Căn hầm nằm dưới tủ đồ
Trải qua 72 năm, những nhân chứng lịch sử của Hội đã không còn ai, thông tin căn hầm B nơi in hàng nghìn ấn bản phục vụ cách mạng chỉ còn trên những hình ảnh tư liệu lịch sử.
Ông Nguyễn Hồng Lộc, nhân viên quản lý di tích lịch sử - hiện trông coi căn hầm này - cho biết: Thành viên của Hội sống lâu nhất, ông Lê Văn Quang (bí danh Ba Quang) cũng đã mất từ 2 năm trước.
Theo những tư liệu lịch sử được ông Ba Quang để lại, giữa năm 1951, Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn xây dựng hầm bí mật A tại Bình Hòa (nay là quận Bình Thạnh), nhưng giao liên từ đây vào nội thành gặp khó khăn do phải qua nhiều trạm gác. Do đó, ông Tô Minh Liêm, Tổng Thư ký Hội đã chỉ đạo xây thêm hầm B ở nội thành. Sau khi khảo sát kỹ càng, địa điểm được chọn nằm trong khu vực lao động, có tên xóm Vườn Lài.
Tháng 2/1952, việc xây hầm bắt đầu được thực hiện tại nhà 122/351 Minh Mạng (nay là 122/8-10 Ngô Gia Tự) và hoàn tất ngày 19/5 năm đó.
Trên hình ảnh phục dựng và những thông tin tư liệu, hầm được xây bên trong một căn nhà gỗ, vách ván, lợp lá, diện tích 62m2, bao quanh bởi lớp rào tre. Ngôi nhà được thiết kế ngăn đôi, một bên để ở và đào hầm, một bên là trạm mộc sản xuất đàn để ngụy trang. Ngoài căn nhà chính sử dụng làm tiệm đàn còn có một nhà chòi nhỏ nằm sát lề đường làm trạm gác.
Căn hầm nằm sâu trong nhà được ngụy trang dưới tủ đồ gỗ. Khi mở cánh tủ và đẩy miếng chắn đáy tủ (nắp hầm) sang bên, một cầu thang hiện ra, dẫn xuống căn hầm dưới lòng đất.
Giữa khu di tích là một ngôi nhà làm bằng gỗ, vách ván, diện tích 62m2. |
Theo tư liệu, trong quá trình đào hầm, các thành viên của Hội đã phải hoạt động cẩn trọng. Mỗi ngày, các thành viên trong tổ công tác của Hội vào vai thợ làm đàn, cưa, đục gỗ như thường.
Còn tổ bí mật gồm 3 hội viên, ban ngày rút về nhà để nghỉ, chờ tới 22h bắt đầu đào đất chuyển lên xe hơi, theo dây chuyền khẽ khàng, cẩn thận.
Để vận chuyển đất đá ra khỏi nhà, Hội đã xin để nhờ một chiếc xe tải trước hẻm. Việc vận chuyển đất đá ra xe được thực hiện khẩn trương và cẩn trọng. Khi đã đầy đất đá, xe chở ra ngoại thành đổ, khi về lại chở gỗ để làm đàn để tránh bị địch nghi ngờ.
Sau khi hoàn thành, hầm trở thành văn phòng của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn tại nội thành, cán bộ Hội ra vào một cách bí mật, theo ám hiệu và quy trình chặt chẽ.
Ông Hồng Lộc, nhân viên quản lý di tích lịch sử, mở cánh cửa tủ dẫn xuống căn hầm dưới lòng đất. |
Phát hành những bản in đầu tiên
Trong hầm chính được đặt máy in, máy đánh chữ, giấy, mực in, radio, bàn ghế, đèn điện và hệ thống báo động qua đèn chớp tắt. Hầm phụ đặt bàn đánh máy và một số ít sách báo, tài liệu. Tất cả tái hiện lại hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.
Theo tư liệu, đầu tháng 7/1952, ông Lê Phiếm, Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và ông Tô Minh Liêm đến kiểm tra lần cuối các công năng sử dụng của căn hầm.
Từ khi chính thức hoạt động, những hội viên nòng cốt của Hội thay phiên nhau theo dõi tin tức từ các đài phát thanh “Tiếng nói Việt Nam”, “Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến”. Họ biên tập lại và in thành truyền đơn phát hành các nơi để thông báo tin tức từ Trung ương và cả nước đến với đồng bào, chiến sĩ Vệ quốc đoàn, hoặc được sao chép thành tài liệu học tập nội bộ.
Tài liệu từ chiến khu An Phú Đông được mang về in và đưa đi rải ở các chợ, bí mật giao đến hàng trăm cơ sở trong thành phố, tuyên truyền phát động phong trào đấu tranh trong Nhân dân, uy hiếp tinh thần của địch.
Tháng 11/1954, Đặc khu Sài Gòn - Gia Định và Tỉnh ủy Gia Định triển khai nhiều nghị quyết nhằm đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ hòa bình, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đòi quyền dân sinh, dân chủ...
Hội sau đó mang tên mới là Ban ấn loát và phát hành trực thuộc Đặc khu ủy. Hàng tuần, các hội viên đánh máy liên tục, ngày đêm phát hành bản tin do tuyên huấn Đặc khu ủy biên soạn, in khoảng 2.000 bản phân phối ra các quận nội thành.
Khi đẩy miếng chắn đáy tủ (nắp hầm) sang bên, một cầu thang hiện ra dẫn lối xuống hầm. |
Căn hầm bí mật này còn là nơi lưu trữ thuốc men, hóa chất làm vũ khí… để giao liên đưa ra chiến khu.
Cuối năm 1957, một cơ sở của Hội trong nội thành bị địch phát hiện, vì vậy mọi liên hệ với hầm bí mật cắt đứt. Anh em tại hầm phân tán mỏng để bảo toàn lực lượng.
Trước tình hình căng thẳng, Đặc khu Sài Gòn - Gia Định quyết định giải thể Ban ấn loát. Ban quản trị Hội thống nhất ý kiến lấp hầm nhưng dùng đất lấp khó thực hiện nên dùng khạp (lu da bò). 90 khạp được sử dụng lấp hầm trong thời gian một tháng.
Đầu năm 1958, ít lâu sau khi hầm được lấp, mật thám của Diệm đến tiệm đàn bao vây bắt các hội viên. Dù chịu nhiều cực hình nhưng tất cả những người bị bắt đều kiên trung giữ vững lời thề “thà chết để bảo vệ hầm” (trích tư liệu của ông Ba Quang).
Sau đó, tên công an chìm Sài Gòn Đoàn Văn Khoa đã chiếm căn nhà trên. Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không hề ai biết có một hầm bí mật nằm bên dưới ngôi nhà.
Sau năm 1975, công trình Hầm bí mật của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn được khai quật và trùng tu. Địa đạo, hầm phụ và hầm chính được tôn tạo. Những dấu vết của một thời kỳ chiến đấu oanh liệt của các chiến sĩ trong Hội được khôi phục nguyên vẹn.
Bộ Văn hóa Thông tin đã xét duyệt và cấp bằng công nhận di tích theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ký ngày 16/11/1988.
Ngày nay, căn nhà trở thành di tích lịch sử quốc gia và là điểm tham quan, dâng hương tưởng niệm của du khách trong nước, quốc tế.
Kết cấu căn hầm gồm hầm chính và hầm phụ cùng hệ thống địa đạo vừa một người chui lọt. Hầm chính dài hơn 3,5m, rộng 3,2m, cao 1,7m, sức chứa khoảng 20 người. Bên trong xây dựng công phu có thả đà chịu lực trên nóc, tường và nền trát xi-măng chống thấm. Trong khuôn viên di tích có một giếng nước đào cách hầm 2m, trên miệng giếng có lỗ thông hơi đường kính 10cm thông qua hầm chính để tạo không khí thông thoáng.