Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Trong nhiều năm qua, Thành uỷ Hà Nội và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong các trường học, nhất là phát triển đảng trong đội ngũ trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn Thủ đô.
Nhờ đó, công tác kết nạp đảng viên trong lực lượng giáo viên, sinh viên đạt được kết quả tích cực, số lượng đảng viên không ngừng lớn mạnh; cơ cấu đảng viên có sự chuyển biến theo hướng tích cực; chất lượng đảng viên được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên trong lực lượng trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên của Đảng bộ Thành phố thời gian qua còn một số hạn chế: Số lượng đảng viên mới kết nạp chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô, khi Hà Nội là nơi tập trung các trường Đại học, Cao đẳng hàng đầu của cả nước.
Toàn ngành giáo dục của Thành phố có 2.835 trường học ở các cấp học, với 138.090 giáo viên, trên 2,2 triệu học sinh, cùng với đó là gần 1 triệu sinh viên, học viên. Trong khi đó, 5 năm qua, toàn Đảng bộ Thành phố mới kết nạp được 17 học sinh, trong đó, chỉ có 6 học sinh ở các trường THPT.
Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm trên 10% trong tổng số cơ cấu kết nạp đảng viên của Thành phố. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là giáo viên trong khối các trường cũng mới đạt 3,56%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ đảng viên là giáo viên trong khối trường đạt 46,59%.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, Ban tổ chức hội nghị tọa đàm mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung làm rõ vị trí, vai trò của đảng viên trong các nhà trường đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; nêu thực trạng công tác kết nạp đảng viên trong các trường học, những khó khăn, bất cập và yêu cầu đặt ra về công tác phát triển đảng viên trong các nhà trường hiện nay.
Các đại biểu tham luận tại tọa đàm |
Ban tổ chức cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận giải pháp để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đảng viên là giáo viên khối các trường công lập đạt từ 50% trở lên, khối các trường ngoài công lập đạt từ 20% trở lên. Phấn đấu mỗi năm 1 trường THPT kết nạp ít nhất 1 đảng viên là học sinh; các trường trung học chuyên nghiệp kết nạp từ 5 đến 10 đảng viên là học viên; các trường Đại học, Cao đẳng, kết nạp từ 20 đảng viên là sinh viên trở lên.
Các tham luận tại tọa đàm đã tập trung làm rõ những vấn đề như: Công tác phát triển Đảng trong học sinh những thuận lợi, khó khăn và giải pháp; công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng và tạo môi trường cho học sinh rèn luyện, phấn đấu vào Đảng; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các trường THPT hiện nay...
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất được các đại biểu nêu ra tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, cần thống nhất về nhận thức, việc phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh THPT và sinh viên rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành GD&ĐT là giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân, về chính trị.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong giao Ban Tuyên giáo chỉ đạo các Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã mỗi năm mở ít nhất 2 lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho học sinh, theo yêu cầu của các trường THPT. Chương trình bồi dưỡng cũng phải cấu trúc lại để phù với học sinh. Bên cạnh đó, các trường có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh.