Sở yêu cầu, trong thời gian trẻ em phải nghỉ học không đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non cần thường xuyên giữ mối liên hệ với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em để nắm bắt kịp thời tình hình sức khỏe của trẻ, cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, nhất là đối với những trẻ em bị nhiễm Covid – 19, trẻ em thuộc diện F1, F2, trẻ em thuộc địa bàn bị cách ly y tế và báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên để có biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
Không tổ chức dạy học trực tuyến, dạy trước chương trình cho trẻ em mầm non, mà tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý theo từng độ tuổi, nhằm đảm bảo sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà theo khoa học, bằng nhiều hình thức thông qua kênh truyền hình VTV1, VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam; hình thức qua Zalo, viber... giữa giáo viên và phụ huynh để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà; khai thức hiệu quả bộ tài liệu hỗ trợ cha mẹ trẻ em nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe và cùng con phát triển toàn diện do Bộ GD&ĐT ban hành.
Đối với trẻ em 5 tuổi, giáo viên phối hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ để chia sẻ những nội dung giáo dục phù hợp, tăng cường các hoạt động nhằm chuẩn bị tốt tâm thế, kỹ năng cần thiết để khi kết thúc năm học, trẻ em có thể sẵn sàng vào lớp 1.
Chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo sức khỏe, an toàn khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 do chính quyền địa phương yêu cầu. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non chủ động xây dựng phương án sẵn sàng đón trẻ trở lại trường để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục mầm non theo kế hoạch.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non được lựa chọn làm địa điểm cách ly y tế; sau khi hết thời gian cách ly, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, sắp xếp khoa học các khu vực trong trường, nhóm, lớp và chỉ đón trẻ trở lại trường khi đảm bảo tất cả các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.