Chuyện lạ ở trường thi xứ Nghệ: Đại thọ đỗ đại khoa

Chuyện lạ ở trường thi xứ Nghệ: Đại thọ đỗ đại khoa

(GD&TĐ) - Xuất hiện trong Khoa thi Hương trường Nghệ (Nghệ An) năm Canh Tí (1900) có một thí sinh khoảng hơn 80 tuổi râu tóc bạc phơ, hình dáng giống lão tiên dự thi. Hỏi ra mới biết đó là Đoàn Tử Quang, sinh năm 1818 người xã Phụ Công, huyện Hương Sơn (nay là xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).

Thí sinh bất đắc dĩ

Cử nhân Đoàn Tử Quang (1818 – 1928) đỗ đạt và được triều đình nhà Nguyễn phong tặng Thọ quan
Cử nhân Đoàn Tử Quang (1818 – 1928) đỗ đạt và được triều đình nhà Nguyễn phong tặng Thọ quan
 

Đoàn Tử Quang là con thứ hai của ông Đoàn Nhuyện và bà Lê Thị Nậm. Chồng mất khi mới 20 tuổi nhưng bà Nậm nhất quyết không đi bước nữa mà ở nhà thờ chồng và dạy dỗ con trẻ nên được tiếng tốt, được vua ban cho tấm biển “Tiết hạnh khả phong”. Mồ côi cha từ bé nhưng Đoàn Tử Quang đã rất chăm chỉ học tập, được mẹ khuyến khích học hành, theo đuổi khoa cử để lập công danh. Nhờ chăm chỉ lại sáng dạ nên Đoàn Tử Quang học rất giỏi. Vậy nhưng “học tài thi phận”, nhiều lần đi mãi cũng chỉ đỗ hai khóa tú tài: Một khóa ở tuổi 49 và một khóa ở tuổi 66. Việc thi cử ngày xưa cũng quy định quá nhiều khắt khe đến mức phi lý. Chẳng hạn như khi làm bài, bắt buộc thí sinh phải tránh các tên húy của vua, hoàng hậu và cả một số người trong hoàng tộc. Nếu vi phạm phải thì bài dù hay đến mấy cũng bị đánh hỏng, thậm chí còn bị cấm thi suốt đời. Bởi vậy mà người thông minh, tài giỏi có tiếng như Phan Bội Châu còn hỏng 6 khoa thi liền, mãi đến năm 24 tuổi mới đoạt giải nguyên cùng khoa thi Hương với ông Đoàn Tử Quang.

Năm 1900, triều đình lại tổ chức khoa thi, cụ Đoàn Tử Quang không định đi thi vì tuổi đã cao, nhưng do khoa thi ấy làng không có thí sinh nào dự thi. Các vị chức sắc của làng không muốn làng mình bị lép vế với các làng bên cạnh nên cố động viên cụ Đoàn Tử Quang đi thi. Năm ấy cụ mới mất vợ, hai con trai của cụ đều học rất giỏi nhưng không được dự thi vì phải theo luật “đoạn tang”. Biết cụ không muốn đi thi nữa nên các vị chức sắc trong làng phải đến động viên mẹ của cụ Tử Quang để khuyên nhủ con đi thi.

Bà Lê Thị Nậm – mẹ Tử Quang lúc này đã 98 tuổi  khi nghe khuyên nhủ thấy con cháu mình học hành đến nơi đến chốn mà chưa ai đỗ đạt. Dịp này vì việc gia đình, hai đứa cháu lại phải bỏ lỡ một kỳ thi Hương thật là đáng tiếc. Vì thế, bà cụ hết sức động viên con trai mình là ông Đoàn Tử Quang (lúc này đã 82 tuổi), lều chõng đi thi may ra đỗ đạt cho rạng rỡ tổ tông.

Trường thi năm ấy thấy chuyện ông Đoàn ở tuổi đại thọ mà vẫn nuôi chí học hành thi cử, đều cho là chuyện lạ hiếm thấy và tỏ lòng bái phục, song ai cũng ái ngại phân vân. Người thì cho rằng ông Đoàn đã già yếu, nên ưu tiên xếp vào danh sách thứ nhất, gần nơi quan trường ở để dễ bề theo dõi, phòng khi ốm đau mới kịp thời giải quyết; kẻ thì nghi ngại ông trí óc đã già nua, lú lẫn, khó lòng làm nổi bài thi. Vì vậy Quan Chánh chủ khảo kỳ thi là Quốc tử giám Tế Tửu Kiếu Năng Tĩnh hôm ấy tiến sát lại cạnh ông vừa cầm tay ông cùng đi, ngỏ lời động viên khen ngợi, vừa dò la sức lực, khả năng của ông:

- Mắt cụ có mờ không? Dạ, hơi mờ ạ! Ông Đoàn thành thực trả lời.

- Chân cụ có mỏi không? Ông Đoàn tự tin đáp, giọng sang sảng: Dạ, còn có thể đi bộ, chạy, quỳ, đứng lễ bái được ạ!

Tân khoa cử nhân ở tuổi 82

Nhà thờ cụ Đoàn Tử Quang ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)
Nhà thờ cụ Đoàn Tử Quang ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)
 

Qua bốn kì thi, Đoàn Tử Quang đạt được kết quả hai ưu, hai thứ, kém người đỗ thủ khoa là Phan Bội Châu một ưu. Lẽ ra, ông Đoàn được xếp á nguyên (đỗ thứ hai). Song khi xét trong quyển, nơi cộng các chỗ tẩy xóa, theo quy chế, thí sinh phải viết 3 chữ: ""Cộng quyển nội"", rồi mới được kê ra từng lỗi, thì ông Đoàn lại không viết. Đáng lý là phạm trường quy sẽ bị đánh hỏng, nhưng quan Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh cảm phục chí học hành của ông Đoàn hiếm thấy xưa nay trong khoa cử nước ta, nên đã thảo tờ tấu lên trên xin cho ông đỗ, nhưng chỉ xếp thứ 29 trong số 30 người trúng tuyển của khoa thi này.

Ngày xướng danh, khi nghe tiếng loa  gọi đến tên mình, ông Đoàn trả lời một tiếng to rồi đi vào bái lạy nhận mũ áo vua ban một cách nhanh nhẹn hoạt bát chẳng kém gì các đồng khoa cử là bậc tuổi con cháu mình như Dương Hữu Thanh (18 tuổi), Trần Đình Tuấn (20 tuổi).

Các quan đầu tỉnh, chánh phó chủ khảo dự buổi xướng danh, thấy ông Đoàn đi tới, râu tóc bạc phơ, dáng vẻ thoát như là thần tiên giáng thế, đều đứng cả dậy cầm tay nức nở khen ngợi. Suốt ba kì phải bái, lạy để trả ơn vua, nhận mũ áo vua ban và được dự yến tiệc ông đều tỏ ra tráng kiện không có vẻ gì là khó khăn, mệt nhọc do phải đứng lên quỳ xuống nhiều lần. Trong bữa tiệc, khi nghe các quan hỏi han về gia thế, ngợi ca ý chí học hành, ông Đoàn trả lời: “Sở dĩ tôi có được như ngày hôm nay là nhờ công dạy dỗ, khuyên can của mẹ già  tôi cả”.

Chuyện còn ghi, sau khi dự tiệc xong, theo lệ mỗi tân khoa Cử nhân được lấy một phần đem về nhà để bà con thân thích cùng được hưởng lộc vua ban. Ông Đoàn cũng gói phần cho mình; những người cùng dự hôm đó lấy thức ăn bỏ thêm vào phần của ông và nói:

- Cụ thì phải đem về nhiều để đủ chia cho lũ cháu, chắt?

Ông Đoàn trả lời:

- Lộc của vua, tôi xin dâng lên mẹ tôi, để hai năm nữa người tròn trăm tuổi!

Ngoại lệ bổ dụng

Thế là ở tuổi 82, cụ Đoàn Tử Quang đã đỗ đạt, thỏa ước muốn cho dòng họ, làng xã và nhất là đã báo hiếu được mẹ già. Theo quy định của triều đình nhà Nguyễn lúc đó thì các quan lại đến tuổi 65 là cho nghỉ hưu nhưng riêng trường hợp Đoàn Tử Quang đã 82 tuổi nhưng vẫn được đặc cách bổ dụng làm huấn đạo (phụ trách việc giáo dục ở một huyện) ở Hương Sơn.

Sau một thời gian, Đoàn Tử Quang được chuyển về làm huấn đạo ở huyện Can Lộc. Đến năm 85 tuổi, ông Đoàn xin về để nghỉ phụng dưỡng mẹ già khi mẹ đã trên 100 tuổi. Để khuyến khích việc học hành, triều Nguyễn đã đặc cách thăng chức  Hàn lân viện thị tộc – một chức quan cấp Bộ để tỏ lòng ưu ái cho người bền chí học hành cho Đoàn Tử Quang khi ông 106 tuổi mặc dù lúc đó ông đã nghỉ hưu.

Ngoài sự vững chí trong học hành thi cử, Tử Quang còn là một người đại thọ của nước ta. Ông mất năm 1928 hưởng thọ 110 tuổi. Nghị lực học tập suốt đời, không kể tuổi tác của ông Đoàn Tử Quang là tấm gương sáng để con cháu hậu thế noi theo.

Gặp ông Đoàn Tử Hòa là người cháu đang ở trên mảnh đất tổ của họ Đoàn Tử và ông cũng là người kế tiếp trông coi hương khói nhà thờ họ Đoàn Tử bấy lâu nay.

Ông Tử Hòa - Bí thư xã Đức Hòa - cho biết: “Dòng họ Đoàn Tử bây giờ đã có hơn 500 trăm con cháu được chia thành 4 nhánh. Một nhánh ở tại xã Đức Hòa, nhánh thứ hai ở Hà Nội, nhánh thứ ba ở Bình Định, nhánh thứ tư ở Tây Nguyên. Cứ đến ngày lễ tết cháu chắt lại về lễ bái đầy đủ mặc dù phần nhiều đều ở xa. Noi gương cụ tổ, con cháu họ Đoàn học hành tiến bộ, rất nhiều người thành danh và theo nghề dạy học. Tính đến nay có khoảng hơn 200 cháu chắt trong họ Đoàn đỗ đạt, tuy chỉ giữ những chức vụ không cao như ông Đoàn Tử Huyến (hiện đang làm Giám đốc Trung Tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây), ông Đoàn Đình Quỳnh (nguyên trưởng ban khoa giáo tỉnh Nghệ Tĩnh).

Nguyễn Minh Thư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.