Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG
Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Đối với giáo viên tiểu học, AI không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng hành chính, mà còn cá nhân hóa phương pháp giảng dạy, đồng thời cải thiện hiệu quả giảng dạy. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra một số thách thức, trong đó có việc giáo viên có thể phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ này, làm giảm khả năng sáng tạo và độc lập trong giảng dạy.

Lợi ích của AI

Cá nhân hóa quá trình học tập: AI giúp giáo viên theo dõi và đánh giá tiến độ học tập của từng học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp với năng lực và nhu cầu của từng em.

Tiết kiệm thời gian: Các công cụ AI giúp giáo viên tự động hóa nhiều công việc hành chính, chẳng hạn như chấm điểm, lập kế hoạch bài giảng, và quản lý lớp học. Nhờ vậy, giáo viên có thể tập trung nhiều hơn vào việc tương tác trực tiếp với học sinh.

Tăng cường hiệu quả giảng dạy: Các nền tảng AI như Leonardo.ai, Lumalabs.ai; Pika.art, và Runwaymi.com… hỗ trợ giáo viên tạo các bài giảng sinh động, tương tác với học sinh thông qua video, câu hỏi và trò chơi. Điều này làm cho quá trình học tập trở nên thú vị và thu hút hơn.

Các công cụ AI dễ thực hiện và có tính ứng dụng cao

1. Sử dụng ChatGPT để lập kế hoạch bài dạy

ChatGPT giúp giáo viên tiết kiệm thời gian trong việc lên kế hoạch bài giảng bằng cách cung cấp các gợi ý nội dung, hoạt động học tập và cấu trúc bài giảng, với các bước sau:

Bước 1: Đăng nhập vào ChatGPT và nhập yêu cầu cụ thể về bài giảng. Ví dụ: “Soạn giáo án dạy toán lớp 4 về phép nhân”.

Bước 2: ChatGPT sẽ đưa ra cấu trúc cơ bản của bài giảng, bao gồm mục tiêu, phương pháp dạy, hoạt động tương tác với học sinh.

Bước 3: Bạn có thể yêu cầu ChatGPT gợi ý các hoạt động học tập sáng tạo như trò chơi toán học hoặc câu hỏi thảo luận.

Bước 4: Sau khi có bản nháp từ ChatGPT, giáo viên có thể điều chỉnh nội dung theo ý muốn, bổ sung những yếu tố phù hợp với lớp học của mình.

Ví dụ: “ChatGPT, hãy soạn giáo án cho bài học Toán về phân số lớp 4, với mục tiêu học sinh hiểu khái niệm phân số và có thể làm các phép tính cộng trừ phân số đơn giản”.

2. Sử dụng ChatGPT để tạo câu hỏi kiểm tra, đánh giá

Chuẩn bị tài liệu cần tạo bài kiểm tra môn học đó: Kiến thức phạm vi môn học muốn kiểm tra (nên chuẩn bị ra word hoặc chụp ảnh kiến thức đó nếu ít). Để đưa vào yêu cầu AI tạo một cách chuẩn nhất.

- Prompt Mẫu: “Xin chào ChatGPT, tôi muốn tạo một bài kiểm tra cho môn Toán dành cho học sinh lớp 3. Mục tiêu của bài kiểm tra là đánh giá kiến thức của học sinh về bảng nhân, bảng chia, nhân chia các số trong phạm vi 1000”.

- Yêu cầu:

+ Cấu trúc bài kiểm tra:

Số câu hỏi: 20 câu

Loại câu hỏi: 15 câu trắc nghiệm, 3 câu tự luận, 2 câu điền vào chỗ trống.

+ Thời gian làm bài: 45 phút

+ Phân loại câu hỏi theo độ khó:

40% câu hỏi ở mức độ nhận biết

30% câu hỏi ở mức độ thông hiểu

20% câu hỏi ở mức độ vận dụng

10% câu hỏi ở mức độ vận dụng cao

+ Nội dung kiểm tra:

Các câu hỏi cần bao quát các chủ đề sau: Bảng nhân, bảng chia, nhân chia các số trong phạm vi 1000.

+ Yêu cầu về ngôn ngữ:

Câu hỏi cần rõ ràng, chính xác, và không gây hiểu nhầm.

Ngôn ngữ sử dụng trong câu hỏi phù hợp với trình độ học sinh lớp 3.

+ Phản hồi và hướng dẫn:

Cung cấp phản hồi ngay sau khi học sinh trả lời từng câu hỏi trắc nghiệm, giải thích đáp án đúng và sai, và đưa ra gợi ý cải thiện nếu cần.

+ Chấm điểm tự động:

Tạo hệ thống chấm điểm tự động cho các câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống.

Đưa ra điểm số tổng kết và phản hồi cuối cùng sau khi học sinh hoàn thành bài kiểm tra.

+ Lưu ý về bảo mật: Đảm bảo bài kiểm tra không chứa câu hỏi thiên vị hoặc không phù hợp, và có tính công bằng cao.

hai-mat-cua-tri-tue-nhan-tao-7.png
Video được chuyển từ hình ảnh sách giáo khoa. Ảnh minh họa: TG

3. Tạo một bức ảnh hoặc bức tranh để làm phương tiện theo nội dung bài học

Sử dụng AI tạo hình ảnh minh họa sinh động giúp học sinh tiếp cận kiến thức trực quan và dễ hiểu hơn theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị công cụ Leonardo.ai để tạo hình ảnh.

Bước 2: Sử dụng công thức Prompt AI để tạo ra các hình ảnh minh họa cụ thể cho bài học.

Chủ đề chính: Mô tả đối tượng chính của hình ảnh, ví dụ: “Một thanh niên người dân tộc H’mông đang cày ruộng”.

Bối cảnh: Mô tả môi trường hoặc bối cảnh của hình ảnh, ví dụ: “đứng trên ruộng, khu vực miền núi”.

Chi tiết phụ: Thêm các yếu tố khác như “có trâu, có cây cối, cỏ”.

Phong cách nghệ thuật: Phong cách nông thôn bình dị với tông màu ấm áp.

Góc nhìn hoặc bố cục: Góc nhìn ngang, trung tâm là nhân vật.

Màu sắc và ánh sáng: Tông màu chủ đạo là nâu đất, hài hòa với môi trường thiên nhiên.

Bước 3: Sau khi tạo xong hình ảnh, có thể chèn vào tài liệu giảng dạy hoặc video.

Bước 4: Xuất hình ảnh hoặc video hoàn thiện để sử dụng trong bài giảng PowerPoint hoặc chia sẻ trực tuyến với học sinh.

Ví dụ: Hình ảnh về một thanh niên khỏe mạnh, người dân tộc H’mông đang cày ruộng trên khu vực miền núi, có trâu và cây cỏ xung quanh, phối hợp hài hòa màu nâu đất. Dưới đây là 4 phiên bản AI tạo ra khi nhập câu lệnh vẽ tranh minh họa về Hạng A Cháng (Chàng thanh niên dân tộc Mông sống ở Miền núi phía Bắc), khi dạy bài Tả người – Tiếng Việt 5, bộ sách Cánh Diều. Giáo viên có thể chọn một phiên bản thích hợp làm hình minh họa cho bài dạy.

4. Xây dựng tài liệu đa phương tiện và biên tập video giảng dạy

Việc tạo video học liệu trực quan giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động, dễ hiểu hơn, theo các bước sau.

Bước 1: Sử dụng công cụ như Lumalabs.ai để tạo video 3D, mô phỏng các hiện tượng khoa học, lịch sử.

Bước 2: Biên tập video bằng Runwayml.com: Thêm hiệu ứng chuyển động, âm thanh, giọng nói để video trở nên hấp dẫn hơn.

Bước 3: Chèn minh họa từ Pika.art để bổ sung hình ảnh, biểu đồ sinh động cho bài giảng.

Bước 4: Xuất video hoàn thiện và sử dụng trong bài giảng PowerPoint hoặc chia sẻ trực tuyến cho học sinh xem trước khi đến lớp.

Ví dụ: Sử dụng Lumalabs.ai để mô phỏng hệ mặt trời, giúp học sinh hiểu cách các hành tinh di chuyển quanh mặt trời.

hai-mat-cua-tri-tue-nhan-tao-1.jpg
Cô Dương Thị Soa và học trò Trường TH Tùng Ảnh.

5. Sáng tác nhạc bằng ChatGPT

Sử dụng AI để sáng tác nhạc giúp giáo viên tạo ra những bài hát học tập thú vị, giúp học sinh dễ dàng nhớ bài và tạo không khí học tập sáng tạo, theo các bước sau:

Bước 1: Yêu cầu ChatGPT sáng tác bài hát theo chủ đề bạn muốn. Ví dụ, “Hãy sáng tác một bài hát thiếu nhi về bảo vệ môi trường với giai điệu vui tươi.”

Bước 2: Sau khi nhận được lời bài hát từ ChatGPT, bạn có thể điều chỉnh lời hát sao cho phù hợp với học sinh tiểu học.

Bước 3: Sử dụng một công cụ chuyển văn bản thành giọng hát, như Suno.com, để thể hiện bài hát hoặc bạn có thể tự thu âm bài hát và chia sẻ với học sinh.

Ví dụ: Sáng tác một bài hát với chủ đề toán học lớp 2, giúp học sinh ghi nhớ bảng cửu chương thông qua âm nhạc.

6. Chuyển văn bản thành giọng nói

Các công cụ AI giúp chuyển đổi văn bản thành giọng nói giúp giáo viên dễ dàng tạo ra các tài liệu nghe, phục vụ cho học sinh học tập, đặc biệt hữu ích trong giảng dạy ngôn ngữ, theo các bước sau:

Bước 1: Sử dụng công cụ như Google Text-to-Speech hoặc Microsoft Azure Speech để chuyển văn bản giảng dạy thành giọng nói.

Bước 2: Nhập nội dung bài học hoặc câu chuyện mà bạn muốn chuyển thành âm thanh. Ví dụ: Nhập một đoạn văn ngắn trong bài học Tiếng Việt lớp 3.

Bước 3: Chọn giọng đọc phù hợp và tải xuống file âm thanh. Sau đó, giáo viên có thể sử dụng file này trong các hoạt động nghe hiểu cho học sinh.

Ví dụ: Chuyển một đoạn văn trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 thành giọng đọc, giúp học sinh luyện nghe và phát âm đúng.

Hạn chế và thách thức

Mặc dù AI mang lại vô vàn kết quả tuyệt vời, song cũng tồn tại những hạn chế và thách thức mà giáo viên cần lưu ý.

AI có thể khiến giáo viên trở nên phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, từ đó giảm khả năng sáng tạo và tự chủ trong quá trình giảng dạy. Khi phụ thuộc vào các công cụ như tự động chấm điểm, soạn thảo bài giảng tự động, giáo viên có thể dần mất đi kỹ năng phân tích và đưa ra các giải pháp giáo dục độc đáo, phù hợp với từng học sinh.

Một số giáo viên gặp khó khăn trong việc sử dụng các công cụ AI phức tạp, đòi hỏi quá trình đào tạo và thích nghi lâu dài. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật dữ liệu học sinh khi sử dụng AI cũng cần được chú trọng.

AI đang góp phần tích cực trong việc thay đổi phương pháp giáo dục, hỗ trợ giáo viên tiểu học hiệu quả hơn trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, để khai thác tối đa những mặt tích cực mà AI mang lại, giáo viên cần giữ vững sự cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và phát triển kỹ năng giảng dạy truyền thống. Bên cạnh đó, tự học và nâng cao kiến thức liên tục là yếu tố quan trọng, giúp giáo viên tránh phụ thuộc quá mức vào AI, đảm bảo mình vẫn là người tổ chức, điều hành, kiểm soát các hoạt động của quá trình giáo dục.

Dạy học là một loại hình lao động đặc biệt tác động đến sự phát triển toàn diện cả năng lực và phẩm chất học sinh tiểu học. Hiệu quả giáo dục không chỉ đến từ công nghệ, nó còn phụ thuộc vào mối quan hệ tương tác chặt chẽ giữa giáo viên và học sinh, một mối quan hệ có tình yêu thương, sự quan tâm và gắn bó.

Mặc dù công nghệ ngày càng tiên tiến, nhưng nó không thể thay thế vai trò của người giáo viên trong việc truyền cảm hứng và động lực học tập, bởi giáo dục là một quá trình nhân văn, không thể tách rời yếu tố con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.