Hai trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết trong năm 2022

GD&TĐ - Bộ Y tế cho biết từ ngày 18/2 đến 17/3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 21/3, Bộ Y tế có báo cáo số 379/BC-BYT về công tác y tế trong tháng 3/2022 gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, từ ngày 18/2 đến 17/3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương.

Đây cũng là hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm nay. 

Theo Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp mắc, hai trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2021 (15.982/3), số mắc giảm 37,9%.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. 

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type cho nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những type khác nhau.

Để tích cực chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ… để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...