Khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975

Khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975

(GD&TĐ) - Phạm Xuân Thệ đã vinh dự được trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mặt trận lớn: Chiến trường Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đặc biệt, Trung tướng là người trực tiếp dẫn giải Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước. Đó là những ký ức không thể nào quên đối với ông.

Những ngày đầu tháng 4/1975, quân và dân cả nước dồn sức người sức của hướng về Sài Gòn - Gia Định, lúc này, Phạm Xuân Thệ với trọng trách Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng đi đầu phối hợp cùng bộ đội xe tăng, thiết giáp của Quân Đoàn 2 tham gia chiến dịch Hồ chí Minh, đánh thẳng vào dinh Độc Lập.

Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư, sau khi giải phóng Đà Nẵng, Quân đoàn 2 được Bộ Tư lệnh tăng cường Sư đoàn 3 - Sao Vàng của Quân khu V và được lệnh hành quân bằng cơ giới vào phía Nam chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Ngày 22/4, đơn vị do ông dẫn đầu đã liên lạc với Tiểu đoàn 7 - Thị xã Hàm Tân (Bình Thuận). Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 7 tiến công từ phía Bắc, Tiểu đoàn 8 tiến công từ phía Tây Nam theo trục đường 28 tiến vào thị xã. Ông nhớ lại: 

Tiến công thần tốc vũ bão vào giải phóng Sài Gòn

Lúc đó khoảng 21 giờ ngày 22/4/1975, chúng tôi bắt đầu nổ súng tiến công. Sau gần 2 giờ chiến đấu, toàn bộ lực lượng địch ở thị xã Hàm Tân bị tiêu diệt và bỏ chạy. Các đơn vị thừa thắng truy kích địch đến tận cảng biển của thị xã Hàm Tân. Sau đó, Trung đoàn để lại một bộ phận phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương chốt giữ trong thị xã, còn hầu hết lực lượng trở về vị trí tập kết để chuẩn bị tiến công Sài Gòn.

Sáng 23/4, Trung đoàn 66 tiếp tục hành quân trong đội hình của Sư đoàn, tập kết ở rừng cao su đồn điền Ông Quế (cách Sài Gòn 60 km) về phía Đông. Tại đây đơn vị được giao nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ làm lực lượng dự bị của Sư đoàn, sẵn sàng thay thế trung đoàn 9 và 24. Đặc biệt, Trung đoàn 66 nằm trong đội hình Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng tiến công theo trục đường 15, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa tiến vào nội đô Sài Gòn.

Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn khí thế rất cao; mọi người đều hồ hởi khi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trên những chiếc mũ cứng, cán bộ, chiến sĩ đều dán khẩu hiệu “Quyết tâm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam”.

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, những phát pháo đầu tiên của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 bắn vào căn cứ Nước Trong và trường sĩ quan bộ binh của địch. Sau khi pháo kích, bộ đội Trung đoàn 9 và Trung đoàn 24 xung phong tiến công đánh địch ở căn cứ Nước Trong và trường sĩ quan bộ binh của địch (ngày 27/4). Quân địch dựa vào công sự kiên cố và thế phòng ngự vững chắc các căn cứ trước đây của Mỹ và chư hầu chống trả quyết liệt.

Sáng 28/4, chỉ huy Sư đoàn 304 lệnh cho Trung đoàn 66 đưa Tiểu đoàn 7 lên tăng cường chiếnđấu cho Trung đoàn 9. Đến chiều cùng ngày, Trung đoàn 9 làm chủ hoàn toàn căn cứ Nước Trong, Trung đoàn 24 làm chủ trường sĩ quan bộ binh đồng thời đánh chiếm được ngã ba Thái Lan và cầu sông Buông trên đường 15. Được lệnh của Sư đoàn. Tôi và Tiểu đoàn 7 trở về đội hình chiến đấu của Trung đoàn.

Khoảnh khắc lịch sử

Đúng 17 giờ ngày 29/4, lực lượng thọc sâu xuất phát. Xe chúng tôi và xe Ban chỉ huy Tiểu đoàn 7 đi sau phân đội xe tăng đi đầu của Tiểu đoàn xe tăng thuộc Lữ đoàn 203. Đến 23 giờ cùng ngày, Binh đoàn thọc sâu tiến đến ngã ba Long Bình và đầu cầu xa lộ qua sông Đồng Nai.

8 giờ sáng ngày 30/4, quân địch chống trả yếu ớt, sau đó bỏ chạy, đội hình hành tiến của lực lượng thọc sâu tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Đến ngã tư Hàng Xanh, vì không biết đường vào nội đô nên xe phải dừng lại để hỏi đường.

Lúc này địch đã rút khỏi cầu Sài Gòn chạy vào nội đô, nhưng nhân dân vẫn chưa dám ra đường, mà đóng kín cửa ở trong nhà. Chúng tôi phải vào nhà dân để hỏi đường vào dinh Độc Lập thì có tiếng nói vọng ra: Quân giải phóng quẹo tay trái vượt qua cầu Thị Nghè thì đến dinh Độc Lập.

Đến gần cầu Thị Nghè (cách cầu khoảng 100 m) thì gặp địch bố trí xe bọc thép chốt chặn bên kia cầu, chúng tôi cùng lực lượng bộ binh lại tiếp tục chiến đấu mất khoảng 20 phút, xe bọc thép địch bị xe tăng ta bắn nổ tung, bọn địch vội vã tháo chạy.

Khi chúng tôi tiến vào Dinh Độc Lập, đến bậc thang trên cùng nối vào hành lang, đến sảnh của lầu một, tôi thấy một người cao to, mặc áo cộc tay màu xám chạy đến trước mặt. Ông ta giơ tay tự giới thiệu: Báo cáo cấp chỉ huy, tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - Phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của chính quyền ông Minh đang ở trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc.

Lúc này tôi mới biết toàn bộ nội các chính quyền Dương Văn Minh đang ở trong Dinh Độc Lập. Vì trước đó tôi nghĩ họ đã bỏ chạy hết khi thấy Quân giải phóng tiến vào, và nghĩ vào Dinh Độc Lập chỉ để cắm cờ Quyết chiến quyết thắng lên nóc Dinh mà thôi. Trước tình huống này, chúng tôi không lên sân thượng cắm cờ nữa mà tiến thẳng vào phòng theo chỉ dẫn của ông Hạnh.

Tướng Phạm Xuân Thệ nhập ngũ năm 1968. Từ một người lính binh nhì, trưởng thành qua năm tháng, ông đã đảm nhận nhiều trọng trách mà Đảng, nhân dân và quân đội giao phó: Cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, rồi Tư lệnh Quân khu I. Đặc biệt, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011.

Chúng tôi bước vào, cửa kính mở ra, mọi người trong phòng đứng dậy cả, tôi thấy hai người, một người to cao mặc áo cộc tay màu xám đeo kính; một người thấp đậm mặc com-plê rất sang trọng.

Lúc này ông Nguyễn Hữu Hạnh chỉ tay vào người to cao, mang kính và giới thiệu: Đây là Tổng thống Dương Văn Minh, còn người thấp mặc com-plê là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.

Sau khi ông Hạnh giới thiệu xong, ông Dương Văn Minh bước lại gần và nói với tôi: “Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao…”.

Theo phản ứng tự nhiên, tôi nghiêm mặt nói lớn: “Các anh là kẻ thất bại, các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả! Ai có vũ khí bỏ xuống giao cho Quân giải phóng!”.

Nghe tôi nói xong, nét mặt Dương Văn Minh thoáng chút bối rối và nói: Xin được bắt tay Quân giải phóng, tôi liền gạt đi: Các anh là kẻ thù của chúng tôi, chúng tôi không bắt tay các anh! Nghe vậy, Dương Văn Minh cúi đầu, Vũ Văn Mẫu dịch lùi về hàng ghế định ngồi xuống.

Lúc này, những thành viên trong nội các chính quyền Sài Gòn cũng tản ra ngồi xuống ghế. Tôi kiên quyết bắt Dương Văn Minh phải ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Cùng thời gian trên, đồng chí Đào Ngọc Vân vác lá cờ Giải phóng chạy lên ban công sảnh tầng 2 Dinh Độc Lập cùng một số chiến sĩ khác liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm được dinh Độc Lập”.

Khi đến đài phát thanh Sài Gòn, vào phòng bá âm, tôi mời Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ngồi xuống ghế, anh em chúng tôi bàn nhau soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng. Mỗi người mỗi câu, mỗi ý, tôi là người chấp bút có nội dung bản thảo như sau:

“Tôi - Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. 

Dương Văn Minh vừa dứt lời tuyên bố trên, đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn 203 - vinh dự thay mặt các đơn vị quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, dõng dạc đọc lời tuyên bố: “Tôi, đại diện lực lượng giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm dinh Độc Lập, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Tôi đại diện lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn” vào thời khắc lịch sử 11 giờ 30 ngày 30/4/1975.

Khoảng 17 giờ 30 ngày 30/4, tôi về Sở chỉ huy Trung đoàn đang ở tòa nhà Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn cũ (trước cửa dinh Độc Lập), về phía tay trái cách khoảng 500 m. Vừa thấy tôi gặp đồng chí Nguyễn Ân - Sư đoàn trưởng - đang ở Sở chỉ huy Trung đoàn nói: Việc đưa Dương Văn Minh ra đài phát thanh, các cậu xử trí như thế là đúng đấy, không có gì sai sót đâu. Lúc bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhõm…

Trung tướng Phạm Xuân Thệ 

Phủ Lạng Thương ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ