Ngư dân gặp khó vì hạ tầng xuống cấp
Hà Tĩnh có hơn 3.600 tàu thuyền. Trong đó, 137 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi. Có 644 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng. 2.914 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m.
Thế nhưng, hiện nay hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng neo đậu, tránh trú bão, luồng lạch bị bồi lắng, quy mô cảng cá hạn chế. Việc này ảnh hưởng đến đánh bắt, giao thương buôn bán của ngư dân.
Cảng cá Cửa Sót được xây dựng vào năm 2002 với tổng vốn đầu tư 46 tỉ đồng. Hằng ngày, có khoảng 200 tàu cá công suất từ 20CV đến trên 400CV của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào cảng xả hàng, tiếp nhiên liệu.
Đây từng là nơi ra vào, neo đậu sầm uất của nhiều tàu thuyền có công suất lớn của nhiều tỉnh trong các nước như Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nghệ An, Hải Phòng… Tuy nhiên, từ vài ba năm lại đây những con tàu lớn của tỉnh bạn dần vắng bóng tại cảng cá này.
Theo nhiều ngư dân, từ năm 2013, khu vực trước cảng cá thuộc vũng quay tàu bị bùn cát bồi lắng, luồng lạch bị bồi lấp. Nó ảnh hưởng đến việc ra vào cảng của tàu thuyền.
Việc bồi lắng đất cát khiến các phương tiện đánh bắt có công suất trên 300CV bị gãy chân vịt, bánh lái khi ra vào. Những tàu lớn hơn vào được nhưng không ra được là câu chuyện xảy ra như “cơm bữa”.
Ông Trần Xuân Sinh (43 tuổi, ngụ tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết, cách đây ít tháng trong lần cập cảng, do canh sai thủy triều, trên đường vào, tàu ông mắc cạn bị gãy bánh lái. Mặc dù, con tàu đã được sửa chữa xong, nhưng ông Sinh vẫn đang do dự chưa cho tàu ra khơi vì sợ lại gặp cảnh mắc cạn.
Tại khu vực cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng cùng chung số phận. Đó là tình trạng luồng lạch bị cát bồi lấp đã diễn ra nhiều năm qua khiến tàu, thuyền ra vào hết sức khó khăn.
Tàu không thể cập bờ, sau mỗi chuyến đi biển, ngư dân phải thuê thuyền nhỏ tăng bo từ 100m - 200m để đưa hải sản vào bờ. Việc này khiến chi phí đánh bắt của người dân đội lên cao.
“Mỗi chuyến trung chuyển chi phí từ 3 - 5 trăm nghìn đồng/tàu. Nếu tàu nhỏ chỉ mất 1 chuyến, nhưng tàu lớn có khi mất từ 5 - 7 chuyến. Điều này không chỉ khiến cho chất lượng thủy hải sản kém đi, bán không được giá, lại phải bù chi phí thuê thuyền nhỏ vận chuyển cá vào bến nên ngư dân thiệt đơn, thiệt kép”, ngư dân Lê Văn Nhâm cho biết.
Hà Tĩnh hiện có 2 cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân), Cửa Sót (huyện Lộc Hà). 2 bến cá là Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (Kỳ Anh) và âu thuyền Kỳ Lợi.
Theo ông Bùi Tuấn Sơn (Trưởng ban Quản lý cảng cá Hà Tĩnh), quy mô xây dựng các cảng cá tại Hà Tĩnh đang bất cập với sự phát triển của phương tiện và dịch vụ nghề cá.
Trước đây, các cảng cá được thiết kế chỉ cho phép tàu thuyền có công suất tối đa là 300CV ra vào, neo đậu. Nhưng hiện nay, phương tiện của ngư dân ngày càng được đầu tư, có những con tàu vỏ thép có công suất 800CV. Vì vậy, mỗi lần ra vào rất vất vả, chưa kể đến việc cảng cá bồi lắng khiến ngư dân gặp khó.
Đang nghiên cứu khả thi, lựa chọn thiết kế
Để góp phần cùng ngành Thủy sản cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nghề cá bền vững đối với 4 dự án với tổng nguồn vốn dự kiến 400 tỷ đồng.
Dự án thứ nhất, xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng. Theo thiết kế, dự án này sẽ có cầu cảng, kè bảo vệ bờ, nạo vét luồng tàu, khu vực nước trước bến và san lấp mặt bằng.
Dự án thứ 2, nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm hạn chế sự bồi lắng, bảo đảm tính ổn định của cửa, luồng vào khu neo đậu; giảm chi phí duy tu, nạo vét hàng năm.
Dự án thứ 3, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh. Dự án này dự kiến đầu tư 40 tỷ đồng, tập trung đánh giá tốc độ bồi lắng luồng, lòng âu. Xây dựng hàng rào, cổng, nhà điều hành, hệ thống điện, cấp nước, thu gom, xử lý nước thải…
Số tiền còn lại sẽ được đầu tư vào dự án thứ 4, xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Đây là dự án đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy ngư dân chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề cá nhân dân; phát triển sản xuất hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đến thời điểm này, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà đã hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công và dự kiến khởi công vào cuối quý II, đầu quý III/2021. 3 dự án còn lại sẽ bắt đầu xây dựng vào quý IV/2021.
“4 dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tại Hà Tĩnh sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão... Ban Quản lý dự án đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn giải pháp thiết kế”, ông Hà Huy Thành – Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá cho biết.