Hai nhà máy thép lớn nhất Đà Nẵng: Sai cả quy hoạch lẫn quản lý môi trường

GD&TĐ - Thanh tra TP Đà Nẵng đã chỉ ra nhiều sai phạm của cả chính quyền lẫn doanh nghiệp tại 2 dự án nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tại cụm công nghiệp Thanh Vinh (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) từ quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư... Phía các công ty còn các tồn tại, vi phạm như quản lý chất thải nguy hại, hệ thống xử lý khí thải lò luyện… hoạt động thiếu hiệu quả.

Việc đi hay ở của hai nhà máy thép vẫn chưa được quyết định
Việc đi hay ở của hai nhà máy thép vẫn chưa được quyết định

Nhà máy thép nằm trong khu công nghiệp nhẹ

Theo kết luận của Thanh tra TP Đà Nẵng (công bố hôm 7/10), cụm công nghiệp Thanh Vinh được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết trong đó phân lô nhằm bố trí cho các dự án ngành công nghiệp nhẹ, ít gây ô nhiễm, không có loại hình sản xuất thép, luyện kim. Tuy nhiên, năm 2008 - 2009, UBND TP Đà Nẵng vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án nhà máy thép Dana ÝDana Úc hoạt động tại cụm công nghiệp này.

Mặt khác, việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp của UBND TP Đà Nẵng vào năm 2004, 2006 không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu về môi trường từ cơ sở sản xuất đến khu dân cư là 50m. Khoảng cách từ hai nhà máy đến khu dân cư cũng không đúng quy định. Trong quá trình hoạt động, do người dân có ý kiến về ô nhiễm từ 2 nhà máy này, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo 2 công ty trồng cây xanh, tạo khoảng cách không gian cách ly giữa cụm công nghiệp với khu dân cư.

Thanh tra TP Đà Nẵng xác định, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào 2008 cho hai nhà máy trên là không phù hợp; Đồng thời, việc cấp các giấy chứng nhận đầu tư không đúng với chủ trương của UBND TP Đà Nẵng về việc không cho đầu tư lắp đặt lò luyện thép trong các khu công nghiệp, không đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu đối với khu dân cư (quy định là 500m).

Mặc dù năm 2007, Sở Tài nguyên – Môi trường đã có tờ trình việc đầu tư nhà máy thép vào cụm Công nghiệp là không phù hợp với quy hoạch nhưng sau khi TP đồng ý phê duyệt dự án hai nhà máy trên thì Sở lại thẩm định, trình phê duyệt đánh giá tác động môi trường.

Dân bao vây để phản đối hoạt động của hai nhà máy thép gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất
Dân bao vây để phản đối hoạt động của hai nhà máy thép gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất

Công suất vượt nhiều lần

Kết luận cũng nêu những tồn tại, vi phạm của hai Công ty Dana Ý và Dana Úc trong quá trình hoạt động, sản xuất.

Theo đó, Công ty Dana Ý đã thay đổi một số hệ thống lò luyện không đúng với đăng ký. Công ty sản xuất với công suất vượt quy định hàng chục nghìn tấn thép mỗi năm. Từ năm 2008 - 2015, nhà máy lắp đặt đưa vào hoạt động sản xuất một số máy móc, thiết bị làm thay đổi quy mô, công suất lò nấu luyện nhưng không lập đánh giá tác động môi trường bổ sung; không thực hiện quản lý chất thải nguy hại; không hợp đồng với công ty môi trường vận chuyển, xử lý xỉ lò luyện…

Đối với nhà máy thép Dana – Úc, Thanh tra TP Đà Nẵng cũng chỉ rõ, việc thành lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy thép Xuân Hưng (sau này là Công ty CP thép Thái Bình Dương, đổi tên thành Công ty CP Dana Úc) là không phù hợp. Từ năm 2009 đến nay, mặc dù công suất không phù hợp nhưng công ty vẫn hoạt động sản xuất. Từ năm 2012 đến nay, nhà máy thép Dana Úc vận hành số lò luyện trung tần nhiều hơn đánh giá tác động môi trường nhưng không báo cáo UBND TP Đà Nẵng.

Quy trách nhiệm cho lãnh đạo Đà Nẵng

Thanh tra Đà Nẵng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng rút kinh nghiệm vì thiếu sót trong việc lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp; Văn phòng UBND TP kiểm điểm, rút kinh nghiệm khi tham mưu đồng ý chủ trương thực hiện dự án nhà máy sản xuất thép tại cụm công nghiệp là không đúng các quy định.

Về trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP giai đoạn 2007 – 2014 trong phê duyệt đánh giá tác động môi trường, do đang nằm trong diện điều tra của Bộ Công an nên Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP báo cáo thường trực Thành ủy để có ý kiến chỉ đạo.

Thanh tra TP Đà Nẵng đã kiến nghị các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng rà soát lại quy hoạch, tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng để có kế hoạch xử lý. Ngoài ra, Thanh tra cũng đề nghị các đơn vị trên cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các thiếu sót dẫn đến sai phạm.

Bên cạnh đó, Thanh tra TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP yêu cầu lãnh đạo của 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục đối với các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động và bảo vệ môi trường.

Trước tình trạng hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc liên tục bị người dân thôn Vân Dương bao vây do ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất vì quá ô nhiễm, ngày 29/12/2016 UBND TP Đà Nẵng có thông báo về chủ trương sẽ giải tỏa, di dời các hộ dân để nhà máy tiếp tục hoạt động trong thời gian khấu hao tài sản. Sau đó, ngày 2/3/2018, UBND TP có công văn thông báo chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy thống nhất không để cho hai nhà nhà máy này tiếp tục hoạt động và thu hồi, hủy bỏ những chủ trương có liên qua do TP ban hành trước đây. Chỉ vài ngày sau đó, UBND TP Đà Nẵng lại có quyết định cho 2 nhà máy này tiếp tục hoạt động thêm 6 tháng để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, Công văn số 5402 UBND TP ban hành ngày 13/7 lại xác nhận không giới hạn hoạt động của 2 công ty trong thời gian 6 tháng. Dư luận cho rằng, chủ trương không thống nhất và đột ngột của Đà Nẵng đã đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, không chỉ có nguy cơ phá sản mà gần 1.500 lao động có thể mất việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ