Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ.
Về phía Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thành phố Hà Nội có Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà; Phó trưởng Ban Chỉ đạo ; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Buổi làm việc được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 30 quận/huyện/thị xã với gần 2.000 người có liên quan đến Kỳ thi tham dự.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Ban Chỉ đạo thi TP.Hà Nội. |
Cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, TP Hà Nội có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi và 3.654 thí sinh tự do. Trong đó có 88.831 thí sinh dự thi theo chương trình GDPT, 13.264 thí sinh dự thi theo chương trình GDTX.
Thành phố bố trí 4.263 phòng thi, trong đó có 170 phòng chờ và 378 phòng thi dự phòng. Bố trí 189 Điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Thí sinh trong một quận/huyện/thị xã được bố trí thành một cụm thi.
Điểm in sao đề thi đặt tại một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập; được bố trí thành 3 vòng độc lập, có lực lượng công an canh gác rất nghiêm ngặt. Ban In sao đề thi được trang bị đầy đủ thiết bị theo quy định và đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Đến nay, Hà Nội đã nhận được toàn bộ đề thi gốc để tiến hành in sao. Phương án vận chuyển đề, bài thi cũng đã được xây dựng, bảo đảm an toàn, bảo mật theo đúng quy định.
Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cho biết, dù vừa tổ chức xong kỳ tuyển sinh vào 10 với quy mô tương tự thi tốt nghiệp THPT, nhưng thành phố không chủ quan. |
Về nhân lực, toàn thành phố huy động 15.507 cán bộ làm nhiệm vụ thi, trong đó có 14.907 cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. Dự kiến điều động gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi. Số lượng này chưa kể lực lượng công an.
Cán bộ coi thi không được coi thi học sinh của trường mình. Trưởng Điểm thi và Phó Trưởng Điểm thi không cùng một đơn vị. Mỗi phòng thi có 2 cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau. Để đảm bảo Quy chế thi, tại mỗi Điểm thi, cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THPT đến từ quận/huyện/thị xã lân cận, giáo viên của các trường THCS tại quận/huyện/thị xã nơi đặt Điểm thi.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn thành phố. |
Thành phố bố trí 537 thanh tra cắm chốt tại các Điểm thi. Trong đó Điểm thi dưới 20 phòng thi là 2 thanh tra; từ 20 đến 30 phòng thi là 3 thanh tra; từ 31 đến 40 phòng thi là 4 thanh tra; từ 41 phòng thi trở lên là 5 thanh tra. Tăng cường thêm thanh tra ở những điểm thi có phòng thi phân tán. Thành lập Tổ giám sát gồm 16 nhóm, thành viên mỗi nhóm là lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở GD&ĐT và thanh tra Thành phố. Ban Chỉ đạo Thành phố thành lập 10 tổ kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên địa bàn.
Chia sẻ về phương án tổ chức chỉ đạo của Kỳ thi, ông Trần Thế Cương cho biết, cùng với Ban Chỉ đạo cấp thành phố, 30 quận/huyện/thị xã đều thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Việc phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo, ban hành các kế hoạch tổ chức, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi của TP Hà Nội bảo đảm chỉ đạo xuyên suốt từ cấp thành phố đến cơ sở.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường. |
“Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi”, ông Trần Thế Cương khẳng định.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng về việc quan tâm đến việc dạy học, ôn tập cho thí sinh vốn 2 năm liền bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ông Trần Thế Cương cho biết thành phố rất quan tâm đến vấn đề này và giao Sở GD&ĐT phối hợp Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức phát sóng 3 buổi/tuần giúp học sinh ôn tập. Với trường mọi năm có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chưa được như mong muốn, Sở GD&ĐT trao đổi Ban giám hiệu dành thời lượng thích hợp để ôn tập cho học sinh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Chuẩn bị cẩn trọng, lường trước các tình huống
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Hà Nội, tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học và đại diện Bộ Công an chia sẻ một số vấn đề cần lưu ý trong công tác chuẩn bị, tổ chức thi.
Theo đó nhấn mạnh địa phương cần rà soát, tổng kiểm tra lần cuối các điều kiện, đặc biệt ở địa bàn xa; quan tâm thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt; xây dựng kịch bản, lên phương án lường trước để không bị động trước mọi tình huống. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo thí sinh về các vật dụng không được phép mang vào phòng thi. Đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người, lựa chọn nhân lực, tập huấn kỹ lưỡng, trong đó có vấn đề nhận diện các thiết bị công nghệ cao có thể được sử dụng để gian lận...
Công việc chuẩn bị của Hà Nội sẽ nặng nề hơn các địa phương khác, mức độ đòi hỏi tính chu đáo, sự an toàn cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như công tác chuẩn bị của thành phố cho Kỳ thi. Sự chuẩn bị cho đến thời điểm này, theo Bộ trưởng là bài bản, cẩn thận, chuyên nghiệp, đúng kế hoạch và đúng yêu cầu chung.
Với tính chất quan trọng của một Kỳ thi có quy mô lớn, phạm vi toàn quốc, được xã hội đặc biệt quan tâm, kết quả thi được sử dụng cho nhiều mục đích; đặc biệt Hà Nội lại có số lượng thí sinh dự thi đông, chiếm đến hơn 1/10 thí sinh cả nước, thành phần thí sinh đa dạng, mức độ huy động nhân lực, thiết bị cho Kỳ thi rất lớn, Bộ trưởng cho rằng: Công việc chuẩn bị của Hà Nội sẽ nặng nề hơn các địa phương khác, mức độ đòi hỏi tính chu đáo, sự an toàn cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Điểm thi Trường THCS Trần Duy Hưng - Cầu Giấy. |
Nhấn mạnh một số điểm cần lưu ý trong công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng nhắc đến đầu tiên là đội ngũ cán bộ coi thi. Với một số lượng lớn cán bộ, giáo viên được huy động cho công tác coi thi, Bộ trưởng đề nghị thành phố quan tâm tới công tác tập huấn cho đội ngũ này.
“Quá trình tập huấn nhấn mạnh những điểm cần thiết, lưu ý rút kinh nghiệm từ những năm trước, đâu là việc cán bộ coi thi hay mắc phải và làm chưa chính xác cần lưu tâm hơn”. Lưu ý điều này, Bộ trưởng đồng thời đề nghị Hà Nội đảm bảo đủ số lượng cán bộ coi thi dự phòng và tuỳ điều kiện của thành phố dành sự quan tâm tới đội ngũ làm thi.
Đối với học sinh, Bộ trưởng mong muốn thành phố sẽ tiếp tục có những quan tâm, hỗ trợ, bởi đây là những học sinh chịu thiệt thòi do ảnh hưởng ảnh của dịch Covid-19. Cùng với đó, quan tâm xử lý quyền lợi cho những trường hợp thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sau ngày 10/9/2022 được miễn thi môn ngoại ngữ theo công văn mới đây của Bộ GD&ĐT và kịp thời giải đáp thông tin đầy đủ cho thí sinh, phụ huynh.
Đánh giá Hà Nội đã chuẩn bị khá chu đáo về cơ sở vật chất tại các Điểm thi, địa điểm in sao đề thi, song Bộ trưởng nhấn mạnh vẫn cần quan tâm rà soát và tăng cường cho bộ phận in sao đề thi. Trong đó, ưu tiên hệ thống trang thiết bị tốt nhất cho khâu in sao đề thi và chấm các bài thi trắc nghiệm.
“Vừa ưu tiên chất lượng trang thiết bị máy móc nhưng phải kèm theo kiểm tra của con người, như vậy mới tránh được rủi ro trong in sao đề thi và chấm thi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phòng chống gian lận công nghệ cao cũng là vấn đề được Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội lưu ý trong cả công tác tập huấn và trong chỉ đạo chung.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác kiểm tra công tác làm việc tại Điểm thi Trường THCS Trần Duy Hưng - Cầu Giấy. |
Với đặc điểm của địa bàn đông dân cư, nguy cơ tắc đường cao, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hà Nội, cụ thể là Công an thành phố có sự phối hợp, hỗ trợ ưu tiên phân luồng về giao thông, tránh ùn tắc trong những ngày diễn ra Kỳ thi; cùng với đó là đảm bảo an ninh trật tự tại phía ngoài các điểm thi. Một nguy cơ nữa cũng được Bộ trưởng mong thành phố lưu ý có phương án dự phòng, đó là nguy cơ mưa to, gây ngập úng trong thời điểm diễn ra Kỳ thi.
Về công tác y tế, Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng nhằm đảm bảo sức khoẻ cho cả thí sinh và cán bộ làm thi.
Đối với công tác truyền thông, thông tin, Bộ trưởng lưu ý tới tính chủ động: Chủ động giải thích cho phụ huynh, học sinh về các chế độ, chính sách, các nội dung có liên quan tới kỳ thi; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Trong công tác thông tin liên lạc, Bộ trưởng cũng đề cập tới sự thông suốt về thông tin giữa Ban Chỉ đạo thi thành phố với Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, đặc biệt khi cần xử lý tình huống.
Nhắc tới khẩu hiệu “một kỳ thi bình thường”, Bộ trưởng nhấn mạnh: Quan trọng nhất là cán bộ, giáo viên, các lực lượng phục vụ Kỳ thi làm đúng, làm đủ, chính xác không thừa, không thiếu, không thêm, không bớt.
Thay mặt lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 Thành phố, bà Vũ Thu Hà cho biết tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng; tiếp tục chỉ đạo triển khai, rà soát các kịch bản, phương án để tổ chức tốt nhất Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Theo bà Vũ Thu Hà, dù vừa tổ chức xong kỳ tuyển sinh vào 10 với quy mô tương tự thi tốt nghiệp THPT, nhưng thành phố không chủ quan. Cùng rà soát các vấn đề cần rút kinh nghiệm sau Kỳ thi - đặc biệt với in sao đề - thành phố đồng thời chủ động rà soát các tình huống phát sinh, phân công rõ trách nhiệm, công tác phối hợp xử lý khi có tình huống này xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng thông tin đã chỉ đạo các sở ngành liên quan truyền thông sâu hơn đến thí sinh, phụ huynh học sinh về quy chế, tránh trường hợp còn vi phạm; rà soát một số điểm hay ùn tắc, ngập lụt… để lên phương án xử lý tình huống… Với thí sinh đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục rà soát để có phương án hỗ trợ tốt nhất cho các em.
Sau khi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thành phố Hà Nội và các quận/huyện/thị xã, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tại điểm in sao đề thi của Hà Nội và Điểm thi Trường THCS Trần Duy Hưng (Cầu Giấy).