Chủ đầu tư dự án Champarama Resort & Spa: “Chúng tôi không lấn biển Nha Trang”

GD&TĐ - “Chúng tôi khẳng định công ty không vi phạm gì, không hề lấn dù chỉ 1m biển Nha Trang. Ranh giới dự án được cấp được quán triệt rất kỹ lưỡng, đề nghị UBND tỉnh ra thanh tra đo vẽ lại dự án, đồng thời họp báo công bố kết quả thanh tra”, ông Nguyễn Đức Chi - chủ đầu tư dự án Champarama Resort & Spa đề nghị.

Chủ đầu tư dự án Champarama Resort & Spa: “Chúng tôi không lấn biển Nha Trang”

Thông tin phản ánh gần đây cho rằng, tại địa điểm dự án Champarama Resort & Spa của CTCP khu du lịch Champarama do ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch HĐQT có xảy ra hiện tượng nhiều xe cơ giới đổ đất đá xuống vùng biển Bãi Tiên – nằm trong danh thắng quốc gia Vịnh Nha Trang để lấp biển.

Theo đó, việc đổ đất đá này đã diễn ra một thời gian dài nên hiện trường lấn biển đã tạo nên một khoảng đất dài hàng trăm mét, rộng khoảng 70 - 100m chạy dọc bờ biển Bãi Tiên. Ngoài ra, những rặng san hô nguyên thủy dọc bãi biển này cũng bị chủ đầu tư cho đào múc lên, xếp thành từng đống chờ tái sử dụng...

Dự án năm 2003
 Dự án năm 2003
Dự án năm 2017
 Dự án năm 2017

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, trong giấy chứng nhận đầu tư ngày 6/1/2016, dự án Champarama Resort & Spa được thực hiện trên diện tích 44ha. Trong đó, gồm 30ha của khu B nằm ở phía Đông đường Phạm Văn Đồng, tức giáp biển; còn lại là khu C. Quyết định ngày 5/7/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt báo cáo tác động môi trường của dự án Champarama Resort & Spa cũng nêu rõ chỉ trên 44ha đất liền, không bao gồm diện tích mặt nước biển liền kề.

Trước câu hỏi những thông tin phản ánh trên có đúng bản chất sự việc và dự án Champarama Resort & Spa có đang vi phạm xây dựng khi tiến hành san lấp biển, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Công ty cổ phần khu du lịch Champarama khẳng định thông tin phản ánh là không đúng và Công ty Champarama không vi phạm.

Theo ông Chi, trước đây, bờ biển Bãi Tiên có diện tích khoảng 6ha, tiếp theo đó là thềm lục địa có đá san hô chết rất nông, lúc thủy triều lên thì không lộ rõ, nhưng khi thủy triều rút xuống thì lộ ra một bãi san hô chết rất rộng, đầy mùi hôi thối và bẩn, thuyền bè không tiếp cận được. 

"Vì là bãi san hô chết cho nên người ta thậm chí đi bộ lên đó không được vì xước chân. Thời điểm đó tôi là chủ Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT), chủ đầu tư dự án Rusalka, có đưa ra đề xuất lấn biển trên diện tích khoảng 7ha, giấy phép đầu tư của Rusalka cũng có ghi là lấn biển trên diện tích khoảng 7ha.

Trước khi triển khai lấn biển, chúng tôi đã rà soát tình trạng san hô chết đóng thành tảng lớn, nên múc lên và xếp vào đó, đá san hô đó sau này được cưa ra từng tấm nhỏ để làm đá ốp vào tường tạo cảnh quan ở khu vực trồng dừa tại bãi tắm. Đá san hô được múc lên là từ những năm 2001 – 2003, thời gian vừa lấn biển vừa cải tạo bãi san hô thành bãi tắm. Có một đoạn chúng tôi dùng làm bãi tắm công cộng, là đoạn ngay lối vào dự án thì san hô đã được múc lên từ đó trước khi đổ cát vào.

Còn lại những chỗ san lấp biển khác, chúng tôi múc san hô chết đó lên rồi mới lấp cát và lấp đất lên để lấn biển khoảng 7ha. Trên thực tế, hồi đó kết quả lấn biển chính xác là 9,3ha, lấn biển vượt hơn 2ha. Khi thanh tra Sở TN-MT tiến hành thanh tra đã xử phạt hành chính công ty RIT về việc là lấn biển không xin phép. Công ty sau đó đã nộp phạt hành chính và nộp hồ sơ xin mở rộng ranh giới lấn biển từ 7ha lên khoảng 9,3 ha”, ông Chi cho biết.

Cũng theo ông Chi, đến năm 2005, dự án bị thu hồi giấy phép đầu tư. Năm 2010, tòa án tối cao ra quyết định gỡ bỏ kê biên và trả lại tài sản cho ông. Vào năm 2013, Thủ tướng có ra văn bản chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn chủ đầu tư thành lập pháp nhân mới triển khai dự án như dự án mới, lúc đó CTCP thương mại và du lịch Trọng Điểm (Công ty Focus Travel, sau đổi tên thành CTCP khu du lịch Champarama) được thành lập và xin cấp phép đầu tư mới. Ranh giới cấp phép đầu tư mới là ranh giới đất hiện hữu đã hình thành.

“Như vậy, đất lấn biển đã hình thành là 6ha nguyên thủy cộng với hơn 9ha là hơn 15ha trên giấy phép đầu tư mới. Nhưng phần lấn biển dôi ra hơn 2ha là những đảo nhân tạo, cao độ thấp, chỉ trên mức thủy triều một chút, thậm chí có lúc thủy triều lên lấp đi khoảng một nửa. Diện tích đó được xem là đất liền hiện hữu và đã được cấp phép. Sau này trong thiết kế, quy hoạch mặt bằng và giấy phép xây dựng công ty không xin lấn biển cũng không xin thêm mặt nước mà là xin xây dựng trên diện tích được phép bao gồm đất nguyên thủy và đất lấn biển của dự án đất Rusalka trước đó”, ông Chi cho biết.

Chủ đầu tư dự án Champarama Resort & Spa: “Chúng tôi không lấn biển Nha Trang” ảnh 4

Chủ tịch HĐQT Champarama cho biết thêm, thời gian vừa qua, công ty này đã tiến hành thi công sửa chữa các dãy nhà kiến trúc cũ, song song nâng cao cao độ nền của đất hiện tại trong ranh giới được cấp phép. Khi nâng cao độ nền từ 2,5 – 3m lên cao độ thiết kế là 5m – 5,5m thì hình thành đất mới cùng gia cố bờ kè mới bởi nâng cao đến đâu thì phải gia cố bờ kè đến đó, nên đập vào mắt tạo cảm quan giống như bán đảo mới được hình thành.

“Chúng tôi khẳng định công ty không vi phạm. Ranh giới dự án được cấp được quán triệt rất kỹ lưỡng, đề nghị UBND tỉnh ra thanh tra đo vẽ lại dự án, đồng thời họp báo công bố kết quả thanh tra”, ông Chi đề nghị.

Ông Kiều Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Champarama, cho rằng việc đổ đất đã diễn ra trước đây nhưng sóng cuốn đi hết nên giờ đổ lại khoảng 800 m2 thôi. “Chúng tôi không làm sai quy hoạch, không làm sai bất cứ điều gì cả", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thông tin mới về vụ việc là Sở TN-MT đã làm việc với BQL dự án, công tác thanh tra đang được triển khai. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết đã giao cho các phòng - ban chuyên trách kiểm tra dự án, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý ngay theo quy định.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ