Hải Phòng: Rác phế liệu “bao vây” khu dân cư

GD&TĐ - “Nhiều bãi rác phế liệu xuất hiện trong khu dân cư tại TP Hải Phòng.

Bãi phế liệu của hộ ông Toàn, phường Lãm Hà , quận Kiến An.
Bãi phế liệu của hộ ông Toàn, phường Lãm Hà , quận Kiến An.

Nó cản trở giao thông, mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ”, một số phụ huynh học sinh đã bày tỏ sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng về việc này.

Cấp huyện không đủ điều kiện… kết luận

Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của một số phụ huynh học sinh thôn Kỳ Vân, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Bãi phế liệu của gia đình ông Vũ Văn Nghĩa gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Phần đất gia đình ông Nghĩa sinh sống nhiều năm nay được tận dụng làm bãi chứa rác phế liệu. Từng đống giấy, bìa cát tông lẫn với ni lông, xốp thải chất cao ngất ngưởng. Thậm chí, bãi rác tràn ra ngoài lề đường ảnh hưởng tới giao thông của người dân. Đây là tuyến đường rất nhiều học sinh thường đi qua.

Phản ánh cho rằng, không chỉ tập kết rác phế liệu, hộ ông Nghĩa còn có dấu hiệu chôn rác ở phần đất nông nghiệp liền kề. Rác thải công nghiệp cũng được chuyển ra bãi rác của xã Bắc Hưng để đốt cùng rác thải sinh hoạt.

Trao đổi với Báo GD&TĐ về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng cho hay, sau khi nhận phản ánh về sự việc phòng đã kết hợp với UBND xã Bắc Hưng xuống kiểm tra thực tế.

Quá trình kiểm tra cho thấy hộ ông Nghĩa có giấy phép kinh doanh, trong đó có ngành nghề thu mua phế liệu. Trên phần diện tích 1.000m2 đất ở gia đình ông Nghĩa đang sử dụng có khoảng 200m2 đất trống dùng làm bãi chứa phế liệu. Phế liệu được tập kết chủ yếu là giấy, ni lông, bìa cát tông, xốp…do gia đình ông Nghĩa thu mua về tập kết lại thành từng đống lớn.

Ngoài ra, phần đất nông nghiệp liền kề có diện tích khoảng 300m2 cũng được hộ ông Nghĩa tận dụng chứa phế liệu. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra Phòng Tài nguyên và Môi trường không xác định được khối lượng rác thải tập kết.

Cũng theo ông Đoan, việc nhìn bằng mắt thường không thể khẳng định gia đình ông Nghĩa có chứa rác thải công nghiệp hay không. Để khẳng định được điều này cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, phòng chuyên môn cấp huyện không đủ điều kiện để kiểm tra, kết luận.

Về phản ánh gia đình ông Nghĩa thường đốt rác thải công nghiệp, chôn lấp rác tại phần diện tích đất nông nghiệp, ông Đoan cho rằng chưa có căn cứ khẳng định. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND xã Bắc Hưng kiểm tra, xác định nguồn thu gom phế liệu, chủng loại, mục đích sử dụng các loại phế liệu trên của gia đình ông Nghĩa. Từ đó, đề xuất giải quyết nếu ông Nghĩa có hành vi như phản ánh.

Theo ông Đoàn Quốc Hùng, Chủ tịch xã Bắc Hưng, UBND xã đã làm việc trực tiếp với hộ ông Nghĩa để làm rõ những thông tin phản ánh. Gia đình ông Nghĩa tập kết hàng phế liệu từ năm 2018. Mặt hàng chủ yếu là nhựa, bìa cát tông... được thu gom trong khu dân cư và các xưởng sản xuất bao bì trong toàn thành phố để về phân loại và bán lại cho những nơi có nhu cầu tái chế.

Quá trình kiểm tra, UBND xã Bắc Hưng không thấy có hiện tượng đốt rác thải công nghiệp, không chôn rác tại vị trí đất nông nghiệp. Xã Bắc Hưng yêu cầu gia đình ông Nghĩa bảo đảm vệ sinh môi trường nơi tập kết phế liệu, không chôn lấp rác ảnh hưởng đến nguồn nước xung quanh.

Sống trong nỗi lo cháy nổ

Bãi phế liệu hộ ông Nghĩa, tại xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng.
Bãi phế liệu hộ ông Nghĩa, tại xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng.

Nhiều năm nay, đời sống của người dân Khu 5, phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động tập kết, rửa phế liệu của một số hộ dân quanh khu vực. Phế liệu chủ yếu là những chai nhựa được hộ dân thu mua về, lọc rửa, ép thành từng kiện. Từng đống phế liệu nằm ngay đường đi của khu dân cư gây ô nhiễm, mất mỹ quan.

Bà Nguyễn Thị Quyên, phường Lãm Hà chia sẻ, cuộc sống của người dân Khu 5 bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường từ việc tập kết, bơm rửa phế liệu của một số hộ dân. Đặc biệt, vấn đề bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, nước thải không được kiểm soát. Nước rửa phế liệu thường chỉ chảy qua một hố thu nước do gia đình tự đào sau đó chảy thẳng ra sông Lạch Tray.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường sống mà sự xuất hiện của bãi phế liệu quanh khu dân cư khiến người dân Khu 5, phường Lãm Hà thấy bất an khi nguy cơ cháy nổ thường trực đe dọa.

Ông Bùi Đức Việt, Chủ tịch UBND phường Lãm Hà cho hay, tại Khu 5 có 2 hộ dân làm kinh doanh phế liệu. Cụ thể là hộ bà Phạm Thị Mây và ông Nguyễn Văn Toàn. Đã nhiều lần các cơ quan chức năng đến kiểm tra. Khi thấy 2 hộ dân trên không có phương án bảo vệ môi trường đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Hộ bà Mây bị phạt 5 triệu đồng, hộ ông Toàn bị phạt 3 triệu đồng.

Điều người dân quanh Khu 5 lo ngại về an toàn cháy nổ là chính đáng. Bởi theo ông Việt chính tại khu vực trên một năm trước đã xảy ra vụ cháy khá lớn tại xưởng tái chế nhựa phế liệu của hộ ông Lã Văn Nam. Vụ cháy đã làm sập toàn bộ phần lán cơ sở tái chế nhựa phế liệu, diện tích khoảng 200m2; cháy toàn bộ phế liệu nhựa, thành phẩm hạt nhựa khối lượng khoảng 15 tấn và một số đồ dùng, dụng cụ, máy móc của chủ hộ.

Ngoài ra, đám cháy còn làm sập nhà kho chứa quần áo cũ của hộ bà Nguyễn Thị Nhàn (giáp với lán phế liệu của hộ ông Nam), diện tích khoảng 150m2, cháy một số lượng kiện quần áo cũ và 1 xe ô tô loại 7 chỗ, nhãn hiệu Fotuner. Đồng thời cháy hỏng một số phần lán để nhựa thành phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Toàn.

Trước những phản ánh của người dân trong khu vực, ông Việt ghi nhận và sẽ có báo cáo lên quận Kiến An để đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ