Ép công
Hàn Quốc là đất nước dân số già ở Đông Á. Bắt đầu từ thập niên 1990, họ đã phải lo thu hút lao động ngoại quốc, bù khuyết cho lực lượng nhân công ngày càng thiếu hụt. Theo số liệu thống kê năm 2016, Hàn Quốc đã có 1 triệu lao động nhập cư. Họ phân bổ trong hầu hết các ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực công – nông - ngư vốn cần sức khỏe thể chất.
Hiện tại, Hàn Quốc có khoảng 248.000 lao động nhập cư không cần trình độ học vấn, làm việc trong các công – nông - ngư trường. Họ gánh vác hết những công việc vô cùng cực nhọc mà người Hàn Quốc tránh né, nhưng lại bị bạc đãi nghiêm trọng.
Trong buổi họp báo ngày 18/10 vừa qua, một lao động đến từ Đông Timor (quốc gia ở châu Á) là Lopes M. Anh đại diện cho các nhân công nước ngoài trong lĩnh vực ngư trường, cho biết: “Vào mùa cá cơm, mỗi ngày tôi phải đi biển những 2 lần, làm tất tần tật các công việc từ kéo lưới cho đến phơi cá”. Nơi làm việc của Lopes M là Gaeyado, hòn đảo biệt lập nằm ngoài khơi biển Gunsan (Hàn Quốc). Anh phải luôn chân tay suốt 15 - 20 giờ/ngày, và chỉ có thể rời hòn đảo khi được chủ thuê cho phép.
“Những lúc lênh đênh trên thuyền, thức ăn của tôi chỉ là bánh mỳ hoặc bánh chocopies”, Lopes M tiếp tục. Anh tới Hàn Quốc vào tháng 7/2014, ký hợp đồng lao động 4 năm 10 tháng và đang trong hợp đồng lần thứ 2, với cùng một chủ thuê.
Mặc dù đầu tắt mặt tối đến 20 giờ/ngày, Lopes M chỉ được trả 2 triệu won/tháng (hơn 40 triệu đồng). Theo quy định của Luật Lao động Hàn Quốc, mức lương tối thiểu ở đây xấp xỉ 1,8 triệu won/tháng (tương đương 36,5 triệu đồng), thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày.
Người lao động được phép hưởng thêm thu nhập do tăng ca, làm vào ngày lễ, ngày nghỉ. Lopes M không được nghỉ bất cứ ngày nào trong suốt cả năm, nhưng tiền lương của anh chỉ nhỉnh hơn lương cơ bản có 200.000 won (tương đương 4 triệu đồng).
Theo báo cáo từ Công đoàn Lao động Nhập cư (Migrants Trade Union - MTU), có đến 90% lao động chân tay đến từ nước ngoài như Lopes M bị ép công và trả lương thấp. Họ phải làm việc quần quật chí ít 12 giờ/ngày. Nếu lấy mức lương tối thiểu của Hàn Quốc làm chuẩn, họ phải được trả trung bình 3,09 triệu won/tháng (gần 63 triệu đồng).
Vào tháng 7/2020, Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc (National Human Rights Commission of Korea) đã thực địa điều kiện làm việc của 63 ngư dân lao động nhập cư trên các hòn đảo ở phía Tây. Họ xác nhận, các lao động này phải làm việc tối thiểu 12 giờ/ngày, chỉ được giải lao dưới 1 giờ và không có ngày nghỉ.
Đối xử kỳ thị
Tại Hàn Quốc, hầu hết các lao động chân tay đều ký hợp đồng lao động thông qua Hệ thống Cấp phép Việc làm (Employment Permit System - EPS). Đây là chương trình thu hút lao động từ nước ngoài được chính phủ Hàn Quốc ký với các nước đang phát triển ở châu Á. EPS quy định, mỗi lao động nhập cư chỉ được làm việc ở Hàn Quốc trong vòng 3 năm, gia hạn 1 năm 10 tháng, tổng cộng là 4 năm 10 tháng.
Luật Định cư Hàn Quốc quy định, người nước ngoài ở Hàn Quốc liên tục 5 năm trở lên được phép đăng ký quốc tịch, trở thành công dân Nam Hàn. Sau khi trở thành người mang quốc tịch Hàn Quốc, họ có nghĩa vụ đóng thuế và được hưởng các ưu đãi, trợ cấp xã hội như mọi công dân Nam Hàn khác.
Thời hạn lao động 4 năm 10 tháng của EPS vốn là một kiểu ngăn chặn các lao động nhập cư định cư. Hết thời gian hợp đồng, họ buộc phải rời Hàn Quốc. Ngoài ra, nó “reset” lại mọi thứ, đẩy người ký EPS lần 2, 3... về vị trí ban đầu. Điều này vô cùng có lợi cho các chủ thuê Hàn Quốc, vì họ không phải tăng lương.
Theo quy định của EPS, nếu lao động nhập cư bỏ việc vì bất cứ lý do gì, họ bị tước quyền tạm trú và truy cứu tội cư trú bất hợp pháp. Vì thế mà dù bị lạm dụng, các lao động đến từ nước ngoài cũng không dám nghỉ ngang. Trong xã hội Hàn Quốc vẫn tồn tại sự kỳ thị chủng tộc, giàu nghèo và có thái độ bài ngoại. Lao động nhập cư bị xem như “công dân hạng 2”, bạc đãi và coi thường.
Vận động xóa bỏ EPS
Ở buổi họp báo của MTU, còn một đại diện cho người lao động nhập cư nữa là Shiva Tharu (40 tuổi), đến từ Nepal. Năm ngoái, anh cũng xin phép chủ thuê cho nghỉ làm ở nhà máy sản xuất quần áo, chuyển sang công việc khác. “Ông chủ của tôi nói rằng, nếu tôi chịu ‘lót tay’ cho ông ta một khoản kha khá thì sẽ đồng ý”, Tharu kể. Vì hết cách, anh đành chấp nhận dúi cho ông ta 500.000 won (tương đương 10 triệu đồng) và được giải thoát. Hiện tại, Tharu làm việc trong một nhà máy kim loại.
“Bất kỳ người lao động nào cũng có quyền tự do lựa chọn và thay đổi công việc”, Udaya Rai - lãnh đạo MTU lên tiếng. “Thế nhưng với các lao động nhập cư, Hàn Quốc lại tước mất quyền cơ bản này”.
Luật sư Jeong Jina (Hàn Quốc) cũng thừa nhận, EPS vi phạm các quyền của người lao động. Woo Sam Yeol - Giám đốc Trung tâm Lao động Di cư Asan (Asan Migrant Workers Center) còn chỉ trích, Hàn Quốc đối xử vô nhân đạo với các lao động nhập cư. “Chúng ta không thể phủ nhận, các lao động đến từ nước ngoài bị ràng buộc với chủ thuê, bằng những điều kiện bất công chẳng khác gì thời kỳ nô lệ”.
“Dù là lao động trong nước hay người nước ngoài thì giữa thế giới hiện đại này, không ai lại nên bị biến thành nạn nhân của cưỡng bức lao động. Mọi người đều xứng đáng được trả công tương xứng với sức lực mà mình đã bỏ ra”, Yeol nói thêm.
Thực tế thì từ tháng 3/2020, MTU đã đệ đơn tố cáo lên tòa hiến pháp Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính phủ và Bộ Lao động Hàn Quốc trì trệ xử lý, nên họ mới phải tự mở cuộc họp báo. MTU cũng lập bản kiến nghị bãi bỏ EPS, thu thập chữ ký đồng tình. Sau buổi họp báo, họ tổ chức một cuộc biểu tình yêu cầu xóa sổ EPS ngay tại Quảng trường Gwanghwamun, trung tâm Seoul. Nếu chính phủ Hàn Quốc vẫn không giải quyết vấn đề, họ dự định mở cuộc biểu tình tiếp theo vào ngày Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11/2020.