Hơn một tuần qua, trên nhiều tuyến phố ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tràn ngập rác thải. Rác chất đống trên vỉa hè, đầu ngõ bốc mùi hôi thối. Tương tự tại quận Nam Từ Liêm, hàng chục xe rác bốc mùi ùn ứ ở điểm tập kết trên đường Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn.
Chiều 20/11, công nhân đã dọn rác tại các khu vực trên, tuy nhiên, một số tuyến phố như đường đê Yên Phụ, ngã ba Yên Phụ - An Dương, rác vẫn ùn ứ trên xe gom xếp hàng dài.
Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, nói "những ngày qua rác thải không được thu dọn, ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh môi trường, an toàn giao thông trên địa bàn, nếu tình trạng này kéo dài thậm chí còn trở thành vấn đề trật tự xã hội".
Theo ông Sáng, đây không phải lần đầu xảy ra việc ùn ứ rác, nên phường đã có văn bản báo cáo Quận, đề nghị lựa chọn đơn vị thu gom rác có năng lực, trách nhiệm hơn trong thời gian tới.
Giai đoạn 2014 đến 2017, Hà Nội giao cho các quận, huyện tự tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị duy trì vệ sinh trên địa bàn. Song từ năm 2017 đến nay, việc thu gom rác tại các quận, huyện thực hiện theo phương thức đấu thầu tập trung.
Thành phố giao nhiệm vụ cho Trung tâm mua sắm tài sản công (Sở Tài chính) tổ chức đấu thầu dịch vụ môi trường với tổng cộng 26 gói thầu, thực hiện trong 3 năm 10 tháng (đến hết năm 2020).
Thực hiện cơ chế đấu thầu tập trung ở cấp thành phố, nên khi xảy ra ùn ứ rác trên địa bàn thì "phường không xử lý được mà chỉ kiến nghị lên trên", theo ông Hoàng Xuân Sáng. Chủ tịch phường Yên Phụ hy vọng, từ năm 2021, việc quản lý nhà thầu xử lý rác thuộc các quận thì những đơn vị năng lực yếu sẽ bị loại bỏ.
Ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội), xác nhận từ 1/1/2021, các quận, huyện, thị xã sẽ là chủ đầu tư việc duy trì vệ sinh trên địa bàn và "chủ động lựa chọn nhà thầu".
"Việc lựa chọn các nhà thầu cho giai đoạn mới sẽ thực hiện theo đúng quy định về đấu thầu rộng rãi, minh bạch. Sau khi lựa chọn xong nhà thầu, chúng tôi ký thoả thuận khung và bàn giao cho chủ đầu tư là UBND quận, huyện, thị xã ký hợp đồng chi tiết làm cơ sở thanh toán cho các nhà thầu trên từng địa bàn", ông Tuân nói.
Nhà thầu ở những địa bàn xảy ra tình trạng tấp đống rác thải nêu trên là Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân. Đầu tháng 11, đơn vị này đổi tên thành Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội.
Ông Nguyễn Khắc Công, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội, cho rằng nguyên nhân ùn ứ rác do "khối lượng phát sinh quá nhiều", chênh lệch lớn so với mức ban đầu khi đấu thầu. Công ty đã đề nghị song thành phố chưa có quyết định hạch toán theo khối lượng phát sinh này, dẫn đến nguồn thu của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trước thông tin Công ty chậm trả lương khiến hàng loạt công nhân nghỉ việc, ông Công lý giải "không có chuyện chúng tôi nợ lương, đổi tên đơn vị để rũ bỏ trách nhiệm, mà vì công ty lớn nên cần thời gian rà soát, chi trả cho công nhân".
Ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính, thừa nhận việc thanh toán chi phí vệ sinh môi trường "còn chậm". Dẫn đến đơn vị thu gom chưa có nguồn thanh toán lương và chế độ cho người lao động.
"Thành phố đang xây dựng đơn giá, định mức mới cho công tác vệ sinh môi trường, trong đó những bất cập, vướng mắc hiện nay sẽ được giải quyết", ông Tuân khẳng định.
Ngoài ra, trong báo cáo gửi Thường trực HĐND TP Hà Nội hồi tháng 10, UBND thành phố cho hay đã có nhiều văn bản yêu cầu các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Thạch Thất, Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Trì, Ba Vì "tăng cường công tác đôn đốc nhà thầu Công ty Minh Quân thực hiện đúng yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật đối với gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn".
Việc công ty này không đảm bảo duy trì vệ sinh môi trường theo các tiêu chí, yêu cầu của gói thầu sẽ được chủ đầu tư giám sát, đánh giá, xử lý theo điều khoản hợp đồng. Đặc biệt là giảm điểm đánh giá về năng lực khi công ty này tham gia các gói thầu trên địa bàn thành phố từ năm 2021.