Hà Tĩnh: Dân miền núi nhường nhà cho người cách ly

GD&TĐ - Trước tình trạng quá tải tại các khu cách ly tập trung do lượng người dân về quê đông, nhiều hộ dân tại Hà Tĩnh đã xung phong ghép hộ, nhường nhà cho người dân đến ở cách ly.

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có hơn 500 hộ đăng ký nhường nhà cho người dân về quê cách ly tại nhà.
Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có hơn 500 hộ đăng ký nhường nhà cho người dân về quê cách ly tại nhà.

Ghép hộ, nhường nhà cho đồng hương cách ly

Do số lượng người về quá lớn, trong khi các khu cách ly ở một số huyện không thể đáp ứng, nhiều địa phương đã thực hiện phương án cho công dân cách ly tại nhà.

Gần một tuần qua, anh Trần Hữu Linh, trú xóm 8, xã Hương Long (huyện Hương Khê)  đã tất bận sửa soạn nhà cửa, mua sắm thêm một số vật dụng cần thiết để cho người dân đến nhà ở trong thời gian cách ly. Hộ anh Linh là 1 trong 500 hộ dân tại huyện Hương Khê đã tình nguyện đăng ký cho mượn nhà của mình để đồng hương về quê cách ly.

Anh Linh cho biết: “Nhà cửa tôi cũng bình thường nhưng được cái vườn rộng thoải mái, rau củ trong vườn đều có cả. Vợ chồng tôi còn mua sắm thêm một số thực phẩm để trong tủ lạnh để người dân chủ động sinh hoạt, nấu nướng trong thời gian cách ly. Còn gia đình tôi thì sang nhà người quen ở nhờ”.

Cách nhà anh Linh không xa là nhà ông Hồ Sỹ Quân (60 tuổi, trú thôn 8, xã Hương Long, huyện Hương Khê). Ngôi nhà vườn khá rộng của ông cũng tham gia đăng ký nhường nhà cho người cách ly trong đợt này. Sau khi nhường nhà, ông dự tính sẽ sang ở tạm nhà họ hàng xung quanh.

“Tôi thấy việc này cũng bình thường, khi khó khăn hoạn nạn mỗi người mỗi tay giúp nhau để vượt qua. Dù tuổi già rồi nhưng chúng tôi rất muốn góp sức cùng cộng đồng chống dịch bệnh bằng những việc trong khả năng của mình”, ông Quân cho hay.

Tại thôn 8, xã Hương Long có 135 hộ dân nhưng hơn 90% người dân tình nguyện đăng ký cho người hồi hương mượn nhà ở trong thời gian cách ly.

Theo ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, từ khi một số tỉnh phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, đã có 1.200 người dân Hương Khê hồi hương về quê bằng nhiều phương tiện. Tuy nhiên, toàn huyện hiện chỉ bố trí được 5 khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận tối đa là 319 công dân.

“Để chuẩn bị đón công dân về quê, địa phương đã lên phương án rất chu đáo, nhưng với số lượng đăng ký về lớn như vậy, để đáp ứng các điều kiện thực hiện cách ly hết sức khó khăn.

Việc người dân đồng tình nhường nhà cho người cách ly là giải pháp linh hoạt về phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung. Hiện, đã có khoảng 500 hộ dân tại 21/21 xã thị tại địa phương đăng ký nhường nhà cho người dân đến ở cách ly”, ông Bảo cho hay.

Không riêng gì huyện Hương Khê, tại các huyện Đức Thọ, Vũ Quang hiện có hàng chục hộ tình nguyện nhường nhà cho người cách ly. Theo người dân đây là chủ trương hợp lý, bởi nó tạo sự thoải mái cho những người từ vùng dịch về quê, giảm bớt áp lực kinh tế cho cả người dân và chính quyền địa phương.

Các tổ cộng đồng là những “camera sống” giúp lực lượng chức năng giám sát và nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh trong các khu dân cư.
Các tổ cộng đồng là những “camera sống” giúp lực lượng chức năng giám sát và nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh trong các khu dân cư.

Những “camera sống” tại khu dân cư

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch trong thời gian cách ly tại nhà, mỗi địa phương đã kích hoạt các phương án tối ưu đến tận từng hộ dân.

Theo ông Trương Quang Thụy - Chủ tịch UBND xã Hương Long (huyện Hương Khê), khi có chủ trương của huyện cho công dân từ các vùng thực hiện Chỉ thị 16 về quê (đối tượng F1) được cách ly y tế tại nhà, địa phương đã khảo sát nhu cầu và các hộ gia đình đủ điều kiện tổ chức cách ly đảm bảo quy định.

“Những nhà ở làm nơi cách ly phải có chỗ nấu ăn, nghỉ ngơi, đặc biệt nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín. Mỗi nhà sẽ có 1 - 3 người cách ly, tuỳ theo điều kiện cụ thể”, ông Thụy thông tin.

Trước đó, người dân khi về quê phải báo cáo đến chính quyền địa phương và làm đơn xin cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Các thôn sẽ thành lập ra tổ công tác gồm nhân viên y tế, tổ Covid-19 cộng đồng và tổ liên gia.

Nếu cách ly tại nhà phải viết bản cam kết thực hiện đúng quy định cách ly phòng dịch. Tổ công tác sẽ trực 24/24 giờ ở ngõ nhà có người về cách ly, mỗi ngày tổ trưởng sẽ đi kiểm tra 4 lần, ai sai phạm sẽ bị xử lý.

Ông Trần Văn Tiều (58 tuổi) - Bí thư Chi bộ thôn 8 (xã Hương Long, huyện Hương Khê), cho biết: “Trong những ngày qua tôi và các cán bộ trong tổ công tác luôn bận rộn với công việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.

Nhiều hôm đi rà soát về muộn, phải dùng bữa trưa, bữa tối một mình, tuy mệt mỏi và không có phụ cấp nhưng chúng tôi luôn tự động viên “làm vì trách nhiệm xã hội”.

Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tổ giám sát Covid-19 cộng đồng cũng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, 100% hộ gia đình tại địa phương đã hoàn thành việc ký cam kết.

Đây là cơ sở để mỗi người dân, mỗi hộ gia đình nâng cao ý thức phòng, chống dịch; tin tưởng, đồng thuận với các biện pháp chống dịch của địa phương. Từ đó lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19”.

“Ngoài ban chỉ đạo của xã, các tổ Covid-19 cộng đồng là những camera sống tăng cường công tác giám sát và nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà.  

Chúng tôi cũng ràng buộc người cách ly bằng những cam kết chặt chẽ, nếu sai phạm sẽ bị xử phạt kịch khung và chuyển lên các khu cách ly tập trung”, ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, từ đầu tháng 7/2021 đến nay, nhất là sau khi các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 10 nghìn người rời tâm dịch về quê. Ngoài số lượng công dân thuộc nhóm ưu tiên được đón về qua 2 đợt vừa qua, còn lại phần lớn người dân tự đi về bằng xe máy, số ít đi ô tô cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ