Vị Hoàng giáp làm quan 'hai nhà', được dân tôn thánh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vị Hoàng giáp làm quan 'hai nhà' được lịch sử ghi công là Trần Hữu Thành, tổ ngoại của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Đền thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại khuôn viên chùa Đào Lạng (Nghĩa Hưng - Nam Định).
Đền thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại khuôn viên chùa Đào Lạng (Nghĩa Hưng - Nam Định).

Đỗ đạt trong triều nhà Mạc, nhưng đến khi làm quan lại tỏa sáng trong triều nhà Lê. Hoàng giáp Trần Hữu Thành gắn liền với việc trị thủy, khuyến nông, khai khẩn lập làng lập ấp.

Làm quan trải hai triều đại nhà Mạc và nhà Lê, những công lao mà ông đã tạo dựng khiến người dân đương thời nhớ ơn, lập sinh từ để thờ ngay khi ông còn sống.

Đứng đầu hàng giáp

Theo sách “Nghĩa Hưng chí” của Tri phủ Nguyễn Huy Tường, soạn năm Khải Định thứ 9 (1924) cho biết, Hoàng giáp Trần Hữu Thành sinh ngày 10 tháng Giêng (1557) trước cửa đền thờ thần Tản Viên, được bà hàng xóm là Vũ Thị Thiện cũng đang kỳ đến cữ đi chợ rước hai mẹ con lên xe đưa về.

Đến nhà thì bà Vũ Thị Thiện cũng chuyển dạ sinh được một người con trai. Thầy đồ trong làng là ông hương sư họ Nguyễn đặt tên cho hai trẻ là Thành và Đạt, lớn lên coi nhau như ruột thịt. Hữu Thành ở lại đất Đào Lãng, còn Hữu Đạt thì về đất Tân Liêu nay thuộc xã Yên Lương, huyện Ý Yên. Sự kiện này cũng ghi trong sách “Ninh Cường khẩn điền chí” của tiến sĩ Vũ Duy Trác.

Theo khảo cứu của ông Trần Khánh Dư - nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo (hậu duệ đời thứ 10): Khi người cha mất sớm, Trần Hữu Thành và các em được người mẹ tần tảo nuôi cho ăn học. Hai người em cũng đỗ tiến sĩ, nhưng chưa rõ năm nào. Chính Trần Hữu Thành đã đổi tên làng Ngòi thành làng Văn Khê (Khê cũng có nghĩa là Ngòi), nay là làng Văn Mỹ.

Năm Bính Tuất (1586) đời vua Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Đoan Thái, cử nhân Trần Hữu Thành đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp). Theo sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, nhà Mạc đã tổ chức được 14 khoa thi hội, theo chế độ khoa cử của triều Lê sơ và thời Lê Thánh Tông.

Khoa Bính Tuất năm Đoan Thái thứ nhất (1586), phúc khảo ở trường Giảng Võ, Thăng Long lấy đỗ 23 vị. Trần Hữu Thành là một trong ba người đỗ tiến sĩ xuất thân, năm ấy ông mới 28 tuổi - trước cả tuổi “tam thập nhi lập”, được người xưa cho là vững trong trường đời, hướng cho sự nghiệp.

Để đạt được ngôi vị đề danh bảng vàng, Trần Hữu Thành phải có vốn học lực đạt được đẳng đệ trong khoa giáp. Ông được ca tụng là “Quỳnh uyển Tao đàn huynh giáp bảng” - nghĩa là Quỳnh uyển tao đàn đầu hàng giáp. Bởi vậy, để phản ánh về học vấn của ông, người đời sau có vế đối “huynh giáp bảng” (Đàn anh đứng đầu giáp bảng).

Ông làm quan đến chức Đề hình Giám sát ngự sử. Theo khảo cứu của PGS.TS Phạm Văn Khoái - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chức vụ này giám sát bộ Hình, ngục quan, về việc thực thi pháp luật, xét xử.

Người được bổ nhiệm chức quan này phải có nhiều năng lực, học hạnh, học nghiệp đảm được nhiều việc như kiểm soát, giám thí, giám khảo trường thi, đến việc bang giao, tuế cống... Quan Đề hình Giám sát ngự sử trực tiếp vào chầu vua và dâng nhiều lời tâu góp phần quan trọng vào việc giữ gìn kỷ cương phép nước và bảo vệ dân lành.

Với chức Đông đạo tướng quân (chỉ huy một phủ trong ngũ quân) Trần Hữu Thành đã đề xuất với triều đình gia cố thành Thăng Long, sai các xứ đào hào, đắp lũy, trồng tre gai dài hàng trăm dặm, lũy đất ở ngoài thành Đại La từ Nhật Chiêu qua Tây Hồ đến bến Thanh Trì để phòng thủ lâu dài.

Nhà trị thủy tài ba

Trị thủy sông Đào và sông Ninh Cơ ghi dấu ấn rất lớn của Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

Trị thủy sông Đào và sông Ninh Cơ ghi dấu ấn rất lớn của Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã lập 9 xã ở vùng dọc biển Nam Định. Ảnh minh họa tư liệu

Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã lập 9 xã ở vùng dọc biển Nam Định. Ảnh minh họa tư liệu

Năm 1592, có lẽ năm khó khăn nhất của Hoàng giáp Trần Hữu Thành khi lựa chọn tiếp tục với nhà Mạc hay về nhà Lê. Trước đó, ông tiên lượng được nhà Mạc đã không còn được như những buổi ban đầu.

Nghiên cứu của nhà thơ Nguyễn Thế Vinh cũng chỉ ra rằng, vào ngày 25/10/1592, tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn và công chúa Mạc Ngọc Lâm tiễn Trần Hữu Thành về Nam Định. Sự việc này có thơ ghi lại dấu tích của sự kiện, Trần Hữu Thành cũng tạ lại tướng Ngọc Liễn câu thơ: Nam - Bắc đôi đường sao gặp lại/ “Minh công gìn giữ” đó lòng tôi.

Việc ở lại với nhà Mạc hay về nhà Lê cũng được ghi chép trong “Lý lịch Di tích Đền - Chùa Đào Lạng” rằng, một lần trên đường về kinh qua đền Phúc Tân xã Thọ Tung cầu đảo, Hoàng giáp Trần Hữu Thành được thần linh báo mộng, thần cho thơ: “Trời đông đã rạng lên rồi/ Sao còn chậm chạp đứng ngồi nơi nao”.

Khi phục vụ cho triều đình Lê trung hưng, ông được chúa Trịnh Tùng giao chức Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông, để rồi được mệnh danh là nhà trị thủy có tài.

Về trị thủy sông Đào và sông Ninh Cơ, nhà nghiên cứu Dương Văn Vượng miêu tả khá chi tiết về sự thành công của ông qua câu thơ do quan nhà Lê là Đặng Phi Hiển viết: “Ông Trần đào đất cửa hai sông/ Cho chảy về Nam cũng dễ thông/ Vạn khoảnh lúa ngô đều đẹp mắt/ Ngàn làng già trẻ được no lòng”.

Cuối đời, Hoàng giáp Trần Hữu Thành ẩn cư ở vùng biển Nghĩa Hưng. Tại nơi khẩn hoang, ông khuyên dân đắp đê, trồng cói, dệt chiếu... lập nên 9 xã ở vùng Hải Lãng Trang xuống tới đất Liễu Đề. Đó là một vùng Đông - Tây dài hàng chục dặm được ông biên chế ra thành làng xóm, thiết lập chế độ tự quản, trở thành vùng dân cư trù phú làm phên giậu phía Đông của triều đình.

Đức độ và công lao của quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông được lan tỏa ra cả một vùng. Lúc ấy, Bùi Vũ Quân đang trấn thủ ở cửa Thần Phù (Nga Sơn - Thanh Hóa ngày nay) ngưỡng mộ nên có thơ gửi tới lỵ sở Phù Sa mừng Hoàng giáp Trần Hữu Thành ở tuổi 70: Nhớ người khai thác lưu công đức/ Ơn vị tổ thần dạy xã dân/ Trần chủ xóm thôn còn nhớ việc/ Lê triều đền miếu có thơ ngâm/ Đại An một chốn ai hơn được/ Cúi dưới thềm lan mãi cảnh xuân.

Ngay khi ông còn sống, dân địa phương đã lập sinh từ để thờ như một cách ghi nhớ công lao: “Đời thấy bao người tu được thế/ Làng tôn thờ sống đội ơn thừa”. Khi ông mất, dân tôn làm phúc thần, nhiều nơi lập đền thờ để nhớ vị điền chủ.

Tổ ngoại nhà thơ Nguyễn Khuyến

Nguyễn Khuyến là hậu duệ họ ngoại của Hoàng giáp Trần Hữu Thành (cổng đền thờ nhà thơ Nguyễn Khuyến).

Nguyễn Khuyến là hậu duệ họ ngoại của Hoàng giáp Trần Hữu Thành (cổng đền thờ nhà thơ Nguyễn Khuyến).

Năm 2020, Hội thảo khoa học danh nhân văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành được tổ chức đã thu hút giới sử học cùng bàn luận. Thời gian này, các nhà nghiên cứu cũng sưu tầm được hơn 100 bài thơ - là những sáng tác của Hoàng giáp Trần Hữu Thành và những đối đáp cùng các vị khoa bảng đương thời.

Các nguồn sử liệu chứng minh, Hoàng giáp Trần Hữu Thành chính là tổ ngoại của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) quê xã Trung Lương (Bình Lục - Hà Nam), nhưng sinh ra ở quê ngoại làng Ngòi, đất Văn Khê (nay thuộc xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Đến 8 tuổi mới theo cha về quê nội làng Và.

Họ Trần sinh cơ lập nghiệp ở trấn Sơn Nam đã gần 500 năm, thì vào đời thứ tư - danh tiếng cử nhân Trần Hữu Tập mở trường dạy học đã thu hút được nhiều môn sinh gần xa. Ngày ấy, anh khóa Nguyễn Tông Khởi từ làng Và đất đồng chiêm Bình Lục, lặn lội sang Ý Yên theo học cửa thầy.

Anh khóa được thầy gả con gái là Trần Thị Thoan (sinh năm 1799). Đôi vợ chồng trẻ nương nhờ bên ngoại, con rể được nhạc phụ truyền thụ kiến thức, song trải qua ba kỳ thi Hương mà chỉ đỗ tú tài gọi là ông mền Liễn, sau làm nghề dạy học. Năm Ất Mùi (1835), vợ chồng trẻ sinh con trai, cả nhà ai cũng mừng, ông ngoại đặt tên cháu là Nguyễn Thắng.

Tuổi thơ Nguyễn Thắng được ông bà bên ngoại bảo ban theo đòi nghiên bút. Từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu văn chương. Đến khi lên 8 tuổi (1843), Nguyễn Thắng theo cha mẹ về bên quê nội làng Và (Bình Lục). Chẳng bao lâu người cha qua đời, gia cảnh bần hàn, người mẹ thắt lưng buộc bụng nuôi con ăn học, khuyên con gắng công đèn sách, lại mấy khoa thi chưa đỗ.

Nguyễn Thắng đổi tên là Nguyễn Khuyến để tỏ rõ quyết chí ý chí học hành tiến thân. Năm Tân Mùi (1871) Nguyễn Khuyến vào kinh đô Huế thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp). Do đỗ đầu cả ba kỳ thi, nên được người đời xưng tụng là Tam nguyên Yên Đổ - trở thành nhà thơ nổi tiếng nhất đương thời.

Theo các thư tịch Hán - Nôm, tổ họ Trần về đất Đào Lãng ban đầu là Trần Dĩ Hòa, Trần Dĩ Hiếu. Được khoảng 5, 6 đời mới đến các cụ Trần Hữu Học, Trần Hữu Tập, Trần Hữu Thứ, Trần Hữu Đạo. Hoàng giáp Trần Hữu Thành là con thứ ba của cụ Trần Hữu Học.

Giới nghiên cứu cho rằng, họ ngoại không chỉ “hướng nghiệp” cho cậu bé Nguyễn khi còn nhỏ, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành, thi cử sau này. Nhắc đến Nguyễn Khuyến, người đương thời không thể không nhắc đến bên nội - liệt tổ Quang Lượng Hầu, Đại tướng nhà Mạc và cụ nội - tiến sĩ Nguyễn Tông Mại. Và cũng không thể không nhắc đến bên ngoại – Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.