Hàn Quốc loại câu hỏi 'hóc búa' khỏi đề thi đại học

GD&TĐ - Chính phủ Hàn Quốc thông báo các câu hỏi 'hóc búa' nằm ngoài kiến thức trong sách giáo khoa sẽ bị loại khỏi đề thi tuyển sinh đại học từ năm nay.

Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đại học năm 2022.
Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đại học năm 2022.

Động thái trên nằm trong kế hoạch giảm áp lực thi cử cho học sinh phổ thông.

Trong cuộc họp giữa Chính phủ Hàn Quốc và Đảng Quyền lực quốc dân (PPP) vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lee Ju Ho thông báo những câu hỏi “hóc búa” sẽ bị loại bỏ khỏi đề thi đại học từ năm nay. Đây là những câu hỏi sử dụng kiến thức ngoài sách giáo khoa.

Như vậy, tại kỳ thi đánh giá năng lực đại học quốc gia Hàn Quốc (còn gọi là Suneung) vào tháng 11 năm nay, đề thi sẽ chỉ xoay quanh những kiến thức trong chương trình sách giáo khoa phổ thông. Thay đổi này dựa trên yêu cầu của Tổng thống Yoon Suk Yeol nhằm giảm áp lực thi cử và học thêm cho học sinh phổ thông.

Ông Lee Ju Ho phân tích, trước đây những câu hỏi “hóc búa” thường chiếm nhiều điểm nhất trong đề thi nhằm phân loại học sinh Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngày càng nhiều thí sinh đăng ký vào các trung tâm tư nhân để học những kiến thức này và cạnh tranh với bạn đồng trang lứa.

“Việc đưa những câu hỏi không có trong sách giáo khoa vào đề thi gây bất lợi cho học sinh công lập nếu các em không đi học thêm. Vì lẽ đó, trong mùa thi, chỉ những trung tâm luyện thi mới thu về lợi nhuận còn học sinh, phụ huynh và giáo viên ở các trường công lập lại gặp nhiều khó khăn”, ông Ju Ho cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Viện Giáo dục và Đánh giá Hàn Quốc nhận định việc đưa những câu hỏi có mức độ khó quá cao vào đề thi là không công bằng. Nếu chỉ học theo chương trình giáo dục phổ thông, học sinh sẽ không được tiếp xúc với những dạng bài này mà phải đi học thêm nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến trung tâm.

Như vậy, các câu hỏi khó chỉ có lợi cho thí sinh đến từ các gia đình khá giả, có điều kiện luyện thi tư nhân. Điều này cũng khiến học sinh phải học thêm.

Hiện nay, trung bình một học sinh Hàn Quốc đăng ký ít nhất ba lớp học thêm gồm Toán, Tiếng Hàn và Tiếng Anh ngoài giờ học chính khóa. Khi học thêm đã trở thành xu hướng tất yếu, học phí của các trung tâm tư nhân thường bị đẩy lên cao.

Nhiều thí sinh, phụ huynh Hàn Quốc cho rằng đề thi Suneung sẽ dễ hơn nếu không còn câu hỏi “hóc búa”. Số khác bày tỏ lo ngại về phương pháp ôn luyện sẽ phải thay đổi trong khi chỉ còn 5 tháng nữa, kỳ thi sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống nhấn mạnh không hề nhắc đến việc kỳ thi dễ hay khó mà chỉ yêu cầu loại bỏ những phần kiến thức không nằm trong chương trình giáo dục công, trong khi vẫn giữ được khả năng đánh giá năng lực.

Theo thống kê của Hàn Quốc, năm ngoái, các hộ gia đình đã chi hơn 20 tỷ USD cho các trung tâm luyện thi tư nhân ở bậc phổ thông. Con số này tương đương mức chi tiêu hàng tháng cho việc học thêm của con cái là 320 USD.

Theo Bloomberg, Korea Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.