“Hàn gắn” cộng đồng

GD&TĐ - Theo các học giả trên thế giới, phục hưng văn hóa là một chiến thuật nhằm củng cố bản sắc dân tộc.

Ukraine có những chính sách mạnh mẽ giúp chấn hưng văn hóa.
Ukraine có những chính sách mạnh mẽ giúp chấn hưng văn hóa.

Nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách nhằm phục hưng văn hóa, phổ biến nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, góp phần phát triển ý thức về bản sắc dân tộc.

Mang lại sự phục hồi

Những cuộc phục hưng văn hóa mạnh mẽ nhất được cho là đến từ các nhóm dân cư thuộc “Thế giới thứ tư”. Những nhóm này bao gồm người da đỏ Bắc Mỹ, người Maori New Zealand, thổ dân Australia, người Sami Na Uy và nhiều khu vực khác. Ngày nay, quá trình chấn hưng được cho là gián tiếp giải quyết các điều kiện kinh tế - xã hội thiếu thốn của đất nước, bằng cách xác thực bản sắc văn hóa.

Một ví dụ về sự phục hưng văn hóa thành công là trường hợp của người Maori ở New Zealand. “Thời kỳ phục hưng của người Maori” bắt đầu từ những năm 1970, xoay quanh cuộc đấu tranh giành quyền sử dụng đất. Các mục tiêu ban đầu của quá trình chấn hưng này là thúc đẩy việc học tiếng Maori (được nói bởi chưa tới 1% dân số trong những năm 1970).

Đồng thời, phục hồi kiến thức về Maoritanga (văn hóa, phong tục và bản sắc của người Maori), đặc biệt là trong cộng đồng giới trẻ. Trong cả hai vấn đề này, quá trình phục hưng của người Maori đã đạt hiệu quả, thúc đẩy việc sử dụng ngôn ngữ Maori.

Trong khi đó, tại Ukraine, 6 năm  kể từ cuộc cách mạng Euromaidan, quốc gia này đã chứng kiến một sự đổi mới của hoạt động văn hóa. Nhà nước Ukraine đã có cách tiếp cận nhất quán và toàn diện đối với chính sách văn hóa.

Quốc gia này phục hưng nền văn hóa cùng các lĩnh vực sáng tạo nhằm thúc đẩy đoàn kết dân tộc. Ukraine cũng cải cách và đưa ra các chính  sách bao gồm việc thành lập những  cơ quan nhà nước như Quỹ Văn hóa Ukraine, Viện Ukraine và Viện Sách Ukraine.

Đồng thời, tái cấu trúc các tổ chức đã có từ trước như Cơ quan Điện ảnh Nhà nước Ukraine. Đặc biệt, bốn cơ quan này đã trở thành chìa khóa chấn hưng văn hóa đất nước.

Cùng với những thay đổi về cấu trúc, Ukraine cũng tập trung vào các giá trị đa nguyên văn hóa. Các nhà chức trách nước này đã thể hiện ý chí chính trị để cải cách và đổi mới. Điều này đã đặt nền móng cho sự tiến bộ trong việc hình thành các chiến lược phát triển văn hóa.

Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Ukraine đang phát triển và đổi mới, với mức doanh thu đáng kể và đóng góp vào nền kinh tế thông qua việc mở rộng các lĩnh vực. Do đó, việc phổ biến nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa - vốn từng được coi là điều xa xỉ - đang dần trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, việc tạo ra một hệ sinh thái văn hóa mới đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà nước và các chủ thể văn hóa độc lập. Các chính sách cũng như hoạt động chấn hưng văn hóa đã góp phần vào việc phát triển ý thức về bản sắc dân tộc, dựa trên những giá trị về sự tin cậy, lòng khoan dung, sự tiếp cận cởi mở.

Giúp văn hóa “đứng vững”

Hoạt động văn hóa ở Ukraine đã giúp giảm hậu quả cuộc xung đột diễn ra ở Donbas - phía Đông đất nước. Trong nhiều trường hợp, các sáng kiến văn hóa đã mang lại động lực, nhằm giúp các cộng đồng địa phương trên khắp Ukraine có tiếng nói, định hình chương trình tái tạo khu vực công nghiệp hóa (đặc biệt là ở Donbas) và xây dựng quan hệ đối tác với chính phủ cũng như doanh nghiệp. Ở Donbas - khu vực bị chiến tranh tàn phá, hoạt động văn hóa đã giúp mọi người vượt qua nỗi đau liên quan đến xung đột. Đồng thời, củng cố khả năng phục hồi của cộng đồng.

Tại Đức, chính phủ nước này tuyên bố sẽ chi gói 2,5 tỷ euro (2,15 tỷ bảng Anh) nhằm giúp ngành văn hóa đứng vững trở lại. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã gọi đây là “chương trình trợ cấp văn hóa lớn nhất” kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Quỹ văn hóa này nhằm bảo đảm rằng, các nhà tổ chức sự kiện sẽ được bồi thường nếu những buổi biểu diễn và hòa nhạc không thể diễn ra như kế hoạch. Đồng thời, quỹ cũng bù cho khoản lỗ bán vé do giảm chỗ ngồi vì quy định giãn cách.

Các biện pháp của Đức được đưa ra khi quốc gia này dần cởi mở hơn sau nhiều tháng áp đặt hạn chế mạnh mẽ để phòng dịch. Chính sách thuộc chương trình “kultur” (văn hóa khởi đầu mới) trị giá hàng triệu euro được công bố vào năm ngoái.

“Cuộc sống đang bắt đầu trở lại sau một mùa đông Coronavirus kéo dài. Bộ trưởng Văn hóa Monika Grutters cho biết, quỹ đã gửi một tín hiệu đến ngành văn hóa rằng: Việc chấn hưng xứng đáng cần nỗ lực tương đương các ngành khác”, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz chia sẻ.

Cũng theo nhà lãnh đạo này, trong cuộc khủng hoảng, nhiều người cảm thấy họ có trải nghiệm chung là bỏ lỡ văn hóa. Trong khi đó, nền văn hóa như một người xây dựng cầu nối, một tấm gương phản chiếu bản sắc của đất nước, một lời mời để nghi ngờ, suy ngẫm và thảo luận.

Trong khi đó, ông Olaf Zimmermann, thuộc Hội đồng Văn hóa Đức - tổ chức bảo trợ cho các cơ quan văn hóa, đã giúp vận động cho quỹ. Ông Zimmermann bày tỏ sự hoan nghênh trước quyết định này của chính phủ.

“Sau nhiều tháng cân nhắc và chờ đợi, cuối cùng đã có một quyết định được đưa ra. Khán giả và toàn bộ ngành văn hóa đều nhất trí rằng, cánh cửa văn hóa phải mở trở lại càng sớm càng tốt”, ông Zimmermann chia sẻ.

Do dịch bệnh, không ít người bày tỏ sự thất vọng trong lĩnh vực văn hóa khi các rạp chiếu phim và rạp hát không thể mở cửa.

Trong bối cảnh này, các nghị sĩ ở Anh cũng kêu gọi chính phủ đưa ra một quỹ tương tự, nhằm hỗ trợ cho các lễ hội và những sự kiện liên quan. Các nghị sĩ kêu gọi chính phủ Anh hành động ngay lập tức để cứu các lễ hội âm nhạc khỏi một “mùa mất mát” khác từ Covid-19. Đồng thời, cảnh báo rằng, việc không chú ý đến việc chấn hưng văn hóa có thể gây nguy cơ nghiêm trọng cho tương lai của lĩnh vực này.

Theo The Guardian; Science.jrank; Chathamhouse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ