Sáng 20/4, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị về Công tác An ninh, an toàn trường học, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, nhi đồng và phòng chống bạo lực học đường.
Ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở chủ trì hội nghị; cùng dự có ông Phạm Quốc Hiệu- Phó Giám đốc và các lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Sở GD&ĐT; đại điện Công an thành phố, Thành Đoàn Hải Phòng cùng các đơn vị liên quan.
Tại Hội nghị đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT đã báo cáo các kết quả đạt được trong quá trình thực hiện công tác an ninh, an toàn trường học, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, nhi đồng và phòng chống bạo lực học đường.
Bên cạnh vấn đề an ninh, an toàn trường học thì việc giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và phòng chống bạo lực học đường được quan tâm, nhấn mạnh.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hải Phòng, từ năm học 2017-2018 đến ngày 19/4/2022 có 84 vụ bạo lực học đường từ đơn giản đến nghiêm trọng đã xảy ra.
Trên địa bàn các quận, huyện: Đồ Sơn, Hồng Bàng, Dương Kinh, An Dương hay tại Trường THPT Nguyễn Huệ, THPT Cát Bà...đã xảy ra những vụ bạo lực học đường.
Theo quan điểm của Sở GD&ĐT Hải Phòng, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối và có mức độ gia tăng mỗi ngày, hậu quả khó lường.
Để dẫn đến bạo lực học đường, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan, lẫn khách quan. Nhưng cơ bản đó là sự ảnh hưởng của môi trường sống trong thời đại công nghệ, do dịch bệnh; sự giáo dục trong nhà trường còn mang tính hàn lâm, nặng nề kiến thức ít chú trọng rèn kỹ năng, đạo đức; gia đình không quan tâm, chăm sóc con cái chu đáo, lành mạnh; bản thân học sinh đang trong độ tuổi phát triển dễ bị dao động, ảnh hưởng bởi cái xấu, nhạy cảm, áp lực học tập...
Khi xảy ra bạo lực học đường, các nhà trường đã xử lý theo quy trình 5 bước: thu thập thông tin, xác minh thông tin, xử lý thông tin, kết luận, báo cáo.
Để phòng, tránh bạo lực học đường, trong các năm học, các thầy cô giáo, nhà quả lý trong các đơn vị trường học được thường xuyên bồi dưỡng về kinh nghiệm, kĩ năng xử trí với bạo lực học đường nhất là với giáo viên chủ nhiệm.
Các nhà trường thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường như: hộp thư góp ý, đường dây nóng, camera giám sát...; thường xuyên giáo dục học sinh về lối sống lành mạnh, tránh xa bạo lực, tổ chức cam kết với gia đình học sinh trong vấn đề quản lý con em.