Ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội- cho biết: Thông tin từ các cơ quan chức năng đã khẳng định bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, bởi vậy các trường không nên quá lo lắng, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và thời gian sử dụng.
Nhà trường phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy phép và có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn của học sinh; công khai thực đơn, đơn giá hằng ngày; chú trọng cải tiến các bữa ăn và phối hợp món ăn trong ngày cho hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng theo từng độ tuổi.
Ông Trần Ngọc Tụ- Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cung cấp thông tin: Nếu "tẩy chay" hoàn toàn thịt lợn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền chăn nuôi ở Việt Nam. Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh.
Để bảo đảm an toàn, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng.
Bởi lẽ, virus ASFV gây bệnh dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.