Hai nữ sinh người Thái say mê môn Sử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, hai nữ sinh người dân tộc Thái, ở xã biên giới Tam Thanh là 2 thí sinh đạt điểm cao nhất Trường THPT Quan Sơn.

Nữ sinh Phạm Thị Lành (thứ 2 từ phải qua) cùng các bạn của mình và cô Lê Thị Luyến - giáo viên dạy Văn, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.
Nữ sinh Phạm Thị Lành (thứ 2 từ phải qua) cùng các bạn của mình và cô Lê Thị Luyến - giáo viên dạy Văn, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Hai nữ sinh đều say mê Lịch sử

Thông tin về hai nữ sinh Phạm Thị Lành và Hà Thu Hằng (người dân tộc Thái), quê ở xã Tam Thanh, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), đều đạt trên 9 điểm môn Lịch sử và trở thành 2 thí sinh đạt số điểm cao nhất trường, khiến nhiều người mến mộ.

Nữ sinh Phạm Thị Lành sinh ra ở bản Na Ấu (Tam Thanh), trong một gia đình có 4 chị, em gái. Bố mẹ của em sống bằng nghề trồng lúa, trồng rừng. Gia đình nữ sinh này nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng từ khi còn nhỏ, Phạm Thị Lành là một học sinh chăm ngoan, biết vâng lời bố mẹ và luôn có ý thức tự học tập.

Những năm học cấp 1, cấp 2, do gia đình đông con, nên cuộc sống của mọi thành viên trong nhà đều vô cùng vất vả, khó khăn. Vì thế, hành trình tìm “con chữ” của em cũng rất gian nan, nhưng chưa bao giờ em từ bỏ quyết tâm đến trường.

Với tinh thần vượt khó trong học tập, Lành được thầy, cô giáo ở Trường THCS Tam Thanh trao tặng một chiếc xe đạp, để em có điều kiện thuận lợi khi đến trường học mỗi ngày.

Nữ sinh Phạm Thị Lành. Ảnh: NVCC.

Nữ sinh Phạm Thị Lành. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về phương pháp học môn Lịch sử, nữ sinh người dân tộc Thái này cho biết, em thường phân bổ thời gian học hợp lý. Ở trên lớp, em tập trung lĩnh hội kiến thức mà cô giáo truyền đạt. Sau giờ học trên lớp, Lành lập thời khóa biểu, thời gian biểu cho mình để tự học, nhưng không thức quá khuya, mà thường dậy sớm để học bài.

Còn nữ sinh Hà Thu Hằng, cũng sinh ra, lớn lên ở xã biên giới Tam Thanh. Gia đình Thu Hằng ở bản Phe (Tam Thanh, Quan Sơn). Thu Hằng là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Bố mẹ em sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Hiện nay, gia đình em đang thuộc diện hộ nghèo ở địa phương.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn vất vả như vậy, nhưng Thu Hằng vẫn quyết tâm theo học. Do trường cách xa nhà, nên em đăng ký ở lại ký túc xá của trường để thuận tiện cho việc học hành.

Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, Thu Hằng cho hay, hằng ngày, em trích một phần quỹ thời gian của mình để xem lại những kiến thức mà thầy, cô truyền đạt trên lớp.

“Em chỉ tiếp thu hiệu quả nhất trên lớp thôi. Còn khi về ký túc xá hoặc ở nhà, em chủ động xây dựng thời khóa biểu và phân chia thời gian biểu để học đều các môn. Riêng môn Lịch sử, vì em đam mê, nên cũng dành thời gian nhiều hơn một chút để ôn bài”, Thu Hằng tâm sự.

Ước mơ trở thành giáo viên dạy Lịch sử

Nữ sinh Phạm Thị Lành cho rằng, Lịch sử là môn học rất thú vị đối với em. Bởi, khi theo học môn này, em đã được thầy, cô giáo tận tình truyền tải kiến thức và khơi dậy tình yêu lịch sử cho mình. Vì thế, em càng học càng thấy đam mê môn học này.

Năm học lớp 8, Phạm Thị Lành được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi (HSG) cấp huyện và xuất sắc đoạt giải Ba môn Lịch sử.

Khi trúng tuyển vào Trường THPT Quan Sơn, Phạm Thị Lành liên tục được xếp vào đội tuyển thi HSG cấp tỉnh. Năm học 2021-2022, Lành xuất sắc đoạt giải Khuyến khích môn Lịch sử, kỳ thi HSG cấp tỉnh. Và, năm học 2022-2023, Phạm Thị Lành cũng là học sinh duy nhất của ngôi trường vùng cao, giành giải Khuyến khích cấp tỉnh, môn Lịch sử.

Chia sẻ về hoài bão của mình, nữ sinh người dân tộc Thái cho biết, “Với số điểm đã đạt được trong kỳ thi vừa rồi, em dự định sẽ xét tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Hồng Đức. Vì đây cũng là ngành học mà em yêu thích”, Lành bộc bạch.

Nữ sinh Phạm Thu Hằng (phải) và cô Hà Thị Yến- giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: NVCC.

Nữ sinh Phạm Thu Hằng (phải) và cô Hà Thị Yến- giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: NVCC.

Còn nữ sinh Hà Thu Hằng chia sẻ: “Dự định của em sẽ đăng ký vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để sau này theo nghề giáo và dạy môn Lịch sử. Tuy nhiên, phía trước của em là cả một vấn đề khiến em khá lo lắng về kinh phí ăn học trong những năm ở Hà Nội. Bởi, hoàn cảnh gia đình em đang rất khó khăn, mà bố mẹ lại còn phải lo cho hai đứa em ăn học nữa”, Thu Hằng tâm sự.

Không chỉ học giỏi môn Lịch sử, mà 2 nữ sinh người dân tộc Thái ở ngôi trường vùng biên giới này còn học rất tốt và đều ở các môn. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nữ sinh Phạm Thị Lành đạt được tổng 26,5 điểm. Trong đó, Văn 8.5 điểm; Sử 9.75 điểm; Địa lý 8.25 điểm. Còn nữ sinh Hà Thu Hằng có số điểm khối C, với tổng điểm đạt 26,75 điểm, trong đó, Văn 8.75; Sử 9.25; Địa 8.75.

Nhận xét về hai học sinh của mình, cô giáo Lê Thị Luyến – Tổ trưởng bộ môn Văn, Trường THPT Quan Sơn (cũng là giáo viên dạy Văn của 2 nữ sinh) cho rằng; Hà Thu Hằng và Phạm Thị Lành đều là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng tinh thần, thái độ học tập rất nghiêm túc. Ước mong của các em là đỗ đại học, nên trong những năm học tập ở trường, cả 2 em đều rất chăm chỉ và đầy quyết tâm.

“Hai học sinh Phạm Thị Lành, Hà Thu Hằng đều rất chăm ngoan, lễ độ với thầy cô và tinh thần tương trợ, giúp đỡ bạn bè rất tốt. Tinh thần học hỏi của các em rất cao. Gặp những vấn đề gì không biết, các em là hỏi thầy, cô chứ không giấu dốt. Các em cũng được thầy, cô giáo và bạn bè rất quý mến”, cô Luyến chia sẻ.

Nói về học trò của mình, cô Phạm Thị Hằng (giảng dạy môn Lịch sử, Trường THPT Quan Sơn), cho biết: Hai em Phạm Thị Lành, Hà Thu Hằng là hai học sinh chăm ngoan, có ý thức học tập tốt, hăng say trong học tập. Bạn Lành là học sinh trong hai năm liền đạt HSG cấp tỉnh môn Lịch sử.

“Đã rất lâu rồi, tôi mới được làm việc với một học sinh có niềm hăng say với môn Sử như vậy. Đó cũng là động lực để tôi dồn hết tâm sức cho Lành. Tuy nhiên gia đình Lành rất khó khăn, nên ước mơ đi học đại học rất khó. Còn bạn Hằng, với mơ ước trở thành cô giáo, nên Hằng cũng rất quyết tâm trong quá trình học tập.

Để đạt được kết quả trong kỳ thi vừa rồi, hai bạn luôn tìm tòi học hỏi, luôn trao đổi với cô giáo những vấn đề khó và rất chăm luyện đề. Hai em cũng là học sinh dân tộc thiểu số duy nhất của nhà trường đạt thành tích cao nhất tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua”, cô Phạm Thị Hằng, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.