Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, trước đây trên địa bàn có 1 trạm xử lý nước sạch nhưng không đạt yêu cầu, huyện đã phối hợp và báo cáo thành phố bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân. Hiện nay, nguồn nước sạch cung cấp cho người dân KĐT Tân Tây đô là từ sông Đà.
Liên quan đến việc mất nước tại KĐT Tân Tây đô thời gian qua, Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng cho biết, đang có vướng mắc giữa chủ đầu tư với cư dân liên quan đến việc mua bán nước. Cư dân KĐT Tân Tây đô mong muốn được ký hợp đồng mua bán nước trực tiếp với Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội, tuy nhiên việc xử lý tồn tại, vướng mắc phải có lộ trình và theo quy định của pháp luật. “Với trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền, nước sạch phải đến được với cư dân KĐT Tân Tây đô. Cùng với đó giá tiền nước phải bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật…”, ông Hùng chia sẻ.
Trước phản ánh chậm tiến độ tại Dự án nước mặt sông Hồng trên địa bàn huyện Đan Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cũng cho biết, huyện rất nỗ lực. Tuy nhiên, có những khó khăn khiến tiến độ dự án chậm. Công ty nước mặt sông Hồng đang triển khai dự án và theo cam kết của chủ đầu tư trước đó với Chủ tịch UBND thành phố, đến năm 2018 cấp nước với khối lượng 300.000m3/ngày đêm. “Để giải quyết nước sạch trên địa bàn, vừa rồi thành phố có chủ trương giao cho Công ty nước sạch Đan Phượng xây dựng một trạm xử lý nước sạch sông Hồng cung cấp cho người dân. Huyện tiếp tục tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai dự án trên địa bàn…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin.
Trước đó, Báo GD&TĐ có bài viết “Hà Nội: Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt” phản ánh gần 4.000 nhân khẩu của khoảng 1.300 hộ dân trú tại KĐT Tân Tây đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) suốt gần 4 ngày (từ 24/5 đến trưa ngày 27/5) phải sống trong cảnh không đủ nước sinh hoạt giữa đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè. Thanh Sơn
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin với báo chí