã đưa ra quyết định.

Mặc dù, nhà nước Hàn Quốc hỗ trợ 200 nghìn won/tháng (tương đương 3,6 triệu đồng) cho các gia đình có con dưới 5 tuổi, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu. Chỉ giá thuê căn hộ bình quân toàn quốc đã 500 nghìn won/tháng (tương đương 9 triệu đồng). Tại các thành phố lớn, giá thành trung bình còn cao gấp đôi, lên 1 triệu won/tháng (tương đương 18 triệu đồng).

Chưa giải quyết được vấn đề chỗ ở và chi phí nuôi dạy trẻ em, thanh niên Hàn Quốc còn sợ sinh con, không dám “hôn nhân có con cái”. 

Tương lai ảm đạm

Ước tính đến năm 2024, tỷ suất sinh của Hàn Quốc chỉ đạt 0,7.
Ước tính đến năm 2024, tỷ suất sinh của Hàn Quốc chỉ đạt 0,7.

Bên cạnh lựa chọn hôn nhân không con cái, thanh niên Hàn Quốc còn nhiều người từ bỏ kết hôn. Nguyên nhân cũng vì suy thoái kinh tế kéo dài và giá thành bất động sản tăng chóng mặt. Dự đoán, tỷ lệ sinh vốn đã quá thấp của Hàn Quốc còn tiếp tục đi xuống nữa, chạm 0,7 vào năm 2024.

“Số ca sinh sẽ tiếp tục giảm, trong khi số ca tử vong lại tăng. Dân số của đất nước tất yếu già đi nhanh chóng, kéo theo mất mát nguồn cung lao động và dẫn đến trì trệ tốc độ tăng trưởng kinh tế”, Noh Hyung-joon (quan chức SK) tiên đoán.

Năm 2020, tổng dân số Hàn Quốc trong độ tuổi lao động (15 – 64) là 37,4 triệu người, chiếm 72,1% dân số. Tuy nhiên, đến năm 2070, ước tính lực lượng lao động của họ sẽ chỉ còn khoảng 17,4 triệu người, giảm đến 53,5% so với năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảm giác hưng phấn là một chức năng tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: ITN)

8 lý do khiến bạn muốn 'yêu'

GD&TĐ - Hầu hết chúng ta bắt đầu cảm thấy hưng phấn khi bước vào tuổi dậy thì và đương nhiên, việc có cảm xúc tình dục là điều hoàn toàn bình thường.

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…