Ngôi làng 15 năm lại có người đỗ đại khoa

GD&TĐ - Trong vòng 150 năm với các khoa thi từ 1469 - 1619, làng Yên Ninh có tới 10 người đỗ đại khoa. Cứ 15 năm, Yên Ninh lại đón rước một người đỗ tiến sĩ về vinh quy bái tổ - tỉ lệ hiếm thấy thời khoa bảng phong kiến.

 Đền thờ tiến sĩ của làng Yên Ninh.
Đền thờ tiến sĩ của làng Yên Ninh.

Làng Yên Ninh thuộc thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang). Vào thời phong kiến, Bắc Giang ghi nhận có 5 quan Tế tửu, Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám thì riêng làng Yên Ninh đã có 4 vị. Làng có 6 dòng họ Nguyễn, Hoàng, Thân, Ngô, Đỗ, Doãn thì tất thảy đều có người thi đỗ tiến sĩ.

Người mở đầu khoa bảng

Tiến sĩ Sử học Khổng Đức Thiêm tại Hội thảo về truyền thống khoa bảng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội có đánh giá rằng, mặc dù là tỉnh trung du, miền núi, đất rộng người thưa, kinh tế khó khăn, song người Bắc Giang vẫn tạo lập được truyền thống khoa bảng đáng khâm phục khi dự vào những cuộc thi thố nơi cửa Khổng sân Trình.

Yên Ninh là một ngôi làng nhỏ, hiện nay cũng chỉ có khoảng trên 400 hộ gia đình. Thế nhưng, tệ ấp nhỏ bé ấy lại tạo những kỳ tích lạ lùng để ghi tên làng vào lịch sử khoa bảng dân tộc. Chỉ trong vòng 150 năm, làng đã có 10 vị đỗ đại khoa, được ghi danh trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Từ xa xưa, làng Yên Ninh đã có một ngôi đền thờ 10 vị tiến sĩ. Trong đền có bức đại tự “Đức minh phổ chiếu” và câu đối ca ngợi con người nơi đây: “Thân, Ngô, Nguyễn, khởi thủ văn nghiệp/Đỗ, Doãn, Hoàng đồng kế khoa văn”. Nghĩa là: Họ Thân, họ Ngô, họ Nguyễn khởi đầu nghiệp khoa cử/Họ Đỗ, họ Doãn, họ Hoàng kế tiếp đăng khoa.

Người đầu tiên mở ra trang sử vàng khoa bảng của làng Yên Ninh là Thân Nhân Trung. Ngay từ nhỏ, ông đã là người ham học, thuộc làu ngũ kinh, tứ thư của nền Nho học Trung Hoa và lĩnh hội được những tinh hoa trong học thức của các bậc Nho học tiền bối trong nước, đặc biệt là Chu Văn An.

Hơn 50 tuổi, Thân Nhân Trung mới tham gia kỳ thi hội khoa thi năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) và đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông dành nhiều quan tâm tới sự nghiệp giáo dục khoa bảng, đặc biệt là việc phát triển và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ trí thức cho đất nước.

Tư tưởng dùng giáo dục để đào tạo người tài của Thân Nhân Trung được thể hiện sâu sắc trong hai bài ký dựng ở Quốc Tử Giám: “Trời mở cuộc thịnh trị thái bình ức vạn niên cho nước nhà, ắt sinh ra các bậc hiền tài để nước nhà sử dụng.

Bởi vì, nền giáo dục thịnh trị là gốc ở việc có người tài, người hiền tài đông đảo là do giáo dưỡng. Kính nghĩ: Thánh triều ta, đức Thái Tổ Cao Hoàng đế (Lê Lợi), thuở đầu mở cuộc cách tân khai sáng, đã lấy việc xây dựng nhà học, bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ hàng đầu”.

Ba đời đỗ tiến sĩ

Bài vị các tiến sĩ trong đền thờ tại làng Yên Ninh.
Bài vị các tiến sĩ trong đền thờ tại làng Yên Ninh.
Năm 1995, làng Yên Ninh dựng đền thờ các vị tiến sĩ, tổ chức lễ tưởng niệm hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng. Do không có đầy đủ tư liệu về ngày mất của các vị đại khoa nên từ năm 1999, làng Yên Ninh lấy ngày 14/11 (ngày mất của Thân Nhân Trung) là ngày giỗ chung của 10 vị tiến sĩ.

Thân Nhân Trung cũng nổi tiếng trong mọi thời đại với câu nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Thân Nhân Trung cũng là danh sĩ nổi tiếng được vua Lê Thánh Tông đánh giá cao về tài đức và được người đương thời tôn vinh là bậc “Danh nho trùm đời”, làm quan dưới triều đến chức Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Lại bộ thượng thư, Nhập nội phụ chính, là Phó nguyên soái Hội Tao Đàn (vua Lê Thánh Tông là nguyên soái).

Trong gia đình, ngoài Thân Nhân Trung còn có những người con cháu đỗ đại khoa. Thân Nhân Vũ con thứ, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi Tân Sửu (1481); Thân Cảnh Vân là cháu, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, Đệ tam danh (Thám hoa), khoa thi Đinh Mùi (1487).

Như vậy, Thân Cảnh Vân đỗ cao hơn ông nội Thân Nhân Trung và chú ruột Thân Nhân Vũ của mình. Theo bậc vị khoa bảng thời phong kiến đỗ Đệ nhất giáp, hay còn gọi là Tam khôi gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa là cao nhất. Sau đó đến Hoàng giáp tức Đệ nhị tiến sĩ đồng xuất thân và tiếp đến là Đệ tam tiến sĩ đồng xuất thân.

Vào năm 1490, niên hiệu Hồng Đức 21, tại khoa thi Canh Tuất, con trai trưởng của Thân Nhân Trung và là bố của Thân Cảnh Vân tức Thân Nhân Tín cũng đỗ Đệ tam tiến sĩ đồng xuất thân.

Như vậy, 2 cha con họ Thân đã đỗ tiến sĩ chỉ cách nhau đúng 1 khoa giáp (3 năm). Điều thú vị ở đây là người con lại đỗ tiến sĩ trước người cha. Như vậy trong 21 năm (1469 - 1490), dòng họ Thân làng Yên Ninh đã làm nên một kỳ tích khoa bảng xưa nay hiếm - khi cả cha - con, ông - cháu, chú - cháu cùng đỗ tiến sĩ.

Vua Lê Thánh Tông từng có thơ ca ngợi nhà họ Thân: Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển/Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh. Nghĩa là: Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quý hiển/Hai cặp cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh.

Thượng thư 4 bộ

Từ đường Hoàng Công Phụ.
Từ đường Hoàng Công Phụ.

Các tiến sĩ còn lại ở Yên Ninh gồm: Nguyễn Lễ Kính - đỗ Đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475); Ngô Văn Cảnh - đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481); Đỗ Văn Quýnh - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520); Doãn Đại Hiệu - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541); Nguyễn Nghĩa Lập - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1553)…

Nguyễn Nghĩa Lập là người trẻ tuổi nhất Yên Ninh đỗ tiến sĩ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Quý Sửu năm thứ 5 (1553), vua dời hành tại đến xã Yên Trường. Họ Mạc mở khoa thi hội, lấy bọn Nguyễn Lượng Thái, Hoàng Tuân, Trần Vĩnh Tuy, đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Nghĩa Lập 5 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Công Tộc 12 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân…”.

Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập vinh quy bái tổ về làng, được dân làng chào đón long trọng. Quan tân khoa làm lễ bái yết tổ tiên và các bậc tiền bối trong truyền thống khoa bảng của gia tộc và làng Yên Ninh. Sau đó bái biệt gia đình và bà con trong họ ngoài làng lên đường trở lại triều đình lĩnh mệnh, đảm nhận chức phận được giao.

Khi làm quan trong triều Mạc, Nguyễn Nghĩa Lập luôn tỏ rõ lòng nhiệt thành phò vua giúp nước. Ông từng trải chức Thượng thư 4 bộ, được triều đình giao cho trọng trách tham gia phái đoàn đi sứ làm công việc bang giao.

Về việc đi sứ bang giao của Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập được sử sách biên chép: “Tháng 12 ngày mồng 3 năm Mậu Dần (Mạc Sùng Khang năm thứ 13 - 1578), họ Mạc sai bọn Lương Phùng Thời, Nguyễn Nhân An, Nguyễn Tuyên, Nguyễn Khắc Tuy, Trần Đạo Vịnh, Nguyễn Nghĩa Lập, Đỗ Uông, Vũ Cẩn, Nhữ Tông, Vũ Tĩnh sang nước Minh cống hàng năm” đến 3 năm sau phái bộ này mới trở về đến triều đình.

Người khép lại truyền thống khoa bảng của làng Yên Ninh là Hoàng Công Phụ - đỗ tiến sĩ trong khoa thi năm Kỷ Mùi (1619) khi đã 53 tuổi, sau này làm đến chức Binh Bộ Tả thị lang. Tại Yên Ninh vẫn còn tấm bia đá ghi công trạng của Hoàng Công Phụ xây từ năm 1689, ghi rằng: Thuở nhỏ, Hoàng Công Phụ đọc rộng Thi -Thư, lớn lên chuyên tâm văn học...

Từ năm 30 - 37 tuổi liên tiếp đề danh tháp nhạn. Năm 42 tuổi, dự kỳ thi Hội đỗ hạng ưu trúng cách. Năm 53 tuổi, đỗ tiến sĩ xuất thân. Từ đó, ông ra làm quan, ban đầu nhận chức Giám sát ngự sử, sau được thăng đổi chức Lễ khoa cấp sự trung. Năm Ất Sửu (1625) vâng mệnh theo hầu Thánh vương. Năm Kỷ Mùi thứ 20 (1619) khoa thi đình, Hoàng tướng công mới đăng khoa đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân cùng với 6 người khác.

Năm Quý Hợi (1623) vì có công làm việc nghĩa, dẹp giặc cỏ nên Hoàng Công Phụ được triều đình vinh phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Tử. Năm Canh Dần thứ 6 (1642), Hoàng Công Phụ kiêm thêm chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp.

Năm Giáp Thân (1644), Hoàng Công Phụ tạ thế, hưởng thọ 78 tuổi, triều đình cấp cho bản xã Yên Ninh toàn bộ sứ điền, tá điền để hằng năm làm hương lệ cúng tế. Năm Kỷ Sửu (1649), Thái Thượng hoàng lại lên ngôi, gia tặng cho Hoàng Công Phụ chức Công bộ Thượng thư, tước Lộc Quận công, hàm Thiếu bảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...