Hai yếu tố tạo nên thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo đúng tiến độ thời gian Bộ GD&ĐT quy định.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: ITN
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: ITN

Hai yếu tố quan trọng nhất là con người, cơ sở vật chất đều được lên kế hoạch chu đáo, cẩn trọng.

Bảo đảm cơ sở vật chất

Năm nay, với hơn 13 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, Thừa Thiên - Huế bố trí 38 điểm thi, với tổng số 572 phòng thi. Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT - chia sẻ: Địa phương quan tâm xây dựng chu đáo phương án bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, lắp camera tại điểm thi, khu vực chấm thi; nhân sự cho các điểm thi.

Đến thời điểm này, cơ bản hệ thống các văn bản chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Thừa Thiên - Huế được ban hành đầy đủ. Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã họp, có văn bản phân công nhiệm vụ các thành viên. Kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên địa bàn được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành. Riêng Chỉ thị về Kỳ thi, Sở GD&ĐT tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành trong một vài ngày tới.

Ban Cơ sở vật chất của Sở GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra đầy đủ các điều kiện, trang thiết bị phục vụ tại điểm thi. Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức họp với hiệu trưởng các trường đặt điểm thi để nắm bắt tình hình chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị và các điều kiện bảo đảm cho Kỳ thi tại điểm thi.

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các trường hoàn thành kế hoạch năm học, đánh giá, phân loại học sinh, tổ chức ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài, nhất là đối với học sinh có học lực yếu, con em gia đình chính sách, học sinh ở miền núi, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức đăng ký dự thi, thu nhận, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi cho thí sinh theo đúng quy định; kiểm tra chéo hồ sơ thi tốt nghiệp THPT giữa các đơn vị.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, tính đến ngày 30/5, toàn tỉnh có trên 8 nghìn thí sinh đăng ký dự thi; trong đó 346 thí sinh chỉ thi lấy điểm xét ĐH, CĐ; 132 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT; 2.385 thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên; 5.715 thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học xã hội.

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội). Ảnh: INT

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội). Ảnh: INT

Căn cứ số lượng đăng ký dự thi, điều kiện cơ sở vật chất; để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh và việc phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã tham mưu bố trí 27 điểm thi trên toàn tỉnh, mỗi điểm thi có ít nhất 1 phòng thi dự phòng và 1 phòng cách ly (sử dụng trong trường hợp phát sinh dịch bệnh).

Các đơn vị được chọn đặt điểm thi phối hợp với tổ kỹ thuật rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất cho Kỳ thi. Lựa chọn và chuẩn bị địa điểm phục vụ công tác in sao đề thi, làm phách, coi thi, chấm thi; rà soát các hồ sơ, biểu mẫu và văn phòng phẩm cho Kỳ thi và tiến hành in ấn, phát hành.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bắc Ninh có hơn 16 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 449 thí sinh tự do. Toàn tỉnh bố trí 27 điểm thi chính thức và 8 điểm thi dự phòng. Số phòng thi chính thức dự kiến là 710; số phòng thi dự phòng là 75. Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức Kỳ thi, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ngày 22/5, Ban Chỉ đạo tỉnh họp thống nhất các nội dung trong công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đồng thời phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo.

Về phía Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 triển khai tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các đơn vị rà soát điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm tổ chức tốt Kỳ thi.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: INT

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: INT

Sẵn sàng về nhân sự

Về số lượng cán bộ làm nhiệm vụ thi, Sở GD&ĐT Quảng Trị thông tin, toàn tỉnh huy động 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo đủ điều kiện khối trực thuộc Sở GD&ĐT đi làm nhiệm vụ thi. Trong đó, dự kiến điều động 1.300 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi; 300 cán bộ phục vụ; 200 người thuộc lực lượng công an bảo vệ; lực lượng y tế 100 người. Bố trí dự phòng thêm 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên khối các phòng GD&ĐT để điều động tăng cường.

Địa phương này đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng cho cán bộ làm nhiệm vụ thi của các trường. Đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng...

Thông tin từ bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, năm nay với hơn 20 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, tỉnh Thái Bình tổ chức 35 điểm thi với 937 phòng thi, 90 phòng chờ và 35 phòng thi dự phòng. Số lượng nhân sự Hội đồng thi điều động khoảng 3.000 người thuộc ngành Giáo dục trong tỉnh tham gia Kỳ thi; trong đó dự kiến 2.700 người làm công tác coi thi.

Đến nay, Thái Bình đã họp Ban Chỉ đạo thi để đánh giá công tác tổ chức thi năm 2022, phương hướng chỉ đạo thi năm 2023 và xây dựng kế hoạch tổ chức Kỳ thi. Sở GD&ĐT căn cứ Quy chế thi tốt nghiệp THPT, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT xây dựng, triển khai lịch công tác.

Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phối hợp, chuẩn bị sớm mọi điều kiện về cơ sở vật chất, các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác tổ chức thi tại địa phương và dự phòng để xử lý các rủi ro, sự cố có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với dịch bệnh, thiên tai, thời tiết (nếu có). Các điều kiện để tổ chức Kỳ thi trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành ngày 25/6.

Việc điều động nhân sự làm công tác tổ chức thi tại Thừa Thiên - Huế thuận lợi vì số lượng thí sinh dự thi không nhiều. Cán bộ coi thi chủ yếu là giáo viên THPT; trường hợp thiếu sẽ sử dụng thêm giáo viên THCS và GDTX.

“Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế dự kiến huy động khoảng 2.504 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia Ban Coi thi. Trong đó có 38 trưởng điểm thi; 130 phó trưởng điểm; 140 thư ký; 1.564 cán bộ coi thi; 220 cán bộ giám sát và 450 nhân lực phục vụ, bảo vệ”, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân chia sẻ.

“Sở GD&ĐT sẽ quán triệt cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ tại các ban của Hội đồng thi thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tổ chức quán triệt quy chế, nghiệp vụ đối với lực lượng làm công tác thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra thi cho thanh tra viên của Sở GD&ĐT…”, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ