Hà Nội: Vượt khó dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1

GD&TĐ - Mặc dù còn có những khó khăn nhưng với sự quyết tâm của nhà trường, giáo viên, phụ huynh, kết quả học online của học sinh lớp 1 đã dần đi vào nề nếp, bảo đảm tiến độ của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Học sinh lớp 1 hào hứng học trực tuyến. Ảnh minh họa
Học sinh lớp 1 hào hứng học trực tuyến. Ảnh minh họa

Cô Nguyễn Thị Bình Minh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Trên cơ sở chương trình GDPT 2018, tổ chuyên môn khối 1 đã thường xuyên có những buổi Sinh hoạt chuyên môn trực tuyến nhằm chủ động xây dựng chương trình dạy học, kế hoạch dạy học; giáo án, bài giảng của giáo viên đều được tổ chuyên môn thống nhất để đảm bảo tổ chức việc dạy học đạt hiệu quả cao nhất.

Ngay từ những buổi học đầu tiên, các giáo viên đã hướng dẫn học sinh nội quy lớp học để giúp các em không bị phân tâm trong giờ học. Các cô cũng không ngừng động viên khích lệ, giúp học sinh hiểu ra vấn đề, từng bước giúp các con cố gắng và coi việc học trên lớp học trực tuyến với cô giáo trở thành một “nhiệm vụ đặc biệt” vào mỗi tối.

Ngoài việc các cô giáo thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với các gia đình, thông tin về lịch học, nội dung bài, các thầy cô còn hướng dẫn cha mẹ học sinh cách hỗ trợ con tại nhà, động viên cha mẹ học sinh tạo không gian riêng cũng như dành những điều kiện trang thiết bị thuận lợi nhất để các con tham gia đầy đủ vào các buổi học.

Chia sẻ về phương thức dạy và học online đang được nhà trường áp dụng khá hiệu quả, cô Phương Thị Thìn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Bước vào năm thứ hai ứng phó với dịch Covid-19, nhà trường đã làm rất tốt công tác dạy và học trên internet.

Đối với học sinh khối lớp 1 và lớp 2, việc dạy học trực tuyến có phần khó khăn hơn, do đó Ban giám hiệu đã họp với các thầy cô để bàn phương án tốt nhất, phối hợp với cha mẹ học sinh ngay từ buổi đầu, để tạo tính tự lập, chủ động cho các em. Với những học sinh khả năng tiếp thu chậm hơn, giáo viên đã chia nhóm để kịp thời giúp đỡ và khi quay trở lại trường, những học sinh đó sẽ được bồi dưỡng thêm để bắt kịp tiến độ với những học sinh khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là địa phương khó khăn nhất của Hà Nội nhưng huyện Ba Vì đã triển khai khá hiệu quả việc dạy học trực tuyến. Ông Phùng Ngọc Oanh- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì chia sẻ: Năm học này, toàn huyện Ba Vì có 5.655 HS lớp 1. Do các em chưa thao tác được máy tính, điện thoại nên phải có sự hỗ trợ của cha mẹ HS. Một số trường ở địa bàn xa đường truyền mạng còn kém, một số gia đình HS khó khăn chưa có phương tiện để cho con học.

Phòng GD&ĐT Ba Vì tiếp tục chỉ đạo các nhà trường phát động phong trào quyên góp tặng máy tính, điện thoại thông minh cho HS nghèo. Nhờ sự chung tay của các thầy cô giáo và CMHS, gần 100% học sinh đều có thể học trực tuyến. Trong đó, số HS lớp 1 tham gia học trực tuyến là 5.574 HS, đạt tỷ lệ 98,56%.

Cô Phùng Thị Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì) cho biết, để việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19, nhà trường đã yêu cầu triển khai dạy trực tuyến tại tất cả các khối lớp, trong đó dành ưu tiên cho học sinh khối lớp 1. Hầu hết 300 học sinh lớp 1 của trường đều được học trực tuyến với sự hỗ trợ của bố mẹ.

Một số gia đình khó khăn, nhà trường đến tận nơi vận động, hỗ trợ cài đặt phần mềm. Nhiều thầy cô còn cho HS mượn điện thoại giúp các em học trực tuyến hiệu quả. Sau 1 tuần triển khai, việc dạy học trực tuyến cho học sinh khối 1 đã đạt được hiệu quả tốt. Những nội quy của lớp học trực tuyến được cả cô và trò thực hiện nghiêm túc nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng và tạo được sự ủng hộ cao từ phía CMHS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.