Hai nữ sinh xứ sở hoa Chăm Pa yêu tiếng Việt, gửi trọn niềm tin vào giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Yeepoun Sitthivong và Themmy Khounoukeo đến từ xứ sở hoa Chăm Pa (Salavan - Lào) du học tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị để thực hiện ước mơ trở thành dược sĩ. Cả hai có tình yêu đặc biệt với tiếng Việt.

Bà Nguyễn Triều Thương - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị trao giải Nhất cho đội thi đến từ lớp Dược sĩ K6A gồm 3 nữ sinh đứng ở phía tay trái.
Bà Nguyễn Triều Thương - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị trao giải Nhất cho đội thi đến từ lớp Dược sĩ K6A gồm 3 nữ sinh đứng ở phía tay trái.

Nỗ lực vượt qua rào cản ngôn ngữ

Themmy Khounoukeo sinh năm 2001 tại tỉnh Salavan (Lào), trong gia đình có cả ba và mẹ đều là cán bộ nhà nước. Trong đó, mẹ của nữ sinh đã có nhiều năm gắn bó với nghề y, được mọi người dân ở huyện Taoy rất tôn trọng. Từ nhỏ, ước mơ mở một quầy thuốc ở nơi mình sinh sống đã hiện diện trong suy nghĩ Themmy Khounoukeo.

“Khi em chia sẻ ước mơ trở thành dược sĩ, ba mẹ em đều ủng hộ. Chính ba mẹ đã định hướng em qua Quảng Trị học. Từ lâu, ba mẹ em đặt niềm tin vào môi trường giáo dục ở Việt Nam. Vì thế, khi sang Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị học tập, em cũng như các thành viên trong gia đình đều rất yên tâm”, Themmy Khounoukeo bộc bạch.

Còn, nữ sinh Yeepoun Sitthivong sinh năm 1999 cùng ở tỉnh Salavan (Lào), trong một gia đình nông dân có 6 anh chị em. Cả ba và mẹ của Yeepoun Sitthivong đều hay đau ốm, mỗi khi bị ốm, ba mẹ của cô chủ yếu chữa trị bằng những bài thuốc mà người dân trong thôn truyền tai nhau. Có lần nhìn cảnh ba mẹ uống thuốc cả tuần nhưng không khỏi khiến người bạc phếch, hình ảnh ấy làm Yeepoun Sitthivong canh cánh trong lòng nên quyết tâm trở thành thầy thuốc để có thể biết cách trị bệnh cho bậc sinh thành.

“Mấy năm trước, em tình cờ gặp được một người ở trong thôn vừa từ Việt Nam về nước. Qua chuyện trò, em biết ở cách nơi mình sống hơn 300 km, có một ngôi trường tiếp nhận nhiều sinh viên Lào, giúp các bạn trở thành thầy thuốc. Vốn yêu mến đất nước Việt Nam nên em quyết định sang đây theo học”, Yeepoun Sitthivong chia sẻ.

Đồng tâm trạng như bao sinh viên Lào khi đến Việt Nam học tập, Themmy Khounoukeo và Yeepoun Sitthivong đều canh cánh nỗi lo rào cản ngôn ngữ. Cả 2 đều biết rằng, rất khó để đọc thông, viết thạo tiếng Việt – ngôn ngữ thường được hình dung với câu ca “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Bên cạnh đó, còn kể đến là những kiến thức chuyên ngành Y bằng tiếng Việt.

Và rồi nỗi lo này đã được các thầy, cô giáo của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị xóa tan. Thông qua việc xây dựng các lớp phụ đạo tiếng Việt miễn phí cho sinh viên người Lào, rồi tổ chức các hoạt động cộng đồng, các cuộc thi hùng biện... để giúp sinh viên nước bạn nâng cao vốn tiếng Việt. Cùng với đó, còn có sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn ở Quảng Trị nên chỉ sau gần 1 năm học tiếng Việt, Themmy Khounoukeo và Yeepoun Sitthivong đã tự tin bước vào chính khóa và có kết quả học tập tốt. Hiện, cả 2 đang là sinh viên năm 2 thuộc lớp Dược sĩ K6A.

Kể về quá trình “chinh phục” tiếng Việt, cả 2 cô gái Lào cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cách học phát âm tiếng Việt với các thanh dấu nhưng các em đều cố gắng luyện tập, như trò chuyện nhiều hơn với bạn bè người Việt, tham gia các hoạt động, phong trào ở trường, xem các chương trình tiếng Việt trên Internet… Cùng với đó là sự hiếu khách của con người Việt Nam càng bồi đắp tình yêu với tiếng Việt lớn dần trong 2 người.

Yeepoun Sitthivong (áo dài trắng) và Themmy Khounoukeo tham gia tranh tài tại cuộc thi hùng biện tiếng Việt do Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị tổ chức.

Yeepoun Sitthivong (áo dài trắng) và Themmy Khounoukeo tham gia tranh tài tại cuộc thi hùng biện tiếng Việt do Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị tổ chức.

Tự tin tranh tài ở cuộc thi hùng biện tiếng Việt

Vào tháng 6 vừa qua, vượt qua nhiều đội thi, cả 2 cô gái này đã rinh giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Việt với chủ đề: “Việt – Lào, Lào – Việt: Thủy chung, trong sáng, hiếm có” do Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị tổ chức.

Theo Yeepoun Sitthivong và Themmy Khounoukeo cho biết, khi nhận thông tin về hội thi hùng biện tiếng Việt do nhà trường tổ chức, cả 2 đều ngần ngại và đều không có ý định đăng ký tham gia. Bởi 2 sinh viên này hiểu rằng, việc chuẩn bị một bài bùng biện tiếng Việt không hề đơn giản. Cái khó hơn là làm sao có thể tự tin khi đứng trước ban giám khảo và rất đông khán giả. Nhưng rồi, nhờ sự động viên của thầy cô, bạn bè, cả 2 đã thay đổi suy nghĩ. Các em không xem nặng vấn đề thi thố, mà xem đây là cơ hội để thử thách mình và trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, vốn ngôn ngữ.

Themmy Khounoukeo kể: “Em, Yeepoun Sitthivong và bạn Huyền Trang đã phải ngồi lại với nhau để trao đổi, bàn bạc về chủ đề, phân công viết lách, nội dung hùng biện… và tập luyện cách giao lưu, đi đứng. Tất cả khó hơn những gì chúng em tưởng tượng rất nhiều nhưng nó thật sự hữu ích, thú vị. Vì thế, chúng em muốn chinh phục đỉnh cao này”.

Sau 2 tuần chuẩn bị, 3 cô gái đại diện cho lớp Dược sĩ K6A đã bước vào cuộc thi hùng biện tiếng Việt và để lại dấu ấn với người xem ngay từ vòng loại. Khi vào vòng chung khảo, từ nội dung đã chuẩn bị về mối tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt – Lào, Yeepoun Sitthivong và Themmy Khounoukeo còn mạnh dạn chia sẻ cảm nhận, câu chuyện của mình dưới Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.

Rồi kỷ niệm mà 2 nữ sinh được thầy cô, bạn bè tiếp sức bằng những lời động viên, bữa ăn, viên thuốc… khi cả 2 mắc Covid-19. Có lẽ nhờ việc đưa những câu chuyện, chi tiết minh chứng đầy chân thực, cộng với cách trình bày tiếng Việt lưu loát, trôi chảy đã chiếm trọn tình cảm của ban giám khảo cùng khán giả nên đội đã giành giải cao nhất của cuộc thi và được nhiều người biết đến.

“Đó là niềm vui, động lực rất lớn đối với bọn em. Bọn em cũng hứa với nhau rằng, ngoài chăm chỉ học tập để thực hiện ước mơ, cả 2 sẽ cố gắng để giúp các bạn sinh viên đồng hương khác bước qua rào cản ngôn ngữ, góp phần vun đắp, tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt – Lào”, Yeepoun Sitthivong nói.

Theo thầy Trương Đức Tú - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, những năm qua, trường đã đón nhiều sinh viên Lào sang học tập. Với nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn đào tạo nhân lực, trăn trở lớn nhất của các giáo viên trong trường là làm sao giúp sinh viên Lào bước qua rào cản ngôn ngữ. Bởi lẽ, chỉ khi đọc thông, viết thạo tiếng Việt, sinh viên Lào trong trường mới có thể hiểu, nắm chắc kiến thức chuyên ngành.

“Tính đến nay, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đã tiếp nhận 257 sinh viên của 4 tỉnh thuộc nước bạn Lào là Savannakhet, Salavan, Khăm Muộn và Champasac. Trong đó, có 52 sinh viên đã ra trường. Tôi rất mừng khi nhiều em sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ của mình, đơn cử như Yeepoun Sitthivong và Themmy Khounoukeo”, thầy Trương Đức Tú thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ