Các nhà lập pháp của “xứ sở kim chi” nhấn mạnh đầu tư cho nghiên cứu nhân văn đã trì trệ trong nhiều năm.
Đầu tháng 10/2024, tiểu thuyết gia người Hàn Quốc Han Kang vinh dự là người phụ nữ đầu tiên tại châu Á và trong nước nhận giải Nobel Văn học. Thành tích đáng tự hào của bà đã làm nổi bật lên tình trạng xem nhẹ các ngành khoa học nhân văn trong lĩnh vực giáo dục.
Nhiều ý kiến từ công chúng cho thấy những tài năng như Han Kang cần được nuôi dưỡng và hỗ trợ tốt hơn thông qua các chương trình đại học chính thống.
Ông Kim Yong-tae, đại diện đảng Quyền lực Nhân dân, cảnh báo: “Trong hơn một thập kỷ, nguồn tài trợ cho nghiên cứu nhân văn đã trì trệ ở mức khoảng 300 tỷ won Hàn Quốc. Nhiều học giả sống bằng cách cùng tham gia nghiên cứu chung thay vì phát triển ý tưởng riêng”.
Thực tế cho thấy, nhiều trường đại học Hàn Quốc đã đóng cửa các khoa nhân văn và thay thế bằng các khoa kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, từ năm 2019 - 2021, 17 chương trình nhân văn đã bị loại bỏ tại các trường đại học ở Seoul, trong khi 23 khoa kỹ thuật mới được mở thêm.
Trên toàn quốc, tình trạng này càng thêm nghiêm trọng. Số lượng khoa nhân văn giảm từ 962 xuống còn 807 trong 9 năm, trong khi các khoa kỹ thuật tăng từ 1,3 nghìn lên 1,4 nghìn. Sự thay đổi này không chỉ phản ánh nhu cầu thị trường, mà còn ảnh hưởng đến lựa chọn của sinh viên, làm sụt giảm vị thế của các chương trình giáo dục nhân văn.
GS Kim Sung-soo - giảng viên Đại học Yonsei, cho biết: “Xu hướng học ngành nhân văn đang giảm. Điều này không chỉ tạo ra lỗ hổng trong việc phát triển tư duy phản biện và sáng tạo, mà còn đẩy lùi sự phát triển của các ngành khoa học xã hội trong tương lai”.
Việc ngành khoa học nhân văn được quan tâm hơn sau thành tựu của nhà văn Han Kang được đánh giá là sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số học giả cảnh báo nếu muốn ngành khoa học nhân văn và xã hội phát triển, đòi hỏi phương pháp tiếp cận dài hạn hơn.
Bà Kim Young-hee, Trưởng khoa Văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei, chia sẻ: “Cuộc khủng hoảng trong khoa học nhân văn ở Hàn Quốc một phần bắt nguồn từ việc công chúng thiếu nhận thức về giá trị, ý nghĩa và sự liên quan của các lĩnh vực này. Giải Nobel có thể thay đổi tư duy đó trong chốc lát. Nhưng để những thay đổi như vậy có tác động, cần những chính sách mạnh mẽ”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc vinh danh những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực văn học như Han Kang là cơ hội để xã hội Hàn Quốc nhìn nhận lại giá trị của khoa học nhân văn. Những đóng góp của các nhà văn không chỉ là tác phẩm văn học đơn thuần, mà còn phản ánh những vấn đề xã hội, văn hóa, và lịch sử sâu sắc. Nếu không có sự chú trọng đến các lĩnh vực này, xã hội sẽ thiếu đi tư duy phản biện và khả năng sáng tạo cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Vì vậy, nhiệm vụ của Chính phủ Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở tôn vinh, giúp đỡ những cá nhân như Han Kang, mà còn hỗ trợ bền vững cho giáo dục nhân văn. Điều này góp phần mở ra cơ hội tái khẳng định giá trị của văn hóa, lịch sử và tư tưởng trong một thế giới đang ngày càng chú trọng vào công nghệ và kỹ thuật.
GS Kim Sung-soo - giảng viên môn Viết tại Yonsei, cho biết: “Trong bối cảnh các trường đại học ngày càng tập trung đào tạo các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, năng lượng, công nghệ pin và kỹ thuật hiển thị, thì sự quan tâm đến khoa học nhân văn đang giảm sút. Sinh viên thường có xu hướng theo đuổi bằng cấp kinh doanh hoặc kinh tế, các ngành học được cho là giúp sinh viên dễ xin việc hơn”.