Hoạt động này được đánh giá là bước tiến mạnh mẽ trong giáo dục số và là nguồn tham khảo cho các quốc gia khác có kế hoạch tương tự.
Sáng kiến này, được cho là bước tiến mạnh mẽ trong giáo dục số, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến học sinh từ lớp 3, lớp 4 tiểu học cho đến học sinh năm nhất trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo GS Neil Selwyn, chuyên gia tại Đại học Monash, Australia, việc Hàn Quốc ứng dụng sách giáo khoa AI không chỉ là cuộc cách mạng trong giáo dục, mà còn mở ra nhiều câu hỏi và lo ngại về tác động thực sự của AI trong môi trường học đường. Ông nhấn mạnh rằng, mặc dù Hàn Quốc đang đầu tư 70 triệu USD vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, việc chuyển đổi hoàn toàn cách thức học tập có thể không diễn ra như mong đợi.
Công nghệ AI đã tồn tại trong giáo dục qua các công cụ như chatbot và hệ thống gia sư, nhưng việc tích hợp nó vào sách giáo khoa liệu có mang lại lợi ích hay không vẫn là câu hỏi lớn. Theo nhiều chuyên gia, môi trường học tập Hàn Quốc cần cải thiện hơn là việc áp dụng công nghệ mới. Giáo dục không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ, điều quan trọng là tạo ra một môi trường học tốt hơn, ít gây căng thẳng hơn cho cả học sinh và giáo viên.
Bên cạnh đó, việc triển khai AI trong giáo dục cũng tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục. Nếu không được thiết kế cẩn thận, AI có thể làm trầm trọng thêm những chia rẽ trong xã hội. Một số nghiên cứu cho thấy các hệ thống AI có thể dẫn đến thiên vị trong việc phát hiện gian lận.
Sự quan tâm hiện tại về AI trong giáo dục Hàn Quốc có thể chỉ là một ảo tưởng công nghệ khác, giống như nhiều xu hướng trước đây. “Xứ sở kim chi” sẽ gặp rủi ro rất cao nếu không thực hiện đúng cách phương pháp mới trên.
Về phía phụ huynh và giáo viên bày tỏ lo ngại khi triển khai sách giáo khoa AI mà không có sự chuẩn bị đầy đủ. Một bản kiến nghị đã được đưa ra yêu cầu tạm hoãn kế hoạch này, nêu rõ những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với học sinh.
Đại biểu Ko Min-jung cảnh báo: “Sách giáo khoa AI chưa được kiểm tra hiệu quả không nên được sử dụng trong các trường học ngay lập tức. Nó có thể khiến trình độ học vấn của học sinh giảm sút, các em nghiện các thiết bị thông minh và xâm phạm quyền riêng tư. Thay vào đó, chúng ta cần thay đổi dự luật và cho phép các trường sử dụng sách giáo khoa AI như một phương thức tự chọn thay vì bắt buộc”.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng, phản hồi từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy họ vẫn cam kết theo đuổi dự án này. Bộ khẳng định việc triển khai sách giáo khoa kỹ thuật số ở cấp quốc gia là để đảm bảo công bằng và không có khoảng cách trong giáo dục.
Dự luật mới về sách giáo dục AI của Hàn Quốc ra đời trong bối cảnh các công nghệ mới xuất hiện tràn lan, khiến việc hoạch định chất lượng và uy tín gặp khó khăn. Nếu Hàn Quốc không cân nhắc kỹ lưỡng và sử dụng thận trọng AI trong giáo dục, nó có thể gây ảnh hưởng cho một thế hệ học sinh.
GS Neil Selwyn, chuyên gia tại Đại học Monash, Australia, cảnh báo: “Mọi công nghệ đều tái tạo những bất bình đẳng hiện có và đôi khi tạo ra những bất bình đẳng mới. Nếu không có thiết kế đặc biệt cho những học sinh yếu thế, AI có thể sẽ ưu tiên cho những người đã được hưởng lợi, nới rộng khoảng cách giáo dục”.