Hai mặt của… SAT

GD&TĐ - Xét học bạ là phương thức xét tuyển đại học phổ biến trong những mùa tuyển sinh trở lại đây và đã tạo điều kiện cho thí sinh giảm bớt áp lực thi cử.

Học sinh lớp 12 tại TPHCM trong giờ học môn Tiếng Anh. Ảnh minh họa: ITN
Học sinh lớp 12 tại TPHCM trong giờ học môn Tiếng Anh. Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, bước vào mùa tuyển sinh 2024, một số trường đại học tốp đầu thông báo bỏ phương thức này. Nhiều em có sức học mức trung bình khá gần như không còn cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường đó. Một số em có nền tảng tiếng Anh chuyển sang phương án ôn thi SAT để tăng cơ hội trúng tuyển.

Trong các phương án đầu tư cho con để thi đại học, nhiều người không tính tới SAT và cho rằng chỉ học sinh chuẩn bị du học Mỹ mới cần chứng chỉ này. Nhưng khi khả năng đỗ vào trường đại học tốp đầu khối ngành kinh tế không cao, các em đành quay sang ôn thi SAT. Bởi lẽ, hai năm nay học sinh thi lấy chứng chỉ IELTS rất nhiều. Thí sinh đạt 7.5, 8.0 IELTS không còn hiếm. Nên với phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm THPT, cánh cửa vào đại học đã hẹp hơn do nhiều thí sinh cạnh tranh.

Trong khi đó, tìm kiếm điểm SAT là một “cuộc chiến” mới để giành vé vào đại học. Hiện tại, vẫn chưa nhiều thí sinh lựa chọn hướng đi này nên cơ hội nhiều hơn. Con gái lớn của tôi đang học lớp 12, đã có chứng chỉ IELTS 7.5 nhưng vẫn chưa thể chắc chắn sẽ thi đỗ vào trường đại học con mơ ước nên con phải tiếp tục đăng ký ôn thi SAT để có thêm cơ hội trúng tuyển đại học.

SAT (Scholastic Aptitude Test) là một trong những kỳ thi chuẩn hóa phổ biến, được các trường đại học Mỹ và một số quốc gia khác sử dụng để xét tuyển sinh viên. SAT là một bài thi chuẩn hóa được tổ chức bởi College Board với 2 mục tiêu chính: Kiểm tra những gì học sinh đã học ở cấp 3 và độ sẵn sàng cho đại học.

Từ năm 2024, tất cả các quốc gia trên thế giới đều sử dụng chung bài thi SAT trên máy tính. Thời gian thi SAT ngắn hơn, thay vì thi 3 giờ như cũ, kỳ thi SAT sẽ chỉ kéo dài trong hơn 2 giờ. SAT bao gồm 2 phần: Đọc - Viết và Toán. Mỗi phần sẽ được chia ra làm 2 mô-đun và độ khó của mô-đun 2 sẽ phụ thuộc vào kết quả bài làm ở mô-đun 1 của thí sinh.

Việc ôn thi SAT có nhiều ưu điểm như: Có cơ hội xét tuyển vào các trường đại học tốt, xếp hạng cao, cạnh tranh nhiều. Vì điểm SAT cao là yếu tố rõ ràng, thuyết phục, dễ chứng minh nhất trong phần hồ sơ năng lực học thuật. Các em có SAT cao sẽ không “bị lẫn trong đám đông” học sinh Việt Nam đa số đều có điểm GPA 8 - 9/10. Học SAT, các em cũng được học, được chuẩn bị về từ vựng, kiến thức, tư duy để sau này khi đi du học cũng dễ thích nghi với môi trường học thuật ở nước ngoài.

Tuy nhiên, việc các trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế như SAT cũng sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho ngành Giáo dục nước nhà. Vì các lý do như đánh giá năng lực thí sinh chỉ dựa trên số liệu này thì chưa chuẩn xác; ôn thi chứng chỉ SAT rất tốn kém, học sinh khó có thể tự học ở nhà như IELTS; SAT gồm cả Toán, Tiếng Anh. Phải đạt từ khoảng 1.400 - 1.500 điểm mới đỗ được các trường tốp đầu.

Nhiều bạn học cả năm, số tiền bố mẹ phải bỏ ra có khi đến cả trăm triệu đồng nhưng vẫn không thi được mức điểm đó. Việc các trường tốp đầu bỏ xét học bạ khiến nhiều em phải vội vã quay sang ôn thi SAT. Vì thời gian còn quá ít, quay sang ôn thi đánh giá năng lực HSA, kiến thức gồm cả 3 năm cấp 3 phải thi 7 môn nên rất khó.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thí sinh sử dụng chứng chỉ SAT để xét tuyển vào đại học ngày càng tăng, vô tình tạo ra sự bất công giữa các thí sinh trong cuộc đua vào đại học. Việc các trường ngày càng chuộng xét tuyển SAT cũng là một trong những nguyên nhân khiến các thí sinh đổ xô đi học lấy chứng chỉ, thậm chí nó còn được thần thánh hóa ví như “tấm vé vàng” vào đại học. Việc chạy đua vào đại học bằng SAT ngày càng khốc liệt khi các trường quá lạm dụng chứng chỉ quốc tế tuyển sinh.

Tôi cho rằng, kết quả SAT không thể đánh giá toàn diện được khả năng của thí sinh trong kỳ thi. Hiện nay, phong trào học chứng chỉ quốc tế đang đi sâu vào rất nhiều gia đình ở thành phố, nhất là học sinh các trường chuyên vì cho rằng SAT sẽ trở thành “tấm vé thông hành”. Vì thế, không ít em đã đầu tư tiền bạc, thời gian cho chứng chỉ này mà bỏ qua việc trau dồi, phát triển các nền tảng khác. Trong khi đó, nền tảng của kiến thức chính là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Thực tế ở các thành phố lớn hoặc những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, việc đầu tư cho con luyện thi chứng chỉ quốc tế từ sớm thường dễ dàng hơn. Điều này sẽ không công bằng đối với thí sinh ở các vùng miền khó khăn, dù năng lực tư duy không hề thua kém, nhưng vì không có điều kiện tiếp cận với loại chứng chỉ này nên thiệt thòi khi tham gia xét tuyển. Đẩy mạnh các phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ SAT sẽ tạo ra những lợi thế cho các bạn được đầu tư từ sớm.

Tôi kiến nghị các trường đại học cần phân bố chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển một cách hợp lý để tránh gây bất công cho học sinh và tuyển chọn ra những học sinh có tố chất thực sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ