Trương Phu Duyệt và Đặng Ất không chỉ là hai nhà khoa bảng lừng danh đương thời, mà còn xứng đáng là những công thần tiết nghĩa triều Lê.
Cự tuyệt thảo chiếu
Nhà sử học Phan Huy Chú sau này đánh giá, do không theo nhà Mạc, Trương Phu Duyệt và Đặng Ất được khen là có tiết nghĩa. Phan Huy Chú có viết một mục về hai vị Hoàng giáp trong “Lịch triều hiến chương loại chí”.
Trương Phu Duyệt (tức Trương Phu Thuyết) sinh năm 1476, quê làng Kim Đâu, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Ông đỗ Hoàng giáp năm Đoan Khánh nguyên niên (1505), làm quan trải bốn đời vua Lê: Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng.
Bình sinh, ông là người rất cương trực, chẳng dễ gì khuất phục được. Thời Lê Cung Hoàng, ông là bậc nguyên lão đại thần, được phong tới chức Thượng thư bộ Lại.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh bắt hiếp vua phải nhường ngôi. Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón vào kinh sư. Ngày 15, các quan đã đứng vào ban chầu, chưa có tờ chiếu nhường ngôi, các quan bảo Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt thảo ra. Phu Duyệt trợn mắt mắng rằng: Thế là nghĩa gì? Lại bảo Đông các đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo. Thái cầm bút.
Khi Mạc Đăng Dung hoàn tất cướp ngôi nhà Lê, Trương Phu Duyệt buồn nản trở về quê vui sống cảnh ẩn dật, thỉnh thoảng lại ra ngồi quán đầu làng, lấy chén rượu làm khuây.
Sách “Công dư tiệp ký” có đoạn chép về Hoàng giáp Trương Phu Duyệt như sau: “Một hôm, viên quan huyện sở tại có việc đi ngang qua quán rượu, mọi người trông thấy liền đứng dậy chào, chỉ có mỗi mình ông là vẫn điềm nhiên ngồi. Bọn lính hầu của quan thấy vậy liền quát mắng và toan đánh ông.
Viên quan huyện thấy ông có bộ râu rất đẹp, vội bảo lính hầu rằng: Ta trông người này râu ria đạo mạo, hẳn phải là có học, vậy để ta ra cho một vế đối, nếu không đối được thì đánh cũng chẳng muộn gì.
Quan huyện nói xong, liền ra một vế đối: Thanh Miện huyện quan, kiến vô lễ nhi dục công (Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh).
Ông liền ứng khẩu đối ngay: Kim Đâu Tiến sĩ, vị hữu tu nhi đắc miễn (Tiến sĩ làng Kim Đâu nhờ có râu nên được miễn).
Quan huyện nghe xong lời đối, biết đó là ông nghè làng Kim Đâu, liền vội bái tạ và xin ông thứ lỗi, nhưng ông nghè Kim Đâu chỉ cười.
Thanh long đao của Mạc Đăng Dung được tìm thấy tại Xuân Trường (Nam Định). |
Chết để giữ lòng trung
Cũng liên quan đến sự biến nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, Hoàng giáp Đặng Ất lại làm nổi bật đạo lý “tôi trung không thờ hai chủ”.
Theo một số nguồn khảo luận, Đặng Ất sinh năm 1494 ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Từ nhỏ, đã theo gia đình di cư ra Bắc sinh sống nhưng không rõ ở đâu. Sau này, con cháu dòng họ Đặng toàn quốc đã tìm thấy gia phả “Đặng tộc Đại tông chi ất” của dòng họ Đặng (Tiên Điền) - Uy Viễn (Hà Tĩnh) có ghi chép về thân thế Đặng Ất vỏn vẹn:
“Ông Đặng Thọ Cương và Nguyễn Thị Liệu từ tâm sau khi sinh hạ 2 con trai, lớn là Đặng Giáp, nhỏ là Đặng Ất rồi cả nhà di cư không rõ”. Dòng họ Đặng Việt Nam đã xác định gia đình cụ Đặng Thọ Cương ban đầu di cư ra sống vùng Bãi Sậy tỉnh Hưng Yên (thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu) sau dời sang định cư ở xóm Hương Hà, làng Nguyên Xá, xã Phúc Hải, tổng Tống Xuyên, huyện Ngự Thiên (nay là thôn Hà Nguyên, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà).
Sau sự ra đi của vua Lê Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung thay đổi kế hoạch. Ngày 1 tháng 8 năm 1522 Mạc Đăng Dung kéo quân về Thuần Mỹ điện ở Ngự Thiên, bắt Hoàng tử Lê Xuân, em ruột vua Chiêu Tông đưa về Thăng Long dựng lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thống Nguyên (tức vua Lê Cung Hoàng).
Đây là màn kịch chính trị nhằm thừa lệnh vị hoàng đế mà họ Mạc mới lập để Mạc Đăng Dung ra lệnh an định cả nước. Nhà Mạc không rầm rộ mừng đón một triều đại mới mà chỉ cho quân trạm khẩn đưa chiếu chỉ an dân của nhà vua đến các nơi.
Ngày 29 tháng 2 năm Quý Mùi (1523), Thống Nguyên đế (vua Lê Cung Hoàng) chính thức thiết triều lần đầu tiên. Nhà vua nắm trong tay kinh đô, triều đình, tưởng như bằng an hơn vua anh Lê Chiêu Tông đang lưu vong ở Thanh Hóa. Tuy nhiên lại không biết Mạc Đăng Dung đang lợi dụng ưu thế này để chiêu dụ hàng quan văn và tướng lĩnh nhằm lấy lòng chứ không muốn đối địch với họ.
Sử cũ chép vua Lê Cung Hoàng vẫn trọng dụng Đặng Ất, phong cho ông chức Giám sát Ngự sử. Khi họ Mạc lộng hành quá mức ở xứ Thanh Hoa, vua Lê Cung Hoàng phong ông giữ chức “Triều liệt đại phu đạo Thanh Hoa” (Thanh Hoa đẳng sứ) để giảm bớt quyền hành họ Mạc và bảo vệ triều đình cùng dân chúng.
Nhằm thâu tóm quyền lực, ngày 18 tháng 12 năm 1526, Mạc Đăng Dung sai Phạm Kim Bảng bí mật giết vua anh Lê Chiêu Tông. Sáu tháng sau, ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) vua Lê Cung Hoàng cũng mất ngôi bằng một cuộc dâng chiếu nhường ngôi không có hoàng đế thiết triều.
Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt được giao nhiệm vụ soạn chiếu nhường ngôi, nhưng đã nghĩa khí quyết không làm. Họ Mạc lại sai Đông các đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo chiếu.
Khi văn chiếu thảo xong, truyền cho bách quan xem cùng ký, quan Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Văn Kiệt, quê làng Mỹ Xá, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà ngày nay) xem xong chiếu văn đã trợn mắt, bẻ gẫy bút, tự trút bỏ mũ áo, chạy thẳng ra cửa về quê.
Quyền thần Mạc Đăng Dung chễm chệ bước lên ngai vàng quyền lực. Họ Mạc chọn niên hiệu Minh Đức, đại xá cả nước. Các nguồn khảo luận cho biết: Khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, triều Mạc bắt đầu thì số phận Thống Nguyên Lê Cung Hoàng cũng giống như vua anh Lê Chiêu Tông trước đây.
Năm 1527, để tránh sự truy sát của họ Mạc, Đặng Ất phò tá vua Lê Cung Hoàng chạy về làng Hà Nguyên, xã Phúc Hải, huyện Ngự Thiên. Năm 1529, Mạc Đăng Doanh nối ngôi tiếp tục truy sát vua Lê. Khoảng năm 1531 - 1532, Mạc Đăng Doanh bắt được vua tôi nhà Lê đem về kinh đô.
Lê Cung Hoàng bị phế làm Cung vương và bị giam ở nội điện phía Tây cùng với người mẹ là Trịnh Thị Loan hoàng Thái hậu. Cung Hoàng và hoàng Thái hậu bị ép phải chết bằng thuốc độc.
Sử cũ và các nguồn khảo luận chép rằng: “Trước những thị vệ cúi đầu dâng chén thuốc đen ngòm” hoàng Thái hậu Trịnh Thị Loan có lời nguyền không khác của vua Lý Huệ Tông: “Mạc Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, ngày sau con cháu nó cũng lại bị như thế”.
Trong vòng gần một năm, ba mẹ con hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Lê sơ đều bị chết dưới tay cha con Mạc Đăng Dung. Giữ khí tiết bề tôi trung thành, Đặng Ất cũng tuẫn tiết. Di hài ông được an táng tại làng Nguyên Xá.
Khu lăng mộ và đền thờ các vua Lê ở Hưng Hà (Thái Bình). |
Trở thành Phúc thần
Do công lao với triều đình nhà Lê, sau khi khôi phục được ngôi báu, triều Lê trung hưng đã sắc phong Đặng Ất làm Phúc thần và sắc chỉ cho dân làng Hà Nguyên phụng thờ.
Hiện nay, đình Hà Nguyên còn lưu giữ được 14 đạo sắc vua ban của các triều đại: Thiệu Trị (1846), Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định thứ 2 đến thứ 9 (1924). Sắc phong của các triều đại phong kiến triều Nguyễn phong cho các vị thiên thần và nhân thần có đức cao vọng trọng hoặc có nhiều công lao với đất nước, để lại tiếng thơm muôn đời từ xưa đến nay được các triều đại ghi nhận và suy tôn.
Bia ký “Nguyễn Kiều thị bi” ở đình Hà Nguyên có chép rằng: “Cầu Nguyễn, xã Phúc Hải, huyện Ngự Thiên vốn có từ lâu, trải bấy triều trước biến đổi, cầu trở thành thắng tích… cầu hư hỏng. Các bô lão quan viên trưởng già trẻ trong hương ta khởi công dựng lại… đến ngày 15 tháng 3 năm Canh Dần (1530) nhân có cầu Nguyễn mà sắc cho khôi phục lại chợ cũ.
Ngày lập xuân, tháng Giêng, năm Tân Mão niên hiệu Đại chính 2 (1531) dựng bia. Đặng Ất tiến sĩ khoa Mậu Dần (1518), chức “Triều liệt đại phu đạo Thanh Hoa” soạn văn bia, Nguyễn Bảo khắc chữ…”.
Đỗ đạt đăng khoa triều Lê Chiêu Tông, có công lao bảo vệ triều đình, bảo vệ dân chúng triều Lê Cung Hoàng, “một sống một chết” cùng hoàng triều. Đặc biệt là hành động tuẫn tiết chứ nhất định không làm quan nhà Mạc. Tuy nhiên, những ghi chép về hành trạng của Đặng Ất hầu như không còn, rất khó cho công tác sưu tầm, khảo cứu về thân thế, sự nghiệp của ông.
Giới sử gia và nhà nghiên cứu cho rằng, vì Đặng Ất khăng khăng giữ đạo “tôi trung không thờ hai vua” nên khi chết, họ Mạc đã tiêu hủy hết các ghi chép có liên quan đến ông.
Còn Hoàng giáp Trương Phu Duyệt sau khi mất được dân lập đền thờ tại đình Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên). Ông cũng được triều đình phong làm Phúc thần - Thành hoàng của hai thôn Kim Trang Tây và Kim Trang Đông ở xã Lam Sơn (Hải Dương).