Dịch tả lợn Châu Phi có ảnh hưởng tới thực đơn trường học?

GD&TĐ - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh và xuất hiện ở một số địa phương của Hà Nội, các trường mầm non đều có kế hoạch phòng chống dịch bệnh và có những phương án về thực đơn cho học sinh.

Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi được kiểm tra thường xuyên tại các địa phương. Ảnh minh họa.
Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi được kiểm tra thường xuyên tại các địa phương. Ảnh minh họa.

Cô Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng trường Mầm non Thực hành Hoa Sen – cho biết: Nhà trường đã đặt sẵn thực phẩm của công ty thực phẩm sạch. Tại đó, họ nuôi theo quy trình khép kín nên những gia súc, gia cầm trước khi mổ đều được kiểm dịch chặt chẽ. Sau khi thành phẩm, bộ phận chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ lại kiểm tra một lần nữa về thành phần, độ an toàn, sau đó mới giao cho nhà trường.

Cô Thanh cũng cho biết thêm mỗi mùa dịch, Ban giám hiệu nhà trường đều quan tâm tới sức khỏe của học sinh. Đợt dịch tả lợn châu Phi lần này, nhà trường đã cấm không cho phụ huynh tự ý mang thức ăn ở bên ngoài vào trường. Nếu lớp nào có học sinh biểu hiện ốm, sốt thì cần liên hệ ngay với gia đình và cho cách ly với các bạn khác đề phòng lây lan.

Theo cô Thanh, việc thay đổi thực đơn của trẻ trong thời gian dài không có thịt lợn sẽ không đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho các con. Vì vậy, các khâu kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của thịt lợn càng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài ra, hàng ngày, trường cũng có cán bộ y tế trường đi kiểm tra mọi ngóc ngách, sân vườn trong khuôn viên trường để đảm bảo mọi nơi được sạch sẽ nhất.

Sau khi quận Long Biên phát hiện dịch tả lợn Châu Phi, một số trường Mầm non cũng ráo riết công tác vệ sinh phòng dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn nhất cho các bé, cô Phạm Thị Miên – Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Thủy Tiên (Long Biên, HN) cho biết: Việc kiểm soát thực phẩm vào nhà trường được kiểm tra rất kỹ. Đầu năm học, các công ty thực phẩm sạch sẽ nộp hồ sơ đăng ký cho các trường, sau đó, trường xem xét và chọn lựa gửi hồ sơ lên Quận để cử người xuống tận nơi kiểm tra, sau đó mới công bố đơn vị nào được phép cung cấp thực phẩm cho nhà trường. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng và Long Biên cũng đã xuất hiện lợn bị dịch nên nhà trường đã xem xét lại thực đơn cho các con, hạn chế thịt lợn từ 4 bữa/ tuần xuống còn 2 bữa/tuần, tăng cường thịt bò, gà, cá trong thực đơn.

Cô Phạm Thị Miên cũng cho rằng không thể loại bỏ hẳn thịt lợn suốt thời gian dài vì sẽ ảnh hưởng đến các chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Tình hình dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang có dấu hiệu lan rộng, chỉ trong vòng một tháng, 13 tỉnh ở Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn châu Phi như Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình,...

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Tại Việt Nam, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ