Tham ô để… chi tiêu cá nhân
Sau thời gian điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, ngày 15/10, Công an tỉnh Lai Châu đã ký các quyết định khởi tố vụ án hình sự. Khởi tố và bắt tạm giam các bị can về tội tham ô tài sản, quy định tại Điều 353, Bộ luật Hình sự.
Theo quyết định khởi tố, từ năm 2017 đến tháng 5/2019, kế toán trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ Nguyễn Thị Minh Liễu đã nhờ thủ quỹ Trần Thị Huệ nhiều lần rút với tổng số tiền hơn 26,5 tỷ đồng của cơ quan.
Các mục rút như: Chi phí học tập, chi phí thường xuyên, hỗ trợ chính sách cho học sinh dân tộc ít người. Số tiền trên được Liễu dùng vào mục đích chi tiêu cá nhân và không có khả năng chi trả.
Trên cơ sở vụ việc đã rõ về hành vi tham ô của hai bị can, cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án xem có dấu hiệu về tội thiếu trách nhiệm của đơn vị giáo dục và những đơn vị liên quan.
Sáng 14/11, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết, việc vi phạm của hai cán bộ thuộc Phòng GD&ĐT Sìn Hồ là không chấp nhận được.
“Ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở đã ban hành văn bản yêu cầu các phòng GD&ĐT huyện, thành phố, các đơn vị trường học trực thuộc Sở GD&ĐT tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các chính sách đã chi trả và có những chấn chỉnh nếu để xảy ra sai sót.
Sở GD&ĐT cũng có văn bản gửi tới tất cả các huyện, thành phố đề nghị phối hợp tăng cường công tác quản lý tài chính. Thực hiện nghiêm chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục”, ông Đinh Trung Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, trong những năm qua, Sở GD&ĐT luôn phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực tài chính. Riêng những chương trình, dự án do Sở thực hiện đến các đơn vị trường học thì Sở sẽ là đơn vị chủ trì trong việc thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra sai sót.
Các đối tượng “rút két” đã bị khởi tố phục vụ điều tra |
Giám đốc Sở cảm thấy… đau xót
Ông Đinh Trung Tuấn cho rằng, bản thân ông cũng như ngành GD-ĐT, đặc biệt là thầy, cô đang bám trường, bám bản để gieo chữ cho học trò nghèo cảm thấy đau xót. Quyền lợi của thầy cô giáo và học sinh vùng cao đã bị xâm hại bởi “những con sâu làm rầu nồi canh”.
“Tôi cảm thấy rất đau xót khi sự việc xảy ra. Chính vì thế, hành vi vi phạm phải được làm rõ. Phải trả lại sự công bằng cho giáo viên và cho những người công tác trong ngành Giáo dục một cách chân chính. Vì việc đó dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến người thụ hưởng.
Nếu tiêu cực không xảy ra thì những người thụ hưởng sẽ có thêm cơ hội đón nhận được nhiều hơn sự ưu ái của Nhà nước. Đó là cơ hội để họ vươn lên, cải thiện cuộc sống của mình, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp”, ông Đinh Trung Tuấn tâm sự.
“Những ngày này tôi rất chia sẻ và bản thân hướng về các thầy, các cô ở vùng sâu, vùng xa. Những thầy cô hàng ngày chịu khó khăn, vất vả để duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục. Cũng mong muốn là trong những ngày này, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thì động viên anh em tận tâm với công việc.
Trong đội ngũ còn có những người này, người khác, còn có cả những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, về cơ bản số đông anh em đều cống hiến hết mình và đều thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Những đối tượng vừa rồi chỉ là bộ phận rất nhỏ, cần phải loại ra khỏi đội ngũ”, ông Tuấn nói thêm.