Mức thu học phí đối với Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường TC Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2017-2018 cũng được thông qua tại kỳ họp này.
Cụ thể, mức thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2017 - 2018: Vùng thành thị là 110 ngàn đồng/tháng/học sinh, tăng 30 ngàn đồng/tháng/học sinh (so với năm học 2016 - 2017); vùng nông thôn là 55 ngàn đồng/tháng/học sinh, tăng 15 ngàn đồng/tháng/học sinh; vùng miền núi là 14 ngàn đồng/tháng/học sinh, tăng 4 ngàn đồng/tháng/học sinh.
Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long: nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản mức thu là 900.000 đồng, tăng 100.000 đồng so năm học 2016 - 2017; Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch mức thu đề xuất là 900.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 100.000 đồng so năm học trước.
Đối với Trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội: nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản mức thu năm học 2017 - 2018 là 750.000 đồng, tăng 100.000 đồng/tháng/học sinh; nhóm ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch, mức thu là 800.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 100.000 đồng/tháng/học sinh so với năm học trước. Mức thu này được xây dựng theo nguyên tắc tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, nhưng không vượt mức trần đối với đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
Mức học phí nêu trên hằng năm sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định, đến năm học 2020 - 2021 mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, năm học 2016-2017, với mức thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập, tổng số thu từ học phí của Thành phố đạt khoảng trên 475 tỷ đồng. Các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) để chi hỗ trợ phục vụ dạy và học nên rất hạn hẹp. Với sự thông qua của HĐND TP. Hà Nội, năm học 2017-2018, tổng số thu học phí theo mức thu mới dự kiến là trên 653 tỷ đồng, tăng trên 178 tỷ đồng so với năm học trước.
Theo đánh giá của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, cơ quan thẩm tra Nghị quyết, mức tăng này không gây đột biến, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Việc điều chỉnh tăng học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ (riêng đối tượng nghèo, cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của TP Hà Nội).