Hai vị đại khoa thà chết không làm nhục mệnh vua

GD&TĐ - Thám hoa Giang Văn Minh và Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu là hai Chánh sứ được cử sang nhà Minh lễ cống. Cái chết của hai vị đại khoa nổi tiếng đã để lại tiếng thơm muôn đời.

Cổng đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh tại làng Mông Phụ.
Cổng đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh tại làng Mông Phụ.

Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu (27 tuổi), Thám hoa Giang Văn Minh (56 tuổi) cùng đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628). Năm 1637, cả hai vị được triều đình cử làm Chánh sứ một đoàn đi tuế cống nhà Minh, và cùng hi sinh. Điều này có ghi trong sách “Đăng khoa lục”.

Bất nhục quân mệnh

Giang Văn Minh tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung tiên sinh. Ông sinh ngày 6 tháng 9 năm Qúy Dậu (1573) tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây - Hà Nội).

Giang Văn Minh từng đỗ đầu kỳ thi hội, rồi thi đình lại đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1628 đời vua Lê Thần Tông. Khoa thi này không ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi.

Sau khi đỗ đạt, ông được triều đình tấn phong nhiều chức quan và được cử đi trấn giữ, cai quản vùng đất Nghệ An. Năm 1637, vua Lê Thần Tông sai Giang Văn Minh làm Chánh sứ sang tuế cống nhà Minh.

Giai thoại kể rằng khi vào yết kiến vua Minh, Hoàng đế Sùng Trinh ngạo mạn ra một vế đối bắt sứ thần Đại Việt đối lại. Vế đối ra là: “Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục”, nghĩa là: Cột đồng đến nay rêu đã xanh.

Câu đối này có ý nhắc lại việc xưa, khi tướng nhà Hán là Mã Viện sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã dựng một chiếc cột đồng rồi khắc lên đó mấy chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là khi nào chiếc cột đồng này gãy thì xứ Giao Chỉ sẽ bị diệt vong. Vế đối của Sùng Trinh mang hàm ý chẳng bao lâu nữa An Nam sẽ bị quân phương Bắc kéo sang tiêu diệt.

Không để cho kẻ khác làm nhục quốc thể, Giang Văn Minh đã dùng sự tích quân Nam Hán bị Ngô Quyền dìm chết trên sông Bạch Đằng năm 938 để đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”, nghĩa là: Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ.

Vế đối là một lời cảnh cáo, khi đó được xem như cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan và sứ bộ các nước. Vua Minh giận tím mặt, quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt Giang Văn Minh, rồi cho người mổ bụng “xem bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”.

Giết Giang Văn Minh rồi, nhưng nể phục ông là người tài giỏi, tiết tháo. Vua Minh sai người lấy thủy ngân hãm vết mổ, cho ngậm nhân sâm rồi đưa vào quan tài đóng kín hai lớp gỗ dày theo lối trong quan ngoài quách, trao trả sứ bộ Đại Việt mang thi hài về nước an táng.

Khi thi hài Thám hoa Giang Văn Minh về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu. Triều đình truy tặng ông chức Công Bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công, ban tặng lời vàng “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Sau đó thi hài ông được đưa về an táng tại quê hương Đồng Dưa, xứ Gò Đông, thuộc thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm.

Lưu tiếng anh hùng

Giai thoại cũng kể lại rằng, trong thời gian ở kinh đô nhà Minh, sứ bộ Đại Việt bị bọn quần thần nhà Minh khinh thường, ngăn cản không cho vào yết kiến. Tuy nhiên, nhờ sự thông minh tài trí, Giang Văn Minh đã được vào triều, đồng thời có những lời lẽ mềm mỏng nhưng đanh thép, thuyết phục được vua Minh bãi bỏ tục cống người vàng.

Hiện nay, Đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh ở gần đình làng Mông Phụ, cách sân đình chừng 20 mét. Từ trung tâm làng Mông Phụ tới khu mộ Thám hoa cách chừng 2 cây số.

Tại đây, gần khu mộ là di tích Quán Giang - ngôi nhà nhỏ 3 gian 2 dĩ kiểu nhà cấp 4 đã cũ đứng giữa đồng, sát bên đường, cửa không cánh, nhìn thẳng ra đường. Chính giữa sát tường trong xây một bệ gạch, bên trên để một bát hương. Ngôi nhà này trước đây là nơi quàn linh cữu Thám hoa Giang Văn Minh trước khi triều đình tổ chức lễ an táng.

Lăng mộ Thám hoa Giang Văn Minh.

Lăng mộ Thám hoa Giang Văn Minh.

Cách Quán Giang chừng hơn 100 mét là khu mộ Thám hoa. Mộ được xây 4 mái uốn cong, tọa lạc trên khu đất gò đồi với diện tích khoảng 200m2. Đầu mộ gắn tấm bia lớn, ghi: Mộ Thám hoa Giang Văn Minh.

Sát mái đắp 4 chữ lớn: Thiên cổ anh hùng (Anh hùng thiên cổ); Đỡ mái có 4 trụ hình vuông. 2 trụ trước, mặt ngoài đắp đôi câu đối bằng chữ Hán: Khôi khoa sự nghiệp tồn Khuê các/Tinh sứ huân danh trọng đẩu Nam (tạm dịch: Thanh danh khoa cử lưu Khuê Các/Công trạng sứ thần rạng nước Nam).

Cạnh trong đắp 2 câu: Thanh tĩnh đồng thùy Nam Bắc sử/ Tinh thần trường tại tử tôn thân (tạm dịch: Sử xanh Nam Bắc lưu danh tiếng/Sự nghiệp cháu con đọng tinh thần).

Theo bà con địa phương, hàng ngày có rất nhiều đoàn nhân sĩ trí thức, học sinh – sinh viên đến thắp hương tưởng niệm vị danh nhân tại Đền thờ và mộ Thám hoa tại làng Mông Phụ. 

Cái chết của vị Chánh sứ thứ hai

Sắc phong của vua Lê Thần Tông ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu.

Sắc phong của vua Lê Thần Tông ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu.

Sự kiện Chánh sứ Giang Văn Minh bị vua nhà Minh sát hại được nhiều người biết đến hơn cả, bởi những giai thoại truyền tụng. Ít ai biết rằng, vị Chánh sứ thứ hai cùng đoàn tuế cống đi trong năm 1637 cũng bị vua Minh giết hại.

Các tư liệu lịch sử ghi lại, ngày 30/12 năm Dương Hòa thứ ba (1637), Giang Văn Minh và Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua Lê cử làm Chánh sứ cùng 4 phó sứ Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Một đoàn do Nguyễn Duy Hiểu làm Chánh sứ, một đoàn do Giang Văn Minh làm Chánh sứ.

Nguyễn Duy Hiểu người xã Yên Lãng, nay là thôn Hợp Lễ, xã Thanh Lãng (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc). Ông là con trai trưởng của danh nhân – Thái tể giữ việc 6 Bộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì .

Năm 27 tuổi, Nguyễn Duy Hiểu đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1628) – cùng khoa với Thám hoa Giang Văn Minh. Sau đó, ông giữ các chức quan Hàn lâm viện Hiệu lí, Đô cấp tự trung Lại khoa.

Vì  sao hai đoàn sứ bộ lại đi cùng một năm? Đó là theo tiền lệ từ đầu thời Lê trung hưng, việc tuế cống nhà Minh vốn giữ lệ 3 năm một lần, nhưng để giảm đi lại, sau quy định 6 năm một lần, nhưng phải tính là hai lễ (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí). Từ năm Hoằng Định thứ 14 (1613) đến năm Đức Long thứ 2 (1630) đã có bốn cặp đôi sứ thần.

Việc vua Minh sát hại sứ thần Giang Văn Minh xảy ra vào ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Sử liệu ít ghi chép về cái chết của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu nên hậu thế ít biết về điều này.

Tuy nhiên, các tài liệu cũng khẳng định linh cữu Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (mất năm 37 tuổi) do chính cha ông - Quận công Nguyễn Duy Thì được lệnh nhà vua dẫn một đoàn lên cửa quan đón thi hài cả hai Chánh sứ về.

Đền thờ danh nhân Nguyễn Duy Thì và Nguyễn Duy Hiểu tại Vĩnh Phúc.

Đền thờ danh nhân Nguyễn Duy Thì và Nguyễn Duy Hiểu tại Vĩnh Phúc.

Hiện nay, tại Đền thờ danh nhân Nguyễn Duy Thì ở tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) còn lưu giữ bảy đạo sắc phong đời vua Lê Thần Tông. Đặc biệt có đạo sắc rất quý hiếm, do vua Lê ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, có đóng Quốc ấn “Hoàng đế chi bảo”.

Nếu như các sắc phong khác phần nhiều chỉ khen ngợi chung như trung cần, mẫn cán, phụ bật triều chính, thì sắc phong này ghi rõ: “…vâng mệnh đi sứ sang Bắc quốc nộp lễ cống, hoàn thành việc nước, có công… Sắc Nguyễn Duy Hiểu… đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, do vâng mệnh đi Bắc sứ tuế cống, bị bức hại nên đã chết thảm thương, có công lao vì nước mà yên nghỉ khi đang tại chức, nên gia tặng chức Thị lang Bộ Hình, tước Hầu…”.

Sử sách không ghi rõ Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu đã đối đáp gì với vua nhà Minh. Tuy nhiên, sắc phong chứng minh ông “bị bức hại, có công lao vì nước”. Có thể hiểu trong đoàn sứ bộ Đại Việt, cả hai vị Chánh sứ đã không làm nhục mệnh vua, nêu cao tiết tháo nên vua Minh đã bức hại cả hai.

Còn vua Minh - Sùng Trinh, kẻ đã sát hại sứ thần Đại Việt đã chẳng có kết cục tốt đẹp. 6 năm sau, Hoàng đế Sùng Trinh phải treo cổ tự vẫn trước sự truy sát của quân đội Lý Tự Thành.

Lý Tự Thành treo thưởng 1 vạn lạng bạc cho ai tìm được Sùng Trinh. Ngày 21 tháng 3 năm 1644, người ta phát hiện ra vua Sùng Trinh đã chết cứng tại Môi Sơn. Ngày hôm sau, quân Đại Thuận mang quan tài, dựng thi thể Sùng Trinh ra ngoài cửa Đông Hoa – nhà Minh chấm dứt.

Nhà Minh áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt, trì hoãn việc phong vương cho nhà Hậu Lê, duy trì bang giao tuế cống của nhà Mạc. Mục đích này nhằm kéo dài cuộc phân tranh Lê - Mạc, khiến Đại Việt suy yếu và lệ thuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ