Hàn Quốc báo động thừa nhân tài trường y

GD&TĐ - Trong thời gian gần đây, trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội Hàn Quốc, các trường đại học y khoa được ví như 'hố đen tài năng'.

Sinh viên trường y Hàn Quốc thực hành khám chữa bệnh.
Sinh viên trường y Hàn Quốc thực hành khám chữa bệnh.

Nghề y từ lâu đã là lựa chọn hàng đầu của học sinh phổ thông Hàn Quốc nhưng giờ đây, bằng cấp y khoa đang có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đào tạo các lĩnh vực nghiên cứu khác. Thay vì nhập học những trường hàng đầu cả nước, nhiều người trẻ chọn thi lại đại học để đăng ký vào trường y.

“Hố đen tài năng”

Nhiều sinh viên thi lại đại học để nộp đơn vào trường y.

Nhiều sinh viên thi lại đại học để nộp đơn vào trường y.

Cuộc khảo sát Nhận thức về Việc làm của sinh viên đại học năm 2022 do Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc công bố ngày 2/3, chỉ ra trong top 15 lĩnh vực phổ biến tại Hàn Quốc, lĩnh vực y tế được nhiều sinh viên yêu thích nhất.

Trong thời gian gần đây, trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội Hàn Quốc, các trường đại học y khoa được ví như “hố đen tài năng”. Sở dĩ lại có tên gọi này là vì nhiều sinh viên từ chối nhập học các trường tốp đầu, thậm chí nghỉ học và thi lại đại học để đăng ký vào trường y.

Theo báo cáo của trung tâm luyện thi tư nhân Jongro Academy, tại top 3 trường đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc gồm Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei (viết tắt là SKY), khoảng 1.874 sinh viên đã bỏ học vào năm 2022.

Chiếm 3/4 số sinh viên này, tương đương 1.421 em, bỏ học các chuyên ngành STEM gồm Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics).

Còn năm 2023, 25,7% học sinh phổ thông được mời nhập học một trong ba trường SKY đã từ chối nhập học. Đây là những thí sinh đạt thành tích cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Suneung nổi tiếng cạnh tranh khốc liệt. Điều này đồng nghĩa số lượng chỉ tiêu vào các trường SKY được mở rộng, tỷ lệ cạnh tranh giảm.

Một số trường đại học danh tiếng thấp hơn, nhưng vẫn nằm trong top 10 trường tốt nhất Hàn Quốc, buộc phải tổ chức 4 - 5 vòng tuyển sinh để tuyển đủ chỉ tiêu cho một số chương trình như bán dẫn, kỹ thuật...

Ông Lim Sung-ho, Giám đốc điều hành Jongro Academy, cho biết, những sinh viên bỏ học STEM đã chọn thi lại đại học để đăng ký vào trường y. Các dữ liệu khác cũng chỉ ra xu hướng này.

Một báo cáo khác chỉ ra, tại một số trường đại học danh tiếng, sinh viên được mời nhập học chuyên ngành STEM đã từ chối đăng ký. Các chương trình có thể kể đến như Hệ thống bán dẫn, Khoa học máy tính tại Đại học Yonsei.

Trong khi đó, không thí sinh nào từ bỏ nguyện vọng vào trường y thuộc Đại học Quốc gia Seoul. Số lượng sinh viên bỏ học các trường y hoặc từ chối lời mời nhập học vào trường y đang giảm.

Ông Lee Pil-Soo, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, cho rằng lý do khiến sinh viên mải miết theo đuổi ngành y là do “sự đối xử chưa công bằng đối với các nhà khoa học”. Do đó, chính phủ cần xây dựng chính sách hỗ trợ có hệ thống cho các nhà khoa học.

Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi phải thay đổi tư duy đặt nghề y lên hàng đầu. Bác sĩ y khoa là một trong những nghề được tôn trọng nhất và có thu nhập cao nhất ở Hàn Quốc. Ông Hong Yoo-suk, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật thuộc Đại học Quốc gia Seoul, đánh giá, mức thu nhập cao và việc làm được đảm bảo là những nguyên nhân chính khiến sinh viên chuộng ngành y hơn các lĩnh vực khác.

“Nếu chính phủ muốn thu hút những tài năng tốt nhất cho lĩnh vực kỹ thuật, họ cần trao mức lương và điều kiện việc làm ngang ngửa bác sĩ. Nguy cơ thất bại trong công việc cũng phải thấp hơn”, ông Hong Yoo-suk cho hay.

Theo báo cáo của Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc trực thuộc Bộ Việc làm vào tháng 4/2022, bác sĩ và nhân viên y tế nằm trong top 10 nghề được trả lương cao nhất Hàn Quốc, trong đó bác sĩ có thu nhập trung bình cao nhất nhì.

Một khảo sát khác của Viện Y tế và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc tiết lộ thu nhập trung bình hàng năm của một bác sĩ là 230,7 triệu Won. Được biết, thu nhập hàng năm là hơn 100 triệu Won được coi là mức cao ở Hàn Quốc.

Thu hút sinh viên đến với ngành y không chỉ nằm ở mức lương. Bên cạnh đó còn là vấn đề hài lòng, địa vị xã hội... Báo cáo của Mạng lưới Nghề nghiệp và Người lao động Hàn Quốc lưu ý khi định hướng nghề nghiệp cho con cái, phụ huynh Hàn Quốc có xu hướng chọn ngành y.

Ngay cả những người đang làm việc trong lĩnh vực này cũng hài lòng với vị trí việc làm và muốn giới thiệu nó cho những người khác. Năm 2021, 53,7% nhân viên y tế cho biết họ sẽ giới thiệu công việc của họ cho mọi người xung quanh. Con số này tăng lên 61,4% vào năm 2022, cho thấy mức độ phổ biến ngày càng tăng của các công việc y tế.

Biện pháp đối phó

Bác sĩ là nghề nghiệp được kính trọng tại Hàn Quốc.

Bác sĩ là nghề nghiệp được kính trọng tại Hàn Quốc.

Trước tình trạng trên, các chính trị gia Hàn Quốc kêu gọi các biện pháp khắc phục “cơn sốt trường y” và thu hút nhiều học sinh giỏi theo đuổi lĩnh vực STEM. Nhà lập pháp đảng Dân chủ Kang Deuk-gu kêu gọi “các biện pháp đối phó đặc biệt để giải quyết tình trạng nhân tài Hàn Quốc chỉ tìm cách thi vào trường y”.

Theo một phân tích dựa trên 5.144 sinh viên đăng ký vào trường y do văn phòng của ông Kang công bố ngày 24/3, 77,5% sinh viên trúng tuyển trường y từ năm 2020 đến 2023 đã tham gia kỳ thi tuyển sinh nhiều lần.

Khoảng 21,8% đã thi ba lần và 13,4% thi lại hơn 4 lần. Ông Kang nhận định số lượng thí sinh thi lại phản ánh “nỗi ám ảnh lan rộng” đối với ngành y trong giới sinh viên ưu tú của đất nước.

Từ thực trạng trên, chuyên gia này đề xuất cần có những thay đổi đối với các trường trung học khoa học và trường phổ thông năng khiếu do chính phủ tài trợ. Những trường này được thành lập nhằm khuyến khích học sinh ưu tú theo đuổi các chương trình khoa học và công nghệ sau khi tốt nghiệp, không phải chương trình y khoa. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ các trường trung học khoa học và trường năng khiếu chọn theo ngành y ngày càng tăng.

Tại Hàn Quốc, khoảng 7.000 học sinh đang theo học tại 8 trường trung học phổ thông năng khiếu và 20 trường trung học khoa học. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, 9,5% học sinh tốt nghiệp trường trung học năng khiếu và 2,1% học sinh tốt nghiệp trường trung học khoa học đăng ký vào trường y năm nay.

Dẫn những con số trên, ông Kang cho rằng, sinh viên tốt nghiệp từ các trường này không nên được các trường y chấp nhận. Đây cũng là một trong những biện pháp mà Bộ Giáo dục Hàn Quốc đang quyết liệt triển khai.

Ngày 19/3, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố “Kế hoạch giáo dục năng khiếu lần thứ năm (2023 - 2027)”, trong đó có các biện pháp mạnh tay nếu học sinh các trường chuyên đăng ký vào trường y.

Đơn cử, nhà trường sẽ thu hồi học bổng nếu học sinh nộp đơn vào trường y. Kế hoạch còn quy định nếu trường phổ thông biết học sinh muốn nộp đơn vào trường y, thầy cô nên đề nghị các em chuyển sang các trường khác.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chính phủ không thể ngăn học sinh bằng những biện pháp này. Thay vào đó, cần cung cấp các ưu đãi đặc biệt để thu hút sinh viên theo đuổi bằng cấp khoa học và công nghệ vì đây là những lĩnh vực mà Hàn Quốc đang thiếu hụt nhân tài.

Đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn

Hàn Quốc tăng cường đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Hàn Quốc tăng cường đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong bối cảnh Hàn Quốc tìm cách duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu trong các ngành công nghệ, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn, việc đào tạo nhân tài được chú trọng.

Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Hàn Quốc, khi ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, số lượng công nhân công nghiệp dự kiến tăng từ 177 nghìn vào năm 2022 lên 304.000 vào năm 2034. Tuy nhiên, nước này sẽ thiếu hụt khoảng 137 nghìn công nhân.

Sản xuất chất bán dẫn, thành phần quan trọng trong vi mạch, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vào năm 2021. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và tăng cường nhân tài cho ngành là một trong những cam kết của Tổng thống Yoon Suk-yeol khi nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái.

Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt kế hoạch tăng số lượng sinh viên trong lĩnh vực bán dẫn lên khoảng 1.300 chỉ tiêu mỗi năm. Điều này nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục dự kiến nới lỏng quy định về trình độ của giáo sư trợ giảng và giáo sư thỉnh giảng trong các chương trình đào tạo về chất bán dẫn trong trường đại học.

Điều này nhằm thu hút nhân tài trong ngành đến làm việc, trao đổi và truyền cảm hứng cho sinh viên theo đuổi lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, sinh viên có cơ hội nâng cao trải nghiệm thực tế, hiểu biết kỹ càng hơn về lĩnh vực việc làm trong tương lai.

Dù vậy, kế hoạch trên vấp phải phản đối của các trường đại học địa phương vì việc nâng hạn ngạch đang được ưu tiên cho các trường đại học tại thủ đô Seoul. Các trường đại học ngoài Seoul cảnh báo điều này sẽ nới rộng khoảng cách giáo dục giữa các trường đại học địa phương và các trường ở đô thị lớn. Vốn dĩ, việc tuyển sinh ở các trường địa phương đã rất khó khăn do tình trạng dân số giảm và người trẻ chọn đến các thành phố lớn.

Tuy nhiên, việc thu hút sinh viên vào các ngành học liên quan đến chất bán dẫn không chỉ nằm ở nâng chỉ tiêu tuyển sinh và giảm tỷ lệ cạnh tranh. Các trường đại học Hàn Quốc lập kế hoạch thu hút có thể không thành công vì thiếu phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.

Hơn nữa, việc nâng chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa phải mở rộng cơ sở hạ tầng, cải tiến trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy học. Khả năng của các trường đại học hiện nay có thể không theo kịp với tốc độ mở rộng này.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ