Sân bay quốc tế Tribhuvan nằm ở thủ đô Kathmandu (Nepal). Đây là cửa khẩu chính đưa công nhân đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu tại Trung Đông. Nơi đây cũng đón những người trở về, trong đó không ít người thiệt mạng trong quá trình lao động ở nước ngoài, CNN đưa tin.
Hầu như ngày nào cũng có 3 hoặc 4 thi thể công nhân Nepal được đưa về nhà từ Trung Đông. Trong số đó, ít nhất một người tử nạn ở Qatar.
Những công nhân rẻ mạt
Ông Suryanath Mishra, người từng đảm trách cương vị Đại sứ Nepal ở Qatar từ năm 2007 tới năm 2012, cho biết: “Lao động nhập cư Nepal có thu nhập bình quân thấp nhất trong số công nhân nước ngoài làm việc ở Qatar. Tuy nhiên, họ chiếm số lượng đông đảo bậc nhất”.
Theo ông Mishra, trình độ thấp là nguyên nhân chính khiến công nhân Nepal bị trả giá rẻ. Tuy nhiên, công việc họ phải đảm nhận lại rất nguy hiểm.
Khi trả lời câu hỏi của CNN, ông Mishra cùng em một công nhân thiệt mạng đang chờ đón thi thể anh trai được đưa về từ Qatar. Công nhân xấu số tên là Kishun Das, 38 tuổi, lao động chính trong gia đình có 5 con.
Bishun, em trai nạn nhân, cho biết, Kishun rời Nepal tới Qatar làm việc 8 tháng trước. Giống anh trai, Bishun cũng chọn cách mưu sinh nơi xứ người nhưng anh đang nghỉ phép tại Nepal.
“Chúng tôi không có tiền để đưa những thành viên khác trong gia đình tới đón thi thể anh ấy nên mình tôi ở đây. Anh ấy mất mà không được nhận một đồng tiền bồi thường” - Bishun nói.
Hiện tại, 350.000 lao động người Nepal làm việc ở Qatar. CNN đã gọi cho Bộ Lao động Qatar để tìm số liệu chính xác về số trường hợp lao động Nepal tử nạn nhưng họ từ chối trả lời. Họ cũng không nêu chi tiết các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho công nhân nước ngoài.
Số lao động nhập cư tăng vọt nhờ World Cup
Người thân khóc nức nở sau khi nhận quan tài từ Qatar. Ảnh: CNN |
Qatar giành quyền đăng cai tổ chức FIFA World Cup vào năm 2022, khiến nhu cầu xây dựng tăng đột biến. Khi chiếc máy bay của Qatar Airways đáp xuống sân bay, hàng trăm hành khách, chủ yếu là lao động nhập cư, vội vã rời phi trường. Quan tài của Kishun được một nhân viên vận chuyển vào nơi tập kết để trả về gia đình.
Xe chuyên dụng đưa hòm gỗ màu đỏ đi qua, trong sự hờ hững của mọi người. Khung cảnh này đã trở nên quá đỗi quen thuộc, khiến người ta không còn chú ý.
Giống những người xấu số khác, quan tài của Kishun sẽ được một chiếc xe do chính phủ Nepal tài trợ đưa về quê nhà, nơi cả gia đình đang ngóng đợi.
Tuyến đường dẫn về làng của Kishun cấm xe chạy sau 20 giờ. Nepal có 8 chiếc xe chuyên chở thi thể công nhân nhập cư tử nạn nên họ rất bận rộn. “Họ gọi chúng tôi là những người lái xe tang”, một tài xế đùa khi nói về nghề của mình.
Đám tang chỉ gồm phụ nữ
Người thân vây khóc xung quanh quan tài Kishun khi anh được đưa về gia đình. Nỗi đau mất người thân cùng lo toan mưu sinh khi mất đi trụ cột gia đình khiến những tiếng khóc càng trở nên ai oán.
Phần lớn người dự đám tang là phụ nữ vì đàn ông trong làng đều đã tới Trung Đông làm việc. Sau nhiều giờ than khóc, người ta bắt đầu chuẩn bị hỏa táng Kishun.
Theo cựu Đại sứ Mishra, 55% lao động di cư Nepal chết do “đột tử”. 20% tử vong vì tai nạn lao động, 15% thiệt mạng vì tai nạn giao thông và 10% tự tử.
Theo số liệu chính thức từ chính phủ Nepal, 290 công nhân di cư đã chết ở quốc gia vùng Vịnh này trong 420 ngày qua. Trung bình, cứ 3 ngày lại có 2 công nhân người Nepal chết ở Qatar.