Những ngày này, con đường dẫn vào phố Thuý Lĩnh, phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) - nơi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, vôi bột phủ trắng xoá.
Có mặt tại một cơ sở nuôi lợn tại đây, PV nhận cái lắc đầu của chủ trại, không đồng ý cho người lạ đến gần để bảo vệ đàn lợn. Theo quan sát, xung quanh chuồng cũng trắng xoá vôi bột. Người chăm sóc khi bước vào phải nhúng chân qua chậu nước và mặc áo mưa…
Chủ cơ sở trên chia sẻ: Nhà bà có hơn 50 con lợn và gia đình đang “căng mình” chống dịch cho đàn. “Hôm thứ Sáu vừa rồi tôi thông báo với chính quyền cùng trạm thú y để đem đi xét nghiệm, may mắn là kết quả âm tính. Bây giờ chỉ biết phòng tránh bằng việc sát trùng, sát khuẩn, ngoài ra không có thuốc gì chữa được. Không phải riêng tôi mà thời điểm này ai nuôi lợn cũng như ngồi trên đống lửa”, chủ trại lợn lo âu.
Các chốt kiểm dịch liên ngành bao gồm: Thú y, Quản lý thị trường và cán bộ địa phương làm nhiệm vụ kiểm soát 24/24h, không cho bất cứ xe chở gia súc, gia cầm… ra ngoài hoặc đi vào bên trong khu vực ổ dịch.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, mọi công tác phòng chống đều được thắt chặt.
Ngoài ra, phường Lĩnh Nam cũng đã thực hiện tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn.
Trước đó, ổ dịch tả lợn được phát hiện tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan (số 6, ngách 95/203 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam). Hộ bà Lan chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, với tổng đàn lợn 46 con, trong đó có 4 con lợn mắc bệnh và đã chết. Nhận được tin báo, các cơ quan chức năng đã tiến hành tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 46 con của hộ gia đình bà Lan.
Tính tới ngày 10/3/2019, cả nước đã có 12 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Ninh Bình, Quảng Ninh. Theo Tổ chức Thú y thế giới, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100% do chưa có thuốc chữa trị. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác.