Người tiêu dùng e dè
Thị trường tiêu thụ thịt lợn tại các chợ đầu mối của Hà Tĩnh đang có dấu hiệu giảm nhiệt, khi người dân lo ngại trước “cơn bão” bùng phát DTLCP đang tràn vào Việt Nam. Dù biết rằng, dịch bệnh này không ảnh hưởng đến con người, nhưng do tâm lý nên người tiêu dùng e dè, thậm chí quay lưng với thịt lợn.
“Thường mỗi ngày tôi bán cả tạ thịt lợn, nhưng từ khi bùng phát DTLCP thì ngồi cả ngày chai mặt ngoài chợ, mời khách mỏi cả miệng không bán nổi 10kg thịt lợn. Người buôn bán, kinh doanh thịt lợn hứng chịu đủ thứ dịch, hết dịch lở mồm long móng lại DTLCP. Cứ đà này, chắc tôi phải nghỉ chợ một thời gian”, chị Nguyễn Thị Cảnh, tiểu thương chợ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.
Người chăn nuôi có bán được lợn hay không là dựa vào thị trường tiêu thụ. Gần chục ngày nay, anh Nguyễn Văn Lân, xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà) như ngồi trên đống lửa: “Nhà tôi đang nuôi 5 nái và 50 con lợn thịt. Dù đã được tiêm phòng dịch, nhưng lo ngại lớn nhất là lợn đã quá cân mà vẫn không thể xuất chuồng, bởi thương lái không mua. Lợn còn trong chuồng ngày nào, lo lắng ngày đó. Tiền không xoay kịp để chi trả mua thức ăn”.
Công tác tiêm phòng dịch được các hộ chăn nuôi đặt lên hàng đầu và DTLCP chưa ảnh hưởng đến Hà Tĩnh, nhưng đối với người chăn nuôi trong thời điểm này là mối nguy hại. “Giai đoạn này, HTX tạm ngừng bán con giống, phương tiện vận chuyển thức ăn được khử trùng, quy trình nuôi cách ly triệt để nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Như thế, mỗi ngày phun hóa chất đã hết gần 2 triệu đồng, chưa nói tiền thức ăn cho lợn cũng tốn nhiều nữa. Lợn lại không thể xuất bán được nên người chăn nuôi chúng tôi đang rất khổ sở” - ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên) nơi sở hữu trang trại nuôi cả nghìn con lợn thịt cho hay.
Ông Cảnh cũng cho biết thêm, chi phí thuốc, thức ăn cho lợn là một phần, nhưng do ảnh hưởng DTLCP đã khiến nhiều hợp đồng mua bán lợn của công ty phải tạm ngừng. Lợn lại không thể xuất bán được nên người chăn nuôi đang rất khổ sở.
Kiên quyết không tăng đàn
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, ngành chuyên môn của Hà Tĩnh đang tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống DTLCP. Trong đó, đặc biệt nêu cao vai trò phát hiện, tố giác của người dân trong giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, sau khi theo dõi diễn biến nhanh và nguy hiểm của DTLCP, UBND tỉnh Hà Tĩnh kịp thời ban hành Công điện hỏa tốc số 03 chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp phòng dịch từ xa, xem việc phòng dịch như chống dịch.
“Trong tổng thể các biện pháp phòng chống dịch, chúng tôi tập trung chỉ đạo các huyện giáp ranh tỉnh Nghệ An là Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân và những xã có tổng đàn lợn lớn, mật độ chăn nuôi cao như Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); Thạch Hội (Thạch Hà)… xem xét lập chốt kiểm soát, phun tiêu độc khử trùng tất cả phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua địa bàn”, ông Hùng nhấn mạnh. Chi cục Chăn nuôi - Thú y cũng đã tăng cường lực lượng phối hợp các cơ quan chức năng khác cho chốt kiểm dịch đặt tại khu vực gần cầu Bến Thủy (huyện Nghi Xuân), giáp TP Vinh (Nghệ An). Đồng thời, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi lớn thực hiện đầy đủ, triệt để các biện pháp phòng dịch, thậm chí cách ly phương tiện vận chuyển cám, lợn xuất chuồng từ 500 - 1.000m để đảm bảo an toàn.
Song song với việc phòng chống dịch bệnh, trước diễn biến phức tạp, khó lường của DTLCP, chính quyền các xã tại Hà Tĩnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân kiên quyết không tăng đàn, duy trì và ổn định số lượng đàn nuôi.