Hải Phòng: Nhà máy Haphofood Hải Phòng sau 2 năm chỉ là bãi đất quây tôn

GD&TĐ - Nhà máy chế biến nông sản Haphofood Hải Phòng tại cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng được khởi công ngày 10/5/2019 với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ.

Nhà máy Haphofood Hải Phòng rộng 15ha để cỏ dại mọc um tùm.
Nhà máy Haphofood Hải Phòng rộng 15ha để cỏ dại mọc um tùm.

Nhưng sau 2 năm động thổ, nhà máy này vẫn chỉ là bãi đất quây tôn.

Nhà máy nghìn tỷ

Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy… là những huyện ngoại thành thuần nông của TP Hải Phòng. Câu chuyện sản xuất nông nghiệp manh mún, tự túc, tự cấp, mất cân đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi khi “được mùa - rớt giá” là đề tài muôn thuở.

Nhiều năm trở lại đây, khi công nghiệp phát triển, một số nhà máy, cụm công nghiệp được đặt tại các huyện thuần nông này. Người dân khấp khởi bỏ ruộng, bán vườn vào công ty làm với mong muốn thu nhập ổn định. Vậy là, hàng nghìn ha đất nông nghiệp bỏ hoang vì người nông dân không còn thiết tha với đồng áng.

Thông tin nhà máy chế biến nông sản hiện đại mang tầm cỡ quốc tế được đặt tại một địa phương thuần nông nghiệp khiến người dân kỳ vọng về tương lai tươi sáng cho đầu ra những sản phẩm nông nghiệp. Lúc đó, lãnh đạo TP Hải Phòng đặt niềm tin lớn lao về sự phát triển của nhà máy giúp ngành nông nghiệp tại địa phương khởi sắc.

Haphofood Hải Phòng rộng 15ha, do Công ty Lavifood sở hữu 100%. Công ty này có địa chỉ tại lô D1a, đường dọc 2, KCN Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Phi Long.

Nhà máy được trang bị các dây chuyền hiện đại với công nghệ hàng đầu thế giới. Nó sơ chế và chế biến trái cây, rau quả đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường tiêu dùng    trong nước.

6 dây chuyền sản xuất hiện đại được chủ đầu tư nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu. Toàn bộ quy trình sản xuất khép kín với những quy định nghiêm ngặt và tự động hóa chiếm 80%.

Các khâu lựa chọn trái cây, cắt gọt vỏ, tạo hình… được vận hành bán tự động và thủ công. Dự kiến nhà máy đưa vào hoạt động trong quý I/2021 với công suất đạt 150.000 tấn nguyên liệu/năm.

Nhà máy sẽ thu mua nguyên liệu chất lượng cao của nông dân trong khu vực để sản xuất các sản phẩm: Nước ép trái cây cô đặc, trái cây đông lạnh, củ quả đông lạnh, xử lý rau tươi (rau ăn lá), trái cây sấy (giòn, dẻo, lạnh), nước trái cây đóng lon, nước trái cây đóng chai.

Sau khi dự án được hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương. Các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão sẽ trở thành vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh rau, củ quả cung ứng cho nhà máy.

Hải Phòng: Nhà máy Haphofood Hải Phòng sau 2 năm chỉ là bãi đất quây tôn ảnh 1

Tránh tình trạng nhận đất… “thả trâu”

Ngày 28/9/2020, UBND huyện Tiên Lãng phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood. Cụ thể: Đất xây dựng công trình đạt tỷ lệ 48,2%; đất cây xanh 23,8%; đất giao thông, sân đường nội bộ 22,2%…

Không gian khu vực lập quy hoạch được tổ chức dạng ô cờ, trên cơ sở mạng đường giao thông cụm công nghiệp, liên khu vực… Tổ chức giao thông nội bộ phù hợp với các hạng mục công trình, ánh sáng, cây xanh, hồ điều hòa…

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “án binh bất động”, nhà máy nghìn tỷ vẫn nằm trên giấy. Khuôn viên 15ha đất được quây tường bao cao kín mít và để cỏ dại mọc um tùm.

Điểm nhấn tại dự án nhà máy chế biến nông sản nghìn tỷ là chiếc cổng tôn màu xanh với chiếc khóa dây cũ kĩ. Xung quanh cổng vào, từng vết chân trâu ứ đọng nước.

Khi biết dự án chậm tiến độ, phía UBND huyện Tiên Lãng đã nhiều lần đề nghị, tham mưu với UBND TP Hải Phòng để có hướng xử lý nhưng chưa có kết quả.

Tháng 5/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng đã có văn bản gửi Công ty TNHH Haphofood. Đề nghị Haphofood tập trung nguồn lực triển khai dự án. Tuân thủ chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định. Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị nhà đầu tư kịp thời báo cáo UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương để được xem xét, giải quyết.

Trong trường hợp dự án bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai; hoặc nhà đầu tư không ký quỹ, không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư, sở sẽ xem xét, chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định của Luật Đầu tư.

Trong khi dự nhà nhà máy chế biến nông sản hiện đại tầm cỡ châu Âu tại huyện Tiên Lãng chưa thành hình hài thì tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo có Dự án tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm cao. Đây là một trong những dự án trọng tâm của Hải Phòng dự kiến khởi công vào cuối năm 2021.

Dự án này do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) là chủ đầu tư. Dự án sử dụng diện tích đất là 8,7ha tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, có công suất 24.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 436,9 tỷ đồng. Dự kiến, quý II/2021 Dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng, quý III/2023 hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình; quý IV/2023 vận hành chính thức.

Dự án có mục tiêu đầu tư là phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản đối với nông sản, thực phẩm tại các xã An Hòa, Thanh Lương, Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, với tổng diện tích vùng sản xuất ban đầu 200ha (phần diện tích này doanh nghiệp thuê của các hộ dân), sau sẽ tăng lên 300 - 500ha.

Việc đầu tư Dự án tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm công nghệ cao tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo sẽ góp phần phát triển ngành nông nghiệp của huyện Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng, nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt và tăng thu nhập của người dân địa phương, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo thông tin từ UBND xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, hiện chính quyền địa phương đã họp dân và thống nhất phương án giải phóng mặt bằng để chờ phía công ty về làm các thủ tục tiếp theo.

Việc TP Hải Phòng kêu gọi đầu tư, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nhà máy chế biến nông sản là cần thiết. Nó góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người dân, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tính toán kỹ tính khả thi của dự án, đôn đốc, sát sao tiến độ dự án với sự cam kết chặt chẽ của chủ đầu tư. Tránh tình trạng nhận đất để… “thả trâu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ