Hàn Quốc “kìm cương” cuộc đua giáo dục

GD&TĐ - Trong nỗ lực nhằm giảm sức nóng của tình trạng luyện thi vào các trường đại học hàng đầu, chính phủ Hàn Quốc vừa yêu cầu hơn một chục trường đại học – trong đó có 3 trường đứng đầu – sửa đổi đề thi tuyển sinh sao cho phù hợp với chương trình THPT bình thường…

Hàn Quốc “kìm cương” cuộc đua giáo dục

Phạt vào chỉ tiêu tuyển sinh

Chính phủ cho biết, sẽ phạt những trường tái phạm bằng cách giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học tới, giảm ngân sách cho các dự án của trường và thậm chí kỷ luật hiệu trưởng nếu không loại bỏ những câu hỏi thi nằm ngoài chương trình THPT chính thức.

Viện Chương trình và Kiểm định Hàn Quốc phân tích khoảng 2.300 câu hỏi thi của khoảng 57 trường đại học tự tổ chức thi tuyển. Trong đó có 11 trường có những câu hỏi “nằm quá xa” kiến thức chính khóa về Toán và Khoa học. Thí sinh chỉ có thể giải được những câu hỏi này nếu đi học thêm tại các lớp luyện thi tư nhân.

Trong số các trường đại học vi phạm quy định có đủ mặt 3 trường ĐH nổi tiếng nhất Hàn Quốc là ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Korea và ĐH Yonsei – bộ ba trường mà ghép chữ cái đầu thành SKY (trong tiếng Anh là “bầu trời”).

Các trường ĐH Yonsei và ĐH Ulsan đã vi phạm quy định 2 năm liên tiếp. Bộ Giáo dục cho biết, đang xem xét hình thức phạt, gồm hạn chế tuyển sinh trong năm học 2019.

Xoá bớt bất bình đẳng GD

Chấn chỉnh việc tuyển sinh đại học là một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Moon Jae-in, người hứa hẹn sẽ kìm cương những trường hàng đầu đang gây ra bất bình đẳng lớn trong giáo dục và “cuộc đua vũ trang” trong giáo dục – khi buộc phụ huynh tốn kém ngày càng nhiều cho chuyện học hành của con cái.

Khoảng 46 trường THPT tự chủ tư nhân, khoảng một nửa trong đó tại Seoul, thực hiện chương trình giảng dạy chuyên dành cho luyện thi đại học và thu học phí cao.

Bộ Giáo dục trong một thông báo gần đây cho biết “sẽ dần chuyển những trường THPT kiểu này thành những trường bình thường – đầu tiên là trên nguyên tắc tự nguyện để giảm thiểu sự bất ổn”.

“Chương trình giáo dục hiện tại đã xa rời mục đích ban đầu là tạo nên sự đa dạng và tự chủ trong giáo dục – để chuyển sang giáo dục chuyên về luyện thi vào những trường đại học tốp đầu” – theo Cho Hee-yeon, người đứng đầu Sở Giáo dục Seoul.

Ông Cho chỉ ra rằng, những gia đình giàu có có nhiều nguồn lực hơn cho con cái họ thắng thế trong cuộc đua, giáo dục vì thế được phân theo tầng cấp dựa vào mức độ tài chính của gia đình.

Giảm độ “đánh đố” của đề thi tuyển sinh đại học nghĩa là sẽ dựa nhiều hơn vào các hình thức đánh giá khác như hoạt động ngoại khoá, bài luận, phỏng vấn… Tuy nhiên, việc thực hiện những cách đánh giá bổ sung này trong những năm gần đây đã nhận nhiều chỉ trích.

Hệ thống tuyển sinh không dựa vào thi đầu vào đã bị những nhân vật quyền thế lợi dụng. Như trường hợp của Chung Yoo-ra, con gái bạn của Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye và là cựu thành viên đội đua ngựa quốc gia, được ưu ái tuyển sinh vào ĐH nữ Ewha tại Seoul theo chương trình đặc biệt dành cho học viên là vận động viên.

Trong một cuộc họp báo gần đây, hiệu trưởng ĐH Yonsei và hiệu trưởng ĐH Korea cho biết, vận động viên muốn được tuyển vào trường sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn học thuật nhất định bắt đầu từ năm 2021 và sẽ không được tham gia thi tuyển nếu không đạt mức “sàn” điểm thi tuyển sinh.

Trong khi đó, Hội đồng GD đại học Hàn Quốc chỉ ra hơn 1.500 bài luận nộp cho các trường đại học năm ngoái như một hình thức tuyển sinh – bị nghi là không thực chất. Những trường luyện thi hàng đầu thường hỗ trợ viết luận trong khi thí sinh không học thêm khó viết luận đạt yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ