Hai vấn đề căn bản và tiên quyết trong đổi mới giáo dục và đào tạo

Hai vấn đề căn bản và tiên quyết trong đổi mới giáo dục và đào tạo

Bên cạnh đổi mới căn bản và toàn diện, phải đổi mới đồng bộ và triệt để theo tinh thần một cuộc cải cách giáo dục vì nếu chỉ đổi mới chắp vá và nửa vời thì sẽ khó lòng tạo được chuyển biến đáng kể cho sự phát triển giáo dục của nước ta trong bối cảnh mới.

Sau 25 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), chúng ta đã đạt được một số thành quả quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, GD&ĐT vẫn còn nhiều yếu kém và bất cập trước yêu cầu mới, cần được tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện và triệt để hơn. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”. Để triển khai chủ trương này, điều quan trọng là cần xác định được những vấn đề nào là căn bản nhất của GD&ĐT nước ta cần được đổi mới, là khâu đột phá để có thể tác động đến sự đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT nước nhà? Về vấn đề này, tác giả có một vài suy nghĩ sau đây:

1. Hệ thống giáo dục quốc dân (HTGGQD) – yếu tố căn bản nhất về giáo dục của mỗi quốc gia

Khi nói đến sự khác biệt về giáo dục của một quốc gia so với các quốc gia khác, cái đầu tiên phải nói đến là HTGDQD của nước đó. HTGDQD bao gồm 2 thành tố đó là: cơ cấu HTGDQD và bộ máy quản lý HTGDQD. Cơ cấu HTGDQD được coi là một trong những yếu tố căn bản nhất về giáo dục của mỗi nước, bởi lẽ cơ cấu HTGDQD quy định các trình độ giáo dục, các loại hình GD&ĐT, mối tương quan giữa chúng được bố trí một cách khoa học, đảm bảo tính hệ thống và tính chỉnh thể để mỗi trình độ giáo dục, mọi loại hình GD&ĐT phối hợp với nhau tạo thành một sức mạnh tổng thể mà bản thân mỗi thành tố của HTGDQD đứng độc lập riêng biệt sẽ không thể có được. Cơ cấu HTGDQD cũng quy định hệ thống văn bằng/chứng chỉ quốc gia, cũng như mối quan hệ giữa giáo dục với xã hội, với thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Do vậy, cơ cấu HTGDQD được coi là gốc rễ, là xương sống giáo dục của mỗi nước. 

Bộ máy Quản lý giáo dục là đầu não của giáo dục, đề xuất các chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý và chỉ đạo việc thực hiện mọi hoạt động giáo dục của mỗi quốc gia, sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của giáo dục cũng là yếu tố rất căn bản về giáo dục của mỗi nước. 

Vậy một câu hỏi đang được đặt ra là vì sao cần đổi mới HTGDQD của nước ta?

Bức tranh tổng quát về HTGDQD nước ta cho thấy, về cơ cấu HTGDQD bao gồm ba hệ thống thành phần là: Giáo dục phổ thông (GDPT), Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục đại học (GDĐH) nhưng do nhiều đầu mối quản lý nên đang có hoạt động hầu như riêng rẽ, thiếu sự phối hợp, do vậy, đang mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu trình độ cũng như vùng, miền. 

- Có 2 loại trường cao đẳng: Cao đẳng nghề và Cao đẳng, 2 loại trường Trung cấp: Trung cấp nghề và Trung cấp chuyên nghiệp, nhưng mục tiêu đào tạo gần như nhau nên đang gây ra sự trùng lặp và làm mất tính chỉnh thể của hệ thống. 

- Chưa quy định cấp học phổ cập bắt buộc (Compulsory Educaition). Cấp học phổ cập bắt buộc là trình độ dân trí tối thiểu của mỗi quốc gia đồng thời thể hiện tính nhân văn và công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục.

- Chưa quy định được hệ thống trình độ quốc gia và chưa tương thích với hệ thống trình độ giáo dục quốc tế ISCED để hội nhập. Cho đến nay, chưa có một văn bản nào quy định HTGDQD của chúng ta có bao nhiêu trình độ và chuẩn đầu ra của mỗi trình độ.

- Chưa được phân luồng hợp lý sau THCS và THPT để phát triển đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. 

Về quản lý: HTDGQD ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương về GD&ĐT là Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH. Ở mỗi địa phương cũng có hai cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương tương ứng là Sở GD&ĐT và Sở LĐTB&XH. Ngoài ra, với chủ trương vừa quản lý theo ngành vừa quản lý theo lãnh thổ, mỗi bộ, ngành trung ương đều quản lý trực tiếp một số cơ sở đào tạo của ngành mình. Như vậy, việc quản lý HTGDQD của chúng ta đang vừa chồng chéo vừa bị chia cắt, phân tán nên quản lý kém hiệu lực và do vậy, khó lòng thực hiện được các chính sách quốc gia thống nhất. 

Quản lý nhà nước về giáo dục bao gồm 12 nội dung đã được quy định trong Luật Giáo dục 2005, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ nêu lên một số nội dung chủ yếu sau đây:

- Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục: Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước về giáo dục là xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển giáo dục. Do quản lý có sự chồng chéo nên hiện nay chúng ta đang có hai quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo. Một quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và TCCN do Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng và chỉ đạo thực hiện, một quy hoạch mạng lưới các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề do Bộ LĐTB&XH tổ chức xây dựng và chỉ đạo thực hiện. Như vậy, trên một địa bàn địa phương có 2 quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo (CSĐT) trình độ trung cấp và cao đẳng khác nhau, chồng chéo và trùng lặp. Cũng chính vì vậy mà cả 2 quy hoạch này đều không thể thực hiện được một cách trọn vẹn trong thời gian qua. 

- Quy định mục tiêu, nội dung chương trình, tiêu chuẩn nhà giáo,… Hiện nay ở nước ta đang có hai bộ chương trình khung được tổ chức biên soạn với 2 phương pháp tiếp cận và cấu trúc khác nhau: một bộ chương trình khung trung cấp nghề và cao đẳng nghề do Bộ LĐTB&XH ban hành được biên soạn với tiếp cận đào tạo theo năng lực thực hiện và cấu trúc hỗn hợp theo môn học và mô đun tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, một bộ do Bộ GD&ĐT ban hành với tiếp cận đào tạo theo niên chế với cấu trúc môn học. Điều này đang gây trở ngại lớn cho việc đào tạo liên thông giữa các trình độ. Về chuẩn nhà giáo, ở nước ta cũng đang có 2 hệ thống chuẩn nhà giáo và 2 bộ chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên khác nhau, trong khi các trường đang đào tạo đa cấp, vừa dạy cao đẳng, vừa dạy TCCN, vừa dạy Trung cấp nghề. Bởi vậy, trên thực tế, các giáo viên không thể được đào tạo hoặc bồi dưỡng cùng một lúc theo 2 chương trình khác nhau được, và các cơ sở đào tạo đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. 

- Tổ chức quản lý việc đảm bảo chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội năm 2004 đã nêu rõ: “Việc quản lý giáo dục truyền thống cần được thay bằng quản lý giáo dục theo chất lượng”. Để thực hiện chủ trương này, chúng ta đang có 2 Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng: Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, thí điểm và ban hành Bộ tiêu chuẩn KĐCL trường đại học với 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí, mỗi tiêu chí được đánh giá với 2 mức độ thấp và cao. Bộ LĐTB&XH cũng đã tổ chức xây dựng và ban hành bộ tiêu chí KĐCL với 9 tiêu chí và đánh giá từng tiêu chí bằng điểm số với tổng số điểm là 500 điểm. Như vậy, trong một HTGDQD, nhưng có 2 Bộ tiêu chí để kiểm định chất lượng nhà trường. Trong khi đó, nhiều trường đang đào tạo đa hệ, gồm cả Dạy nghề, TCCN và Cao đẳng. Điều này đã gây trở ngại lớn cho việc thực hiện kiểm định các cơ sở đào tạo ở nước ta trong thời gian qua, và vì vậy cho đến nay, số trường đã được kiểm định chất lượng là không đáng kể. 

Thực trạng nêu trên đã dẫn đến những kết quả là trong thời gian qua chúng ta chưa thực hiện tốt được các chủ trương quan trọng về đổi mới giáo dục đã được nhà nước đề ra:

- Không thực hiện được phân luồng học sinh sau THCS và THPT để chuẩn bị cho việc phát triển đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; 

- Không thực hiện được liên thông giữa các trình độ đào tạo cũng như giữa các ngành nghề khác nhau để tạo thuận lợi cho người lao động có thể cần gì học nấy, học suốt đời mà không phải học lại những điều đã học;

- Không ban hành được danh mục ngành, nghề đào tạo các trình độ một cách có tính hệ thống để xây dựng hệ thống chuẩn chương trình các trình độ đào tạo;

- Không chuẩn hóa được hệ thống đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng và hội nhập quốc tế;

- Không có được mạng lưới cơ sở đào tạo hợp lý để đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhân lực của cả nước cũng như trong từng địa phương trong từng giai đoạn phát triển;

- Không thực hiện được quản lý chất lượng hệ thống GD&ĐT theo phương thức kiểm định chất lượng.

Trên đây là những thách thức to lớn đối với nền giáo dục của chúng ta trong tiến trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, hoàn thiện cơ cấu HTGDQD và đổi mới bộ máy quản lý HTGDQD nước ta cần được coi là vấn đề bức thiết và căn bản nhất để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT của nước nhà mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. 

ảnh mang tính minh họa
ảnh mang tính minh họa

2. Phát triển đội ngũ nhà giáo – điều kiện tiên quyết để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT

Nhà giáo giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới GD&ĐT vì chính họ là những người thực thi công cuộc đổi mới. Nếu họ không có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ thì vô tình họ sẽ trở thành lực cản cho công cuộc đổi mới. Trong khi đó, phát triển một đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn chất lượng, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu ngành nghề, trình độ cho các cấp bậc học là một việc rất khó khăn và phải thực hiện quyết liệt trong nhiều năm mới có được. Bởi vậy, cải tổ hệ thống sư phạm là một công việc hết sức hệ trọng và cần được coi là điều kiện tiên quyết, là khâu đột phá, cần làm ngay để chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT nước nhà. 

Trong khi đó, thực trạng đội ngũ nhà giáo của chúng ta đang còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng cũng như cơ cấu ngành nghề và trình độ ở mọi cấp bậc học.

Về số lượng: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong 10 năm qua mạng lưới cơ sở đào tạo của tất cả các bậc học đều được tăng nhanh. Số trường dạy nghề năm 1999 đến năm 2010 đã tăng từ 129 lên 426 trường, gấp hơn 3 lần (1). Các trường ĐH và CĐ từ 139 trường lên 376 trường, gấp 2,7 lần. Chỉ có TCCN là tăng không đáng kể, từ 258 lên 282 trường (2). Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh chóng về mạng lưới cơ sở đào tạo này đã tạo nên một sự hẫng hụt lớn về số lượng giáo viên ở mọi trình độ. Về dạy nghề, năm 1999 có 5.849 giáo viên dạy nghề và tỉ lệ GV/HS là 1/28, chỉ mới đạt chuẩn quy định (3). Nhưng đến năm 2010 số lượng giáo viên dạy nghề đã lên đến 33.000, tăng 5,6 lần. Vậy lấy đâu ra giáo viên đạt chuẩn cho 426 trường doanh nghiệp và đến bao giờ mới có thể thực hiện được chuẩn quy định là 1 GV/14-16HS để đảm bảo chất lượng đào tạo?

Về cơ cấu ngành nghề: Năm 2010 danh mục nghề đào tạo đã lên tới 379 nghề ở trình độ cao đẳng, 441 nghề ở trình độ trung cấp (tăng gần 2 lần so với năm 2001) (4). Trong khi đó, cả nước chỉ có 5 trường ĐHSPKT đang đào tạo giáo viên cho khoảng 25 nghề và một số khoa SPKT đang đào tạo giáo viên cho khoảng vài chục nghề. Vậy lấy đâu ra giáo viên cho trên 400 nghề còn lại để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề. 

Về chất lượng: Một trong những vấn đề cần được đổi mới về GD&ĐT là đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học.

Với GDPT, một xu thế quan trọng trên thế giới hiện nay là nội dung chương trình được xây dựng tích hợp liên môn, đồng thời dạy học và đánh giá kết quả học tập theo năng lực. Trong khi đó, các trường Đại học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm ở nước ta cho đến nay đều đang đào tạo giáo viên dạy đơn môn (không tích hợp) với nội dung theo cấu trúc khoa học của từng môn học mà không theo năng lực. Vậy làm sao để sau khi tốt nghiệp họ có thể dạy học tích hợp liên môn theo năng lực với nội dung chương trình đổi mới.

Với dạy nghề, để thực hiện dạy học theo “năng lực thực hiện” (comptetency-based training) tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, giáo viên dạy nghề vừa phải giỏi lý thuyết nghề vừa phải có kỹ năng nghề thành thạo chí ít là hơn học sinh một bậc. Tuy nhiên, với sự phát triển quá nhanh chóng đội ngũ giáo viên dạy nghề (tăng 5,6 lần trong 10 năm) và số nghề đào tạo tăng gần 2 lần như trên, trong khi số nghề đào tạo các trường, khoa sư phạm kỹ thuật lại rất hạn chế; Bởi vậy, trong thời gian qua các trường doanh nghiệp mới được thành lập chủ yếu tuyển giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, các kỹ sư thì không có đủ kỹ năng để dạy thực hành nghề còn cử nhân kỹ thuật thì không đủ kiến thức để dạy lý thuyết nghề. Một mặt khác, cả hai loại giáo viên này đều chưa được trang bị kiến thức cũng nhưng kỹ năng về sư phạm kỹ thuật để có các năng lực cơ bản của nghề dạy học. Vậy làm sao để họ có thể dạy học theo “năng lực thực hiện” tích hợp giữa lý thuyết với thực hành theo các mô đun nghề tích hợp và đến bao giờ thì mới có thể chuẩn hóa được đội ngũ giáo viên dạy nghề theo năng lực?

Với giáo dục đại học, cũng do sự phát triển quá nhanh, các trường đại học trong những năm qua, tình trạng giảng viên hạn chế cũng tương tự. Đặc biệt là trong những năm qua, tỉ lệ GS, PGS, TS trên tổng số giảng viên ở các trường đại học đang bị giảm sút đáng kể. Vậy làm sao để có thể đạt chuẩn 35% giảng viên có trình độ Tiến sĩ vào năm 2020 (3)?

Thực trạng nêu trên đã nói lên một yêu cầu bức xúc là phải nhanh chóng thực hiện một cuộc đổi mới căn bản về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở tất cả các cấp bậc học, từ việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức đào tạo giáo viên, xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra, đổi mới nội dung chương trình đào tạo và phương pháp dạy học ở các trường sư phạm. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống chính sách thỏa đáng để tạo được động lực cho đội ngũ nhà giáo trong việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà. 

Trên đây chưa phải là tất cả những gì cần đổi mới GD&ĐT, tuy nhiên đây là những vấn đề căn bản, gốc rễ nhất, nếu không được đổi mới thì mọi sự đổi mới khác sẽ khó lòng tạo được sự đổi mới căn bản và toàn diện để chấn hưng giáo dục nước nhà. 

Bên cạnh đổi mới căn bản và toàn diện, phải đổi mới đồng bộ và triệt để theo tinh thần một cuộc cải cách giáo dục vì nếu chỉ đổi mới chắp vá và nửa vời thì sẽ khó lòng tạo được chuyển biến đáng kể cho sự phát triển giáo dục của nước ta trong bối cảnh mới. 

GS.TSKH. Nguyễn Minh Đường
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
(Theo TCTG)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.