Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng ưu tiên làm cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng

GD&TĐ - Đây là một trong những phân đoạn quan trọng thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông chạy qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 90 km, với tổng mức đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng.

Một góc đại dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Một góc đại dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng.

Cả nước có 42 tuyến cao tốc được đề xuất quy hoạch để dự kiến đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2030 với tổng vốn khoảng 825.000 tỷ đồng, trong đó có các tuyến: Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh); Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, giao các bộ, ngành Trung ương ưu tiên nguồn vốn đầu tư, sớm triển khai thi công đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng trong giai đoạn trước năm 2023, thay vì giai đoạn 2021-2025 như dự kiến.

Đồng thời, tỉnh này cũng kiến nghị Thủ tướng quan tâm bố trí nguồn vốn để tỉnh chủ động công tác giải phóng mặt bằng sớm, góp phần đẩy nhanh tiến độ khi thực hiện dự án.

Khu kinh tế Vũng Áng đã được xác định ưu tiên đầu tư xây dựng trong phương hướng phát triển chung của hệ thống 15 khu kinh tế ven biển để trở thành khu kinh tế trọng điểm tại khu vực miền Trung; đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp luyện kim, trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm điện lực và các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, logistics.

Hiện nay, tỉnh này đã thu hút được 141 dự án đầu tư, gồm 84 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 48.687 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 13,556 tỷ USD.

Trong đó, một số dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, như: Tổng kho Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng, Tổng kho khí hóa lỏng Bắc Trung bộ; cầu cảng Vũng Áng 1, 2, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, đặc biệt Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 12,787 tỷ USD đã hoàn thành và đi vào sản xuất với công suất luyện thép 7,5 triệu tấn/năm để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu (sản lượng năm 2020 đạt 6,4 triệu tấn (trong đó tiêu thụ trong nước chiếm tỷ lệ 85% và tiêu thụ nước ngoài chiếm tỷ lệ 15%).

Bên cạnh đó, đang có nhiều doanh nghiệp tiến hành khảo sát nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng như: Công ty cổ phần Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) nghiên cứu lập dự án Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast và linh phụ kiện kết hợp cảng biển tổng hợp và khu Logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng;

VSIP Group nghiên cứu khảo sát phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ tại thị xã Hồng Lĩnh và huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; một số nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát dự án xây dựng công trình Cảng trung tâm tiếp nhận và phân phối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại Hà Tĩnh và ASEAN tại Khu kinh tế Vũng Áng; đầu tư Trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương...

Trong khi đó, Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh có phương tiện tham gia giao thông rất lớn, sau thời gian nâng câp, mở rộng đưa vào sử dụng đã bắt đầu bị xuống cấp, thường xuyên phải duy tu, sửa chữa, và đây là tuyến đường vừa dân sinh, vừa quốc lộ, đi qua nhiều khu dân cư, đô thị và có nhiều điểm giao cắt nên rất ảnh hưởng đến sự an toàn, tốc độ của các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Được biết, tuyến cao tốc Bãi  Vọt - Vũng Áng đang được Bộ GTVT lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức PPP.

Tuyến cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng được chia thành 2 dự án thành phần, gồm đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 36 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54 km. Chi phí đầu tư dự kiến cho đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng vào khoảng 17.500 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ