Hổ với quân đội Đại Việt

GD&TĐ - Không chỉ được tôn thờ trong dân gian, là một loài mãnh thú, hổ gắn bó với nhiều hình ảnh trong quân đội các nước văn hóa Đông Á.

Phạm Ngũ Lão, hổ tướng thời Trần. Hình minh họa.
Phạm Ngũ Lão, hổ tướng thời Trần. Hình minh họa.

Ở nước ta, theo truyền thuyết, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là người có sức khỏe phi thường, có thể vật trâu, đánh hổ. Câu chuyện Phùng Hưng lập mưu giả làm bù nhìn rơm cầm chùy đánh chết con hổ dữ, thể hiện tài trí và sức khỏe của ông hẳn nhiều người đã biết.

Vào thời tự chủ, khi nước ta có quân đội, cũng đã học theo cách tổ chức và mô hình quân đội các nước phong kiến Trung Quốc. Quân đội cũng thường chia làm năm quân: Tiền, hậu, tả, hữu, trung quân; mỗi quân lấy một lá cờ theo thuyết âm dương tứ tượng, trong đó, hữu quân sẽ mang cờ hiệu màu trắng thêu hình bạch hổ.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ vùng rừng núi Hoa Lư ra Thăng Long, nhưng theo sử sách ghi lại thì xung quanh kinh thành, từ Hồ Tây trở ra vẫn còn là rừng rậm, bằng chứng là năm 1045, có sự kiện vua Lý Thái Tông đi săn voi ngay tại hồ Dâm Đàm (Hồ Tây ngày nay) bằng cách đặt cũi lớn ở đó, lấy con voi nhà của Chiêm Thành làm mồi nhử voi rừng vào trong ấy, vua thân đến bắt.

Sang thời Trần, kinh thành Thăng Long vẫn có hổ rừng xuất hiện. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng năm Giáp Ngọ, đời Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 14 (1354), vào mùa đông, tháng 11, có con hổ đen xuất hiện trong thành.

Có lẽ đây là hổ hoang dã nên sử mới chép, còn thực tế triều Trần từng nuôi nhốt hổ để cho quân sĩ luyện tập. “Toàn thư” viết câu chuyện về Thượng hoàng Trần Nhân Tông như sau: “Thượng hoàng có lần làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, thượng hoàng ngự trên lầu để xem, thái hậu và phi tần đều theo hầu.

Lầu thấp, song chuồng hổ và thềm cũng thấp, hổ bỗng nhiên thoát khỏi chuồng trèo lên lầu. Người trên lầu đều tan chạy cả. Chỉ có Thượng hoàng và Thái hậu cùng 4, 5 thị nữ còn ở đó. Thái hậu nghĩ không khỏi bị hại, mới lấy chiếc chiếu che cho Thượng hoàng và tự che mình. Hổ lên lầu gầm rống rồi nhảy xuống không vồ hại ai cả”.

Sử chép đoạn này, tỏ ý khen ngợi Bảo Thái thái hậu là người anh dũng hiên ngang và hết lòng bảo vệ thượng hoàng. Các sử quan bình luận: “Voi và hổ là bậc hung dữ, ai cũng phải sợ, thế mà lúc voi, hổ hung tợn làm ngang, Hoàng hậu vẫn thản nhiên không sợ. Hoàng hậu thực sự là một anh hùng trong đám nữ lưu vậy”.

Thời Trần, mỗi khi các tướng lập chiến công, thường được vua ban cho một loại binh phù đặc biệt chế tác bằng vàng, bạc tinh xảo để vinh danh, như thời sau này tặng thưởng huân, huy chương.

Các loại binh phù được chép lại có kim phù (phù bằng vàng), vân phù (phù chạm hình mây), quy phù (phù chạm hình con rùa), hổ phủ (phù chạm hình đầu hổ) và phi ngư phù (phù hình con cá bay).

Chưa rõ thứ hạng của từng binh phù này thế nào, nhưng theo những công trạng mà Hữu Kim ngô vệ Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão lập được, thì ông lần lượt được thưởng kim phù, vân phù, quy phù rồi đến hổ phù.

Vị danh tướng này được ban hổ phù sau chiến công năm 1302, khi có tên nghịch thần tên Biếm làm loạn, Phạm Ngũ Lão được vua Trần Anh Tông sai đi đánh, giết chết tên Biếm. Lần này cùng với việc được ban hổ phù, vua phong Phạm Ngũ Lão làm chức Điện súy.

Năm 1312, Phạm Ngũ Lão lại theo Trần Anh Tông đi đánh Chiêm Thành. Trận đấy, vua Trần bắt được vua Chiêm là Chế Chí đem về Thăng Long. Đến năm 1318, vua Trần Minh Tông lại sai Huệ Võ Đại vương Trần Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành.

Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến bị tử trận, nhưng Phạm Ngũ Lão quản Thiên Võ quân tung quân đánh phía sau, quân giặc thua chạy, bắt được tù binh rất nhiều. Sau chiến công này, Phạm Ngũ Lão được phong tước quan nội hầu, lại ban cho phi ngư phù (phù hình con cá bay) và cho con làm quan.

Phạm Ngũ Lão qua đời năm 1320, lúc đang giữ chức Điện súy Thượng tướng quân, thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông thương tiếc cho nghỉ chầu tới 5 ngày, là ân điển đặc biệt thời bấy giờ. Triều Trần, Phạm Ngũ Lão là vị tướng được chính sử đánh giá rằng chỉ xếp sau Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người thống lĩnh quân dân ta hai lần đánh tan các cuộc xâm lược lần thứ 2 và 3 của quân Nguyên.

Chính Phạm Ngũ Lão đã so sánh quân đội nhà Trần đương thời khí thế như mãnh hổ qua bài thơ “Thuật hoài” với câu: “Tam Quân tỳ hổ khí thôn ngưu” (Ba quân khí thế mạnh như hổ nuốt trâu).

Trước đó hổ cũng được nhắc đến trong bài “Dụ chư tì tướng hịch văn” (ta hay gọi là “Hịch tướng sĩ”) của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, với điển tích “Lấy thịt mà nuôi hổ đói” chỉ về sự tham lam của quân Nguyên Mông.

Nguyễn Huỳnh Đức, hổ tướng của vua Gia Long. Hình minh họa.

Nguyễn Huỳnh Đức, hổ tướng của vua Gia Long. Hình minh họa.

Với hình dáng thể hiện uy quyền, hổ chính thức đi vào nghệ thuật tạo hình sớm nhất vào thời nhà Trần với những tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến Tông, hổ chạm ở bệ đá tại chùa Quế Dương (Hoài Đức, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) rồi được lưu truyền đến những con hổ đá thời Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa).

Nói về hổ phù, thì khi nghĩa quân Lam Sơn của Bình Định vương Lê Lợi tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Minh gần đến thắng lợi, đang vây chặt quân của Vương Thông trong thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) vào cuối năm 1427, vua Minh sai Thượng thư bộ Công là Hoàng Phúc cùng An Viễn hầu Liễu Thăng dẫn quân sang ứng cứu cho Vương Thông.

Nhưng tại trận Chi Lăng, quân Lam Sơn đã dùng phục binh giết chết Liễu Thăng. Hoàng Phúc, Thôi Tụ dẫn quân về thành Xương Giang, nhưng thành cũng đã bị quân Lam Sơn chiếm đóng. Hoàng Phúc và Thôi Tụ đành cho quân đóng doanh trại ngoài đồng trống. Quân Lam Sơn bao vây tấn công, Hoàng Phúc bị bắt và đầu hàng, Thôi Tụ bị bắt nhưng không chịu hàng nên bị giết.

Để dụ hàng Vương Thông, Bình Định vương sai quân giải Hoàng Phúc về thành Đông Quan, đem theo chiếc song hổ phù của Liễu Thăng và hai chiếc ấn bạc của chức thượng thư để Vương Thông biết quân cứu viện đã bị đánh tan. “Toàn thư” viết: “Bọn Thông cả sợ, liền sai người đem thư đến xin hòa.

Vương ưng thuận, bèn hội thề ở phía Nam thành Đông Quan, hẹn đến tháng Chạp thì Thông rút hết quân về nước. Vương sai chạy thư đi các thành Tây Đô (Thanh Hóa), Cổ Lộng (Nam Định) và Chí Linh (Hải Dương) truyền cho các tướng cởi vòng vây, kéo quân về”.

Như vậy là nhờ một cặp song hổ phù của Liễu Thăng và hai chiếc ấn thượng thư mà nghĩa quân thu được thắng lợi, không phải tốn thêm xương máu vẫn thu hồi được những tòa thành cuối cùng trong cuộc kháng chiến gian khổ kéo dài suốt 10 năm.

Sau thời Lê sơ kéo dài được đúng 100 năm, sang thời các vua Tương Dực, Uy Mục, triều chính suy đồi, quyền hành dần rơi hết vào tay viên tướng Mạc Đăng Dung. Để chuẩn bị cho kế hoạch soán ngôi vua Lê, Mạc Đăng Dung đầu tiên tự xưng là An Hưng vương, tự cho mình được hưởng nghi lễ và đồ dùng “cửu tích”, tức chín thứ đồ dùng của các bậc vương giả.

Chín món trong “cửu tích” gồm có: (1) Xe, ngựa; (2) Áo mặc; (3) Nhạc khí; (4) Cửa son; (5) Nạp bệ (tức được phép xây ngay thềm bậc lên xuống ở trong nền nhà, chứ không phải xây lộ thiên ở ngoài); (6) Hổ bôn (tức các tay dũng sĩ hộ vệ); (7) Cung, tên; (8) Phủ, việt (tức búa rìu và việt – dụng cụ nghi lễ hình búa); (9) Cự sưởng (tức một thứ rượu dùng về việc cúng tế).

Sách “Bạch hổ thông” giải thích chi tiết về ý nghĩa từng thứ trong “cửu tích” rằng: Người bề tôi biết vỗ về cho dân được yên vui thì ban cho xe và ngựa. Làm được cho dân giàu có thì ban cho áo mặc. Làm cho dân được hòa vui, thì ban cho nhạc khí, làm cho số dân tăng nhiều thì ban cho được dùng cửa son.

Biết khuyên nhà vua làm điều thiện thì cho được “nạp bệ”. Biết đẩy lùi được điều ác của nhà vua thì ban cho quân hổ bôn. Giết được kẻ có tội thì ban cho cây phủ việt. Đánh dẹp được kẻ phản nghịch thì ban cho cung và tên. Có lòng hiếu thảo đầy đủ thì ban cho rượu cúng tế.

“Hổ bôn” là đội quân tinh nhuệ, theo truyền thuyết bên Trung Quốc từ thời Chu Vũ Vương phạt Trụ, trong quân của Vũ Vương có lực lượng được gọi là Hổ Bôn gồm các dũng sĩ tinh nhuệ, dũng cảm đã góp phần quan trọng vào việc lật đổ triều Ân Thương, lập ra nhà Chu. Sau này, các triều đại dựa trên điển tích đó mà lập đội quân tinh nhuệ lấy tên là Hổ Bôn.

Cuối thời Hán Hiến đế, Hán Linh đế nhà Đông Hán, Hổ Bôn tướng quân Vương Việt nổi tiếng giỏi kiếm thuật, được xưng là Đế sư. Theo binh chế xưa thì võ quan chỉ huy quân Hổ Bôn gọi là Hổ Bôn trung lang tướng, dân gian là Hổ quan vì đội một loại mũ có hình đầu hổ (mũ Hổ quan).

Cuối thời nhà Lê, tháng 8 năm Bính Tý (1396) Hồ Quý Ly sai tướng Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành, bắt được tướng Chiêm là Bố Đông đem về. Thấy ông là người thao lược nên Hồ Quý Ly mến tài, cho đổi họ tên mới là Kim Trung Liệt, lại cho làm tướng coi quân Hổ Bôn.

Thời nhà Nguyễn, có xưng tụng danh hiệu “ngũ hổ tướng” để nói về năm danh tướng đã theo phò vua Gia Long gây dựng sự nghiệp. Năm vị tướng đó gồm: Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Muối ăn - con dao hai lưỡi?

GD&TĐ - Ăn chay hay ăn mặn, muối đều có trong đó. Tuy cần thiết, nhưng muối ăn vẫn là “con dao 2 lưỡi” vì việc thiếu hoặc thừa đều gây tác hại cho sức khỏe.
Khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

Khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

GD&TĐ - Tối 11/5, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, diễn ra đêm khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 - kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự quyến rũ của phụ nữ được ví như một bông hoa đang nở. (Ảnh: ITN)

5 lý do bạn đẹp hơn bạn nghĩ

GD&TĐ - Bạn sẽ trông xinh đẹp mà không cần trang điểm vì vẻ đẹp là tổng hòa của sức khỏe cảm xúc, tính cách, khiếu hài hước và thái độ đối với người khác.