Hàn Quốc dự kiến giảm số môn thi đại học

GD&TĐ - Ngày 10/10, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố kế hoạch điều chỉnh kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung (hay CSAT).

Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học trong dịch Covid-19.
Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học trong dịch Covid-19.

Sự thay đổi sẽ bắt đầu từ kỳ thi năm 2028 để học sinh, phụ huynh chuẩn bị và định hướng.

Theo đó, số lượng môn thi tại kỳ thi Suneung sẽ giảm xuống thông qua việc tích hợp vào các môn thi chính gồm Tiếng Hàn, Toán học, Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên và Giáo dục Nghề nghiệp.

Việc tích hợp nhằm tránh tình trạng các môn thi có mức độ khó dễ không đồng đều và nâng cao tính công bằng. Bộ sẽ công bố đề thi minh họa sớm nhất vào nửa cuối năm 2024 để học sinh nắm bắt thông tin.

Bộ cũng đề xuất tạo ra môn Toán nâng cao gồm Giải tích 2 và Hình học cho kỳ thi để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho các ngành công nghiệp tiên tiến.

Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho cho biết: “Kế hoạch cải cách thi đại học nhằm ghi nhận và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tương lai trong một xã hội thay đổi nhanh chóng, giúp học sinh định hướng con đường sự nghiệp và phát triển thế mạnh của mình”.

Việc thay đổi kỳ thi đại học nằm trong khuôn khổ cải cách phương pháp dạy học và thi cử nhằm giảm bớt áp lực học tập cho học sinh Hàn Quốc. Trong khuôn khổ cải cách, từ năm 2025, các trường trung học phổ thông cũng tiến hành thay đổi lớn. Cụ thể, các trường sẽ sử dụng thang điểm 5 bậc từ A đến E thay vì 9 bậc như hiện nay.

Phương pháp chấm điểm mới sẽ dựa vào các tiêu chí cụ thể ở từng ngưỡng điểm nhằm giúp học sinh dễ đạt điểm A hơn. Còn với phương thức chấm điểm hiện nay, ở mỗi môn, điểm số sẽ phân loại học sinh vào 9 nhóm và chỉ những học sinh ở nhóm cao nhất mới được nhận vào trường đại học danh tiếng. Tính cạnh tranh rất cao khi chỉ 4% được xếp loại vào nhóm 1, tương đương với điểm A+.

Bộ Giáo dục lưu ý cả hệ thống đánh giá tuyệt đối và tương đối sẽ được ghi vào phiếu báo cáo để đảm bảo tính công bằng, tránh nhầm lẫn cho học sinh và giáo viên trong quá trình chuyển sang thang đánh giá mới.

Giáo viên sẽ đánh giá học sinh qua hình thức tiểu luận, dự án... điều này đánh dấu bước chuyển lớn so với hình thức kiểm tra học thuộc lòng như hiện nay. Phương pháp đánh giá mới nhằm tạo ra môi trường học đa dạng, trau dồi khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Học sinh có thể làm bài tập theo nhóm thay vì cạnh tranh, so sánh với các bạn cùng lớp.

Ngoài ra, để loại bỏ tình trạng “đi đêm” giữa giáo viên công lập và ngành giáo dục tư nhân trong việc mua bán đề thi đại học, Uỷ ban ra đề thi sẽ chỉ bao gồm những người không có bất cứ liên quan nào đến các cơ sở giáo dục tư nhân. Họ được lựa chọn ngẫu nhiên trong một đội ngũ giáo viên đã được kiểm chứng.

Bộ Giáo dục sẽ yêu cầu Cơ quan Thuế Quốc gia cung cấp thông tin thuế của thành viên Uỷ ban ra đề thi để xem họ có nguồn thu nào khác không, ví dụ kiếm tiền từ việc bán đề thi. Các thành viên Uỷ ban cũng bị cấm nhận lợi ích từ lĩnh vực giáo dục tư nhân trong 5 năm.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc dự kiến hoàn thiện nội dung cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học vào cuối năm 2023 sau khi tham vấn thêm với Uỷ ban Giáo dục Quốc gia và các bên liên quan.

Khoảng 50% câu hỏi của đề thi Suneung năm 2028 sẽ nằm trong chương trình giảng dạy trực tuyến trên kênh truyền hình giáo dục EBS để thí sinh có thể tự ôn luyện mà không cần phụ thuộc vào các trung tâm luyện thi tư nhân.

Theo Korea Herald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.