(GD&TĐ) - Nga, Trung Quốc và Uzbekistan có thể sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ do có tên trong nhóm các nước hoạt động kém hiệu quả trong việc chống nạn buôn người những năm gần đây.
1 triệu lao động nước ngoài ở Nga sống trong tình trạng tồi tệ
Lần đầu tiên kể từ năm 2002, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Nga vào danh sách các nước ở nhóm thứ 3 (nhóm thấp nhất) trong Báo cáo về nạn buôn người. Theo báo cáo này, chính phủ Nga đã không thực hiện những nỗ lực đáng ghi nhận theo những tiêu chuẩn tối thiểu trong việc hạn chế tình trạng buôn người; đồng thời cũng không thể hiện những hiệu quả trong quá trình bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người.
Theo báo cáo này, khoảng 1 triệu người ở Nga sống và làm việc trong tình trạng tồi tệ, ví dụ như những công nhân Triều Tiên làm việc trong ngành khai thác gỗ ở vùng Viễn Đông luôn trong tình trạng bị cưỡng ép lao động; công nhân làm việc tại các dự án liên quan đến Thế vận hội Mùa Đông ở Sochi thường xuyên bị chậm lương, không được ký hợp đồng, bị giữ hộ chiếu và giấy phép làm việc... Trong những trường hợp khác, nhiều nhân công nước ngoài đã chết trong khi bị giam giữ tại các nhà máy hay khu trọ do các ông chủ cung cấp.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Nga đã không đưa ra phản hồi tích cực về các tiến trình đặc biệt cho các trường hợp đã được cảnh báo từ các báo cáo về nạn buôn người những năm trước; thậm chí có những nguồn tin cho rằng cảnh sát Nga tạo điều kiện cho nạn buôn người bằng cách trả nạn nhận về với người khai thác họ; các ông chủ cũng sẵn sàng hối lộ nhà chức trách Nga để tránh bị phạt.
Bất luận những cảnh báo của giới truyền thông về tình trạng sống và làm việc tệ hại như dưới thời nô lệ của những người Triều Tiên làm việc tại các cơ sở cao su, dường như chính phủ Nga cũng không thực hiện bất kỳ điều tra nào về tình trạng này và chậm chạp trong việc xử lý vụ việc có liên quan đến 170 nạn nhân là lao động Việt Nam bị giữ trái phép trong một xưởng may.
Người lao động nước ngoài bị giữ tại Cục quản lý Nhập cư Liên bang Nga sau một cuộc truy quét lao động bất hợp pháp |
Những ý kiến trái chiều từ nước Nga
Ủy viên nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Nga Konstantin Dolgov tuyên bố bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga cũng sẽ “mâu thuẫn với việc phát triển tích cực hơn nữa mối quan hệ Nga – Mỹ” và sẽ dẫn đến “một phản hồi thích đáng” từ phía Nga. Ông Dolgov chỉ trích hệ thống phương pháp của bản báo cáo là “không thể chấp nhận”, trong đó “các quốc gia được phân hạng dựa trên thiện cảm hoặc ác cảm của Bộ Ngoại giao Mỹ”.
Trong khi đó, bà Svetlana Gannushikina, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ cung cấp các hỗ trợ cho lao động nhập cư và người tị nạn, tin rằng những chỉ trích của Bộ Ngoại giao Mỹ là đúng, tuy nhiên, có thể những biện pháp trừng phạt (nếu có) sẽ không giúp ích nhiều cho việc cải thiện tình trạng này. “Tổ chức của chúng tôi nhìn nhận tình trạng lao động nhập cư là một vấn đề lớn rất nan giải”, bà Gannushkina phát biểu tại trang web Gazeta.ru.
“Thanh tra lao động rất ngại ngần trong việc đưa ra những biện pháp bảo vệ những người (lao động bất hợp pháp), còn nhiều nhà chức trách khi đến làm việc tại các công trường xây dựng hay nhà máy thì đều hành xử như nhau: Nhận tiền hối lộ của người sử dụng lao động rồi nhắm mắt làm ngơ. Một số trường hợp khác, các nhà chức trách lại trừng phạt các lao động nhập cư do họ làm việc không có giấy phép – thứ giấy tờ mà đằng nào họ cũng không thể được cấp, trong khi họ chỉ là nạn nhân của hệ thống buôn người”, bà cho biết.
Cần một quan điểm mới về lao động nhập cư
Số lượng lao động nước ngoài làm việc ở Nga hiện nay dù nhiều nhưng thua xa so với đỉnh điểm những năm giữa thập kỷ 1990. Năm 1999, lượng lao động nước ngoài giảm trầm trọng, ảnh hưởng đến hàng loạt ngành công nghiệp. Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, từ năm 2002, Nga bắt đầu tạo điều kiện thu hút dân nhập cư nói tiếng Nga, tuy nhiên không mấy thành công. Nước Nga mất cơ hội thừa kế “di sản” của Liên Xô cũ – đó là nguồn nhân lực được đào tạo từ các nước Xã hội chủ nghĩa gần gũi với văn hóa Nga. Thay vào đó, dòng chảy lao động từ Ukraine, Moldova, Trancaucasia hướng về châu Âu. Hiện tượng này xảy ra do Nga thiếu một hệ thống nhập tịch cho người lao động nước ngoài, đồng thời cũng không phải là điểm đến lý tưởng cho dân nhập cư.
Sau hàng loạt vụ việc có liên quan đến lao động nhập cư ở Nga, nhiều người cho rằng có lẽ đây là thời điểm mà nước Nga nên có quan điểm mới về lao động nhập cư. Nhiều người Nga đang cố tìm cách làm thế nào để xây dựng một nền kinh tế mà không cần đến lao động nhập cư, nhưng đây rõ ràng là một quan điểm sai lầm. Việc chấm dứt tình trạng nhập cư chẳng khác nào đẩy Moscow ra khỏi vị thế một thành phố tầm cỡ thế giới, đồng thời gây ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp đang thiếu nhân công có kinh nghiệm.
Nói cách khác, để nước Nga là một quốc gia hàng đầu và Moscow là thành phố tầm cỡ thế giới, thì Nga phải là điểm đến hấp dẫn người dân di cư, bởi tỷ lệ 10 - 15% người nước ngoài sinh sống là tiêu chuẩn quốc tế của một thành phố thủ đô. Một thành phố tầm cỡ quốc tế thường cũng là thành phố đa văn hóa. Nếu người Nga không muốn dân nhập cư tụ tập và nhảy múa ở quảng trường công cộng, thì cũng nên xây dựng những trung tâm cộng đồng để họ có thể sinh hoạt. Ứng xử khác đi với di dân là nền tảng cho việc giải quyết vấn đề lao động nhập cư ở Nga.
Theo ông Anatoly Yakunin, Trưởng văn phòng chính của Bộ Nội vụ Nga ở Moscow, khoảng một nửa số tội phạm như giết người, cướp của, tấn công… ở Moscow do người đến từ thành phố khác, 20% trong số đó là do dân nhập cư trái phép gây ra. |
Nguyên Sa