Hà Nội quyết xóa 10 “điểm đen” ùn tắc

Từ nay đến cuối năm 2019, Hà Nội quyết tâm trị dứt điểm 10 trên tổng số 33 “điểm đen” ùn tắc trên địa bàn...

Cầu Chương Dương giảm áp lực giao thông hơn khi được tổ chức lại và tăng cường lực lượng ứng trực.
Cầu Chương Dương giảm áp lực giao thông hơn khi được tổ chức lại và tăng cường lực lượng ứng trực.

5 điểm ùn tắc “bất ngờ” giảm nhiệt

Nút giao Nguyễn Khang - cầu 361 vốn là một trong những “điểm đen” ùn tắc nghiêm trọng nhất trên địa bàn Thủ đô. Nút giao này thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc bởi mật độ phương tiện quá cao và xung đột giữa các dòng phương tiện hướng đường Láng đi vào và từ đường Vũ Phạm Hàm đi ra.

Tuy nhiên, chiều 10/6, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại trong khung giờ cao điểm (17h), ùn ứ gần như không xuất hiện. Cầu 361 đã được nâng cấp, mở rộng diện tích mặt cắt lên gấp đôi và được phân tách làn bởi dải phân cách cứng. Đèn tín hiệu được lắp đặt ở tất cả các hướng lưu thông trên cầu. Cùng đó, trong giờ cao điểm, lực lượng CSGT cũng được bố trí tại khu vực nút giao này để phân luồng phương tiện từ đường Láng lên cầu.

Tại khu vực cầu Mọc, trước đây người tham gia giao thông luôn ngán ngẩm bởi tình trạng phương tiện nối đuôi nhau “chôn chân” hàng chục phút trên cầu chờ tiếng còi điều tiết của lực lượng tự quản, rồi thi nhau tranh giành đường với ô tô để thoát cảnh ùn tắc. Nhưng thời điểm PV ghi nhận mặt cầu rất rộng rãi và gần như không bị xung đột.

Chị Cung Như Ngọc (có nhà trên phố Quan Nhân, Thanh Xuân) cho hay, từ khi cầu Mọc được mở rộng và tổ chức lại, chị đi làm chỉ mất khoảng 30 phút thay vì cả tiếng như trước. “Do không bị xung đột giữa các hướng, cộng thêm có CSGT phân luồng nên các phương tiện lưu thông rất thuận lợi, không phải chen chúc trên cầu chật hẹp nữa”, chị Ngọc chia sẻ.

Tương tự, nút giao Láng - Trần Duy Hưng vốn có lưu lượng giao thông rất lớn, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, hiện tại đây, lực lượng CSGT đã được tăng cường để điều tiết, hướng dẫn giao thông. Trong gần 30 phút quan sát, ghi nhận của PV, dù lượng phương tiện đổ ra đường Láng và Nguyễn Chí Thanh và chuyển hướng tại nút giao này vẫn rất lớn song không có bất kỳ sự xung đột, ùn tắc nào xảy ra. Các hướng xe đều lưu thông thuận lợi và chấp hành tín hiệu đèn cùng sự điều tiết của lực lượng chức năng.

Khu vực cầu Chương Dương vốn là “điểm đen” ùn tắc nghiêm trọng nhất trên địa bàn Thủ đô và vào giờ cao điểm là nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông với hình ảnh hàng nghìn chiếc xe máy, ô tô chen chúc nhau ùn lại trên cầu diễn ra như cơm bữa. Tuy nhiên, gần đây, tình hình tại “điểm đen” ùn tắc này đã cải thiện đáng kể.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, những “điểm đen” ùn tắc trên phần nào hạ nhiệt do Hà Nội đang thí điểm tổ chức lại giao thông. 5 vị trí được thí điểm bao gồm: Nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), nút giao Nguyễn Khang - Cầu 361 (quận Cầu Giấy), cầu Mọc (quận Thanh Xuân), phía Bắc cầu Chương Dương (quận Long Biên) và điểm ùn tắc ở đầu các ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng.

Từ nay đến cuối năm giảm ít nhất 10 điểm ùn tắc

Liên quan đến các giải pháp cụ thể đang thí điểm tại 5 điểm ùn tắc trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh đang được điều chỉnh phương án tổ chức giao thông và phân luồng hợp lý hơn. Đồng thời, tại đây, Sở GTVT yêu cầu tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, thường xuyên ứng trực để điều tiết giao thông. Từ khi thực hiện thí điểm đến nay, ùn tắc tại đây đã thuyên giảm rõ rệt.

Đối với điểm Nguyễn Khang - cầu 361 (quận Cầu Giấy), Sở GTVT cho biết, lưu lượng giao thông trên các nhánh đều rất cao, mặt cắt ngang của đường Láng tại các vị trí cầu hẹp, gây xung đột giao thông đã được tổ chức lại bằng đèn tín hiệu hai đầu cầu phía đường Láng và đường Nguyễn Khang. Cùng đó, Sở GTVT cũng nghiên cứu điều chỉnh để tối ưu nút đèn, rà soát tổ chức tổng thể trên tuyến đường Láng.

Đáng lưu ý, điểm phía Bắc cầu Chương Dương thuộc quận Long Biên có lưu lượng giao thông rất lớn, ngành chức năng Hà Nội tiến hành điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực đền Ghềnh - đê Bát Tràng; Đồng thời tận dụng hệ thống đường 40m giao với đường Nguyễn Văn Cừ nhằm giảm xung đột khu vực nút giao. Cùng đó, Hà Nội nghiên cứu điều tiết, phân luồng các phương tiện giao thông qua cầu. Tới đây, Sở GTVT sẽ phối hợp Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông thực hiện dự án cải tạo nút giao phía Bắc cầu Chương Dương. Khi đó, ùn tắc tại điểm nóng này chắc chắn giảm rõ rệt.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tồn tại 33 điểm ùn tắc, để xóa điểm đen ùn tắc hiệu quả, Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức lại giao thông tại 5 điểm đen này trước, sau đó sẽ nhân rộng triển khai trên tất cả 33 điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố. “Từ nay đến cuối năm, với nhiều giải pháp, Hà Nội sẽ nỗ lực xóa 10 trong tổng số 33 điểm ùn tắc trên”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, cùng với các giải pháp phân luồng, tổ chức lại giao thông, tới đây, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô. TP Hà Nội sẽ hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị nâng tầng từ đường vành đai 3 trở vào khu trung tâm. Cùng đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm theo đúng quy hoạch, đúng lộ trình. Quỹ đất này sẽ được ưu tiên dành cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.