Hà Tĩnh: Giáo dục văn hóa đọc sách từ những tiết học

GD&TĐ - Tạo thói quen đọc sách cho trẻ là việc không hề đơn giản với giáo viên, phụ huynh khi mà tivi, điện thoại, Internet chi phối trực tiếp các em hằng ngày.

Giáo viên hướng dẫn học sinh tại lớp.
Giáo viên hướng dẫn học sinh tại lớp.

Giáo dục qua những cuốn sách

Rèn luyện thói quen và kĩ năng đọc sách cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường và giáo viên tiểu học.

Tại Hà Tĩnh, mô hình văn hóa đọc đang được triển khai sâu rộng từ thư viện trường, thư viện lớp, tủ sách lớp học, mỗi ngày một cuốn sách… đến từng học sinh.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình dạy và học nhưng phong trào đọc sách trong các trường học ở Hà Tĩnh tiếp tục được duy trì và lan tỏa. Bằng sự linh hoạt và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhiều mô hình đã được triển khai hiệu quả.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thư viện trường học ở Hà Tĩnh tạm thời dừng đón các em vào đọc sách. Thay vào đó mô hình “Tủ sách lớp em” đã được vận hành và duy trì hoạt động đều đặn.

Học sinh tham khảo tranh, đọc sách tại lớp trong giờ giải lao.
Học sinh tham khảo tranh, đọc sách tại lớp trong giờ giải lao.

Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết – Hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cuối năm học 2020 - 2021, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, nhà trường đã khởi động mô hình tủ sách lớp học. Đến nay, trường đã xây dựng được hàng chục tủ sách lớp học với hơn 3.000 đầu sách khác nhau như: toán tuổi thơ, văn tuổi thơ, tạp chí, tập làm văn mẫu, sách rèn luyện kỹ năng sống, sách viết về Bác Hồ, các danh nhân lịch sử, tấm gương người tốt, việc tốt, những mẫu chuyện hay, sách thiếu nhi, truyện tranh …”.

“Giáo dục học sinh tiểu học không gì bằng qua những cuốn sách, mẩu chuyện hay, sách thiếu nhi, truyện tranh, truyện cổ tích… những bài học kinh nghiệm cuộc sống, những lời răn dạy, khuyên bảo trẻ đều có từ trong những cuốn sách. Thông tin các em đọc từ sách thì khả năng tiếp thu sẽ nhanh và nhớ lâu. Do vậy, nhà trường đã xây dựng tủ sách lớp học, việc đọc sách được thực hiện tại chỗ trước giờ vào học, giờ giải lao, mượn sách về nhà đọc... Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên hướng dẫn cho các em kỹ năng đọc sách cơ bản, định hướng cho học sinh cách chọn lựa các đầu sách hay”,  cô Ánh Tuyết cho hay.

Để tránh nhàm chán, nhiều trường học cũng “làm mới” các tủ sách lớp học bằng việc trao đổi sách giữa các lớp và các trường trong cùng khu vực. “Việc trao đổi sách tuy vất vả nhưng đây là cách thu hút học sinh đến với sách, khơi dậy niềm say mê đọc của các em nên chúng tôi vẫn duy trì theo định kỳ. Tạo thói quen văn hóa đọc sách trong lớp học vào những tiết giải lao, trước giờ vào lớp luôn tạo cho học sinh được sự tập trung khi bước vào môn học sinh”  - cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Điền (huyện Thạch Hà).

Giáo viên, học sinh cùng thảo luận qua những bức tranh, mẩu truyện ngắn.
Giáo viên, học sinh cùng thảo luận qua những bức tranh, mẩu truyện ngắn.

Phong trào đọc sách ở trường học được khởi dậy, nhà trường nghĩ ra, phát động nhiều chương trình tạo điểm nhấn, thu hút học sinh tham gia, đến với sách như một thói quen hàng ngày như Chương trình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” tại Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh);  sân chơi: Học mê say - chơi thật hay; phong trào “Gây quỹ vì bạn nghèo”; cuộc thi tìm kiếm tài năng giới thiệu sách tại Trường tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh)….

Cô Tống Thị Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Từ những thông điệp, bài học ý nghĩa qua các câu chuyện trong sách, từ các chương trình hoạt động thiết thực và ý nghĩa của câu lạc bộ đã giúp các em có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, sinh hoạt tập thể, cuộc sống. Các em học tập, làm việc khoa học hơn, biết tự vạch ra cho mình kế hoạch để thực hiện; sống có trách nhiệm, biết chia sẻ hơn những công việc với người khác và nhân văn hơn trong cách nghĩ, cách làm”.

Tạo kỹ năng sống cho học sinh
Ông Nguyễn Duy Ngọc – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ: Qua sách, người đọc được cung cấp những thông tin cần thiết, hữu ích, rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, trí tưởng tượng... Đây là những yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Từ đó tạo thói quen đọc sách, giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kỹ năng sống.

Các trường học luôn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa việc đọc sách; đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện trường học; đồng thời đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện.

Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện trường, phòng đọc sách, nhà trường còn phát huy hiệu quả của mô hình “Thư viện xanh”, góc thư viện tại các lớp học bằng việc cung cấp nhiều loại sách, báo phù hợp với nhu cầu giảng dạy của giáo viên và học tập, giải trí của học sinh.

Giáo dục trẻ từ những cuốn sách, mẩu chuyện hay. Ảnh: Tư liệu.
Giáo dục trẻ từ những cuốn sách, mẩu chuyện hay. Ảnh: Tư liệu.

Từ đó, tạo cho các em sự hứng thú trong học tập, kỹ năng giao tiếp và cảm thụ văn học được nâng lên rõ rệt. Hoạt động góc thư viện ở các lớp học cũng phát huy hiệu quả tích cực. Thư viện nhà trường thường xuyên luân chuyển các loại sách, báo, tạp chí phù hợp với từng độ tuổi của học sinh để phục vụ tại các lớp học. 

Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh cũng chia sẻ: "Đọc sách không chỉ giúp học sinh phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tạo hứng thú cho học sinh mỗi khi đến trường. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng đầu tư xây dựng thư viện trong nhà, ngoài trời với tiêu chí xanh, sạch, đẹp, thân thiện và huy động học sinh, giáo viên ủng hộ sách báo, truyện tranh để làm phong phú thêm các đầu sách cho thư viện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ